Nhiều hộ dân tại các khu tái định cư miền núi đã mạnh dạn phát triển kinh tế theo mô hình kinh doanh thương mại nhỏ lẻ, góp phần cung ứng hàng hóa và tiêu thụ nông sản của người dân trong vùng.
Bên quán tạp hóa Acha
Cuối chiều một ngày tháng 6, bên hiên nhà của vợ chồng Bh’nướch Acha - người Cơ Tu ở thôn Ta Ri (xã Lăng, huyện Tây Giang) rất đông bà con tụ tập chờ đến lượt kiểm đếm chuối, mây rừng và một số nông sản khác. Kể từ khi chuyển đến khu tái định cư mới này, chuối, keo và một số cây dược liệu được bà con trồng để mở rộng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.
Cầm trên tay số tiền vừa bán buồng chuối, chị Bh’ling Thị Nhoom, một người dân trong làng ghé vội quán tạp hóa của vợ chồng Acha ở gần đó để mua ít dầu ăn, mì chính. Chị Nhoom cho hay, kể từ khi có quán tạp hóa này, người làng Ta Ri đỡ phải vất vả ngược đường rừng cả gần 10km đến trung tâm xã để mua hàng hóa phục vụ đời sống như ngày trước. Bởi ở tạp hóa của Acha, hiện bán đủ các mặt hàng, từ bánh kẹo, nước ngọt, gia vị, cho đến… bia, với giá cả không chênh lệch mấy so với bên ngoài. “Từ ngày có quán tạp hóa của Acha, bà con không phải ra trung tâm xã để mua hàng nữa. Ngày tết, nhà nào thiếu gì, chỉ cần đi vài bước là có thể mua sắm hàng hóa, nên rất thuận lợi. Chưa kể, vài năm trở lại đây, vợ chồng Acha còn thu mua các loại nông sản của bà con, giúp giải quyết được tình trạng nông sản bị thương lái ép giá như trước đây” - chị Nhoom chia sẻ.
Tại quán tạp hóa của Acha, cảnh mua bán cứ thế tiếp diễn với người làng sau mỗi chuyến “bám rừng”. Từng ký nấm, gừng, hay từng chai mật ong, gùi dứa,… được mang đến để đổi lấy những gói mì tôm, dầu gội, áo quần phục vụ đời sống dường như đã thành nếp quen với đồng bào ở khu tái định cư Ta Ri này. Những nỗi lo ngày cũ về chuyện thiếu dầu ăn, mắm muối, mì chính,… trong những ngày mưa lũ, với người làng nay cũng không còn nghe ai nhắc đến nữa. Già làng Ta Ri - ông Cơlâu Nứch nói, cũng nhờ có quán tạp hóa của vợ chồng Acha mà dân làng có chỗ để mua sắm và bán hàng nông sản. Nhiều nhà khó quá, cũng được vợ chồng Acha cho nợ. Đến mùa lúa, mùa keo thì trả. Cứ thế, tình làng nghĩa xóm được vun đắp, đầy nghĩa tình.
Mở hướng giảm nghèo
Như một “cầu nối” trong việc hỗ trợ bà con biết cách sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống từ rừng thay vì tự cung tự cấp, nhiều hộ dân miền núi đang cho thấy hiệu quả “kép” từ việc mở hướng phát triển kinh tế theo mô hình kinh doanh thương mại. Như vợ chồng Bh’nướch Acha, từ hộ khó khăn, nhờ buôn bán nay đã trở thành gương điển hình trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Số tiền dành dụm được, ngoài đầu tư trồng keo, cao su, vợ chồng Acha còn thực hiện một số dự án nhỏ nhằm hỗ trợ và khuyến khích các hộ khó khăn trong làng cùng mở hướng làm ăn, phát triển kinh tế.
Không chỉ Ta Ri, tại một số khu tái định cư miền núi khác ở huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn,… đồng bào cũng đã bắt đầu chuyển hướng làm ăn mới, thông qua việc buôn bán hàng hóa, ươm trồng cây giống, làm du lịch và dần thoát khỏi tư duy làm ăn tự cung tự cấp. Theo chị Pơloong Thị Phái, ở khu dân cư Pring (xã Chà Vàl, huyện Nam Giang), nhận thấy nhu cầu tìm mua cây giống để trồng rừng của người dân địa phương, mới đây, gia đình chị đã đầu tư thực hiện các công đoạn ươm giống cây gáo - một loại cây lấy gỗ rất được đồng bào ưa chuộng. Thay vì phải đặt hàng từ miền xuôi, tốn chi phí vận chuyển như trước đây, bà con chỉ cần “alô” là có ngay số hàng được đưa về tận nhà. Bước đầu thành công từ việc ươm giống cây gáo, chị Phái nói, tới đây sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ươm giống thêm một số loại cây khác đảm bảo chất lượng, nhằm cung ứng cho trị trường trong vùng.
Bà A Ting Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, bên cạnh đẩy mạnh việc mở rộng trồng cây dược liệu, cây ăn quả và một số mặt hàng nông sản đặc trưng ở miền núi, địa phương còn khuyến khích người dân ở các khu tái định cư tìm hướng phát triển kinh tế theo mô hình kinh doanh, buôn bán gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch như: chè dây ra zéh, chuối mốc, ớt ariêu, đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Đây cũng là cơ hội giúp người dân chuyển đổi cách làm ăn từ tự cung tự cấp sang hướng tiếp cận các mô hình sản xuất hàng hóa, giúp giảm dần hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi” - bà Tươi nói.