Sinh kế từ rong biển: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

NGUYỄN QUANG 27/12/2022 06:42

Nguồn lợi rong biển trên địa bàn tỉnh đang được người dân khai thác tự phát. Nguyên liệu này chưa được thu mua, chế biến để nâng cao giá trị.

Người dân xã Tam Hải khai thác rong biển tự nhiên trong năm qua. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Người dân xã Tam Hải khai thác rong biển tự nhiên trong năm qua. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Lãng phí tài nguyên

Cuối tháng 11 vừa qua là thời điểm kết thúc vụ khai thác rong biển. Ông Trần Công Chính (thôn Thuận An, Tam Hải, Núi Thành) cho biết, năm nay sản lượng rong biển giảm, giá bán rong biển thương phẩm cũng thấp. “Chúng tôi bán rong mơ cho tư thương vận chuyển vào Khánh Hòa chứ trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp chế biến rong mơ” - ông Chính nói.

Rong biển (rong mơ) có ở nhiều khu vực như Bàn Than (Tam Hải, Núi Thành), rạn Bà Đậu (Tam Tiến, Núi Thành), Cù Lao Chàm (Tân Hiệp, Hội An). Rong biển không chỉ bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển mà còn có thể chế biến thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm có giá trị kinh tế cao.

Định hướng phát triển trồng rong biển của Bộ NN&PTNT là từng bước hình thành các vùng tập trung theo hướng chuyên canh, quy mô lớn đảm bảo chất lượng để cung cấp cho các nhà máy chế biến rong biển.

Về tổ chức sản xuất, kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp, giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã huy động nguồn lực trồng rong biển theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.

Theo ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, do rong biển bị khai thác quá mạnh dẫn đến suy giảm nên Sở NN&PTNT đã ban hành lịch mùa vụ từ tháng 5 đến tháng 11, thời gian còn lại để rong biển hồi phục.

Ở Tam Hải đã có các tổ cộng đồng khai thác, bảo vệ rong biển nhưng quy chế chưa rõ ràng, không có chế tài xử phạt nên khó đảm bảo rong biển không bị khai thác quá mức.

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, nhận thấy tiềm năng to lớn của rong biển, huyện đã triển khai thí điểm mô hình trồng rong biển ở thôn Bình Trung (xã Tam Hải), do ông Nguyễn Đức Siêng thực hiện, song kết quả đem lại không như kỳ vọng. Sản phẩm phụ thuộc vào tư thương, bấp bênh đầu ra.

Theo ông Hiệp, tiềm năng trồng rong biển ở vùng biển Núi Thành rất lớn, nhưng cần có doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt người dân và cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực tiếp sức.

Cần khai phá

Tại hội thảo về nuôi biển vừa được UBND tỉnh tổ chức, bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Super Trường Phát cho biết, đang triển khai nuôi trồng rong biển rất thành công ở Quảng Ninh. Doanh nghiệp xây dựng được chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nhất là xuất khẩu.

Bà Bình chia sẻ, ở các vùng biển Nam Trung Bộ có thể trồng rong biển theo chuỗi. Quy trình kỹ thuật không quá khó. Dự án rất kỳ vọng thành công, tạo sinh kế bền vững cho cư dân ven biển.

Nguồn lợi rong biển chưa được doanh nghiệp Quảng Nam chế biến để nâng cao giá trị. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Nguồn lợi rong biển chưa được doanh nghiệp Quảng Nam chế biến để nâng cao giá trị. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Ở các vùng biển Khánh Hòa, Phú Yên đã thử nghiệm trồng rong biển hiệu quả. Mô hình phân định 3 khu ương giữ giống, giàn phao trồng rong biển và giàn phơi rong trên biển. Tốc độ sinh trưởng của rong biển đạt cao hơn 15 - 20% so với phát triển trong tự nhiên.

Sau 45 - 60 ngày trồng có thể thu hoạch hằng ngày 0,5 - 0,7 tấn/ha. Sau gần 3 tháng trồng có thể thu hoạch được 20 tấn rong biển tươi, tương đương 2 tấn khô, chế biến phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nói, thật đáng tiếc khi mới chỉ khai thác rong biển trong tự nhiên, chưa triển khai mô hình trồng rong biển nào.

“Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp trồng rong biển ở các vùng biển Cù Lao Chàm để vừa khai phá tiềm năng vừa góp phần bảo vệ môi trường biển và nhất là đem lại sinh kế tốt cho người dân” - bà Thúy nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh kế từ rong biển: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO