Tôi được “ép” tham gia một group dịch vụ bất động sản trên mạng xã hội, có lẽ qua một liên kết nào đó với vài người quen. Dù không có nhu cầu mua bán đất, nhưng đôi lúc tôi lại hoạt động sôi nổi trong nhóm, chỉ vì tò mò.
Dù thị trường đất đai có lúc trầm lắng, nhưng công nhận không khí dịch vụ bất động sản trên group thì lúc nào cũng nhộn nhịp, bởi nhiều người xem đó là nghề, và nguồn lợi vẫn còn khả dĩ.
Như thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường đất đai lắng xuống, nhưng một thành viên trong nhóm mà tôi quen biết vẫn chốt được nhiều lô đất với giá hời, thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Anh chia sẻ, mình không phải là nhà đầu tư bất động sản cộm cán gì đâu, chủ yếu “lướt ván”, mua bán chóng vánh thôi, thậm chí chưa đặt cọc, nếu thấy được thì sang cho người khác kiếm vài đồng. Đó là cái nghề phải làm, như bao dịch vụ khác.
Nhiều thành viên khác trong group, qua chia sẻ của họ tôi biết, dịch vụ này đang đem lại nguồn thu đáng kể, dù được xem là nghề “đi dây”, có lúc phải chấp nhận rủi ro.
Đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn “màu mỡ” với giới đầu tư bất động sản, bởi có nhiều khu vực đang trong quá trình khai thác. Ví như vùng ven biển, những năm gần đây, nguồn tài chính đổ vào thị trường bất động sản là không nhỏ, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại tỉnh, bởi nhiều khu vực vừa lộ ra tiềm năng.
Trong guồng quay của dòng tiền này, tất nhiên giới dịch vụ bất động sản vẫn có phần; phần còn lại, đáng nói hơn, không ít gia đình ở vùng quê nghèo bỗng chốc đổi đời nhờ... đổi đất.
Trong loạt bài “Thắt chặt quản lý đất đai vùng đông” mà Báo Quảng Nam vừa đăng tải, trong quá trình thu thập thông tin viết bài, chúng tôi ghi nhận rất nhiều tâm tư của người dân, nổi bật là kỳ vọng của họ về khả năng giá trị đất đai sẽ tăng thêm, nếu các quy định về quản lý đất đai được tháo gỡ kịp thời.
Và như chia sẻ của lãnh đạo các địa phương, với những gia đình có nhu cầu chính đáng, nếu sang nhượng bớt một phần đất, họ sẽ làm được nhà cứng cáp, có tiền cho con cái làm kế sinh nhai..., lúc đó Nhà nước cũng bớt đi một phần lo về an sinh xã hội. Tất nhiên, đó là nhu cầu đáng quan tâm, nhưng xét ở khía cạnh quản lý xã hội, thì bài toán sinh lợi từ đất đai không chỉ là trước mắt.
Trong Chỉ thị 19 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành vào năm ngoái, đã để mở khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng đất chính đáng của người dân vùng đông, với các điều kiện phù hợp. Thực tế, một số người dân ở các địa phương vùng đông đã được giải quyết nhu cầu sử dụng đất với các điều kiện phù hợp này, nhưng vẫn còn phần lớn nằm trong diện rà roát điều kiện.
Ngay cả dự án khu phố chợ Chiên Đàn (Phú Ninh), UBND tỉnh cũng yêu cầu rà soát các điều kiện, nhất là đánh giá tác động môi trường, sau khi người dân phản ứng về tình trạng ngập lụt trong quá trình thi công.
Loại dự án lấp ruộng làm đất ở như Chiên Đàn, được đánh giá là có khả năng sinh lợi cao cho nhà đầu tư, nhưng cũng được xem là nguy cơ thu hẹp kế sinh nhai ổn định của người dân vùng nông thôn. Thế nhưng số lượng dự án kiểu này trên địa bàn tỉnh không phải là ít.
Khả năng sinh lợi từ đất đai đang trở thành động lực cho nhiều người dân, nhà đầu tư và cả đội ngũ môi giới. Quảng Nam đang thu hút nhiều dự án bất động sản, một lượng lớn đất đai thuộc quyền sử dụng của người dân, phải nhường cho dự án. Vì vậy, để nguồn lợi từ tài nguyên đất đai trở thành nguồn lực phát triển xã hội, thì cơ chế quản lý cần phải chặt chẽ và công bằng, để có thêm nhiều người hưởng lợi từ đất.