Sinh viên chạy Grab

CHÍ BẢO 15/02/2019 06:43

Đằng sau chuyện không ít sinh viên làm thêm bằng cách chạy Grab-bike là những vui buồn về chuyện đời, chuyện nghề...

Sinh viên Quảng Nam chạy Grab-bike ở Đà Nẵng. Ảnh: C.B
Sinh viên Quảng Nam chạy Grab-bike ở Đà Nẵng. Ảnh: C.B

Từ chỗ khiến người ta hoài nghi về tính khả thi, Grab đã trở thành một mô hình dịch vụ vận tải khách công cộng hữu ích, không chỉ đem lại sự thuận tiện trong việc đi lại của cộng đồng mà còn cung cấp một công việc, một nghề “tay trái” đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người, trong đó có sinh viên. Mỗi nghề nghiệp, mỗi công việc hầu như lúc nào cũng có những nỗi niềm riêng. Với người chạy grab nói chung cũng vậy, phía sau mỗi tay lái là nhiều câu chuyện để kể. Riêng với những sinh viên làm thêm bằng cách chạy Grab-bike, đằng sau màu áo xanh Grab khó có thể bị nhầm lẫn mà họ khoác lên mình, cũng không thiếu những chuyện đời, chuyện nghề, vui có, buồn có...

Để trở thành người chạy “xe ôm công nghệ” - còn được gọi là đối tác của Grab, không khó. Chỉ cần có xe máy và một chiếc smartphone là bất cứ ai cũng có thể “hành nghề”, sau khi đã hoàn tất một số thủ tục đơn giản với Grab. Đối với sinh viên, thủ tục càng đơn giản hơn vì không cần phải chuẩn bị lý lịch tư pháp. Đỗ Hoàng Long, quê Quảng Nam, sinh viên năm nhất Trường Đại học FPT Đà Nẵng, cho biết, tuy tham gia chạy Grab chưa lâu, chưa có nhiều kinh nghiệm và thời gian chạy hàng ngày cũng không nhiều nhưng thu nhập đem lại khá ổn định, đủ để trang trải một phần các khoản chi tiêu cần thiết. Hiện ngoài giờ lên lớp, hàng ngày Long dành ra vài tiếng để chạy Grab, khi vắng khách thì tranh thủ lên Google map để nghiên cứu bản đồ Đà Nẵng. “Mình quê  Quảng Nam, chưa rành đường ở đây nên khi chạy Grab dù có công nghệ hỗ trợ mình vẫn lúng túng. Tìm hiểu kỹ hơn hệ thống đường sá ở đây mình sẽ chạy tốt hơn, thu nhập sẽ tăng lên” - Long nói.

Cũng từ Quảng Nam ra Đà Nẵng học đại học, vì điều kiện kinh tế khá khó khăn nên Lê Văn Đức, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Sư phạm, cũng quyết định tham gia chạy Grab để kiếm thêm thu nhập. Với Đức, ngoài việc có được một khoản thu nhập khá ổn định, điều lý thú không kém khi làm dân “xe ôm công nghệ” là có được thêm nhiều trải nghiệm sống thú vị và quý giá. “Mình là sinh viên, chạy Grab, ăn nói lễ phép đàng hoàng, khách đi xe thấy vậy rất dễ có cảm tình, có khi họ không lấy lại tiền thừa nên mình luôn phải cảm ơn. Nhiều khi gặp khách Tây, mình tranh thủ chuyện trò để... luyện thêm tiếng Anh, lúc về nhà còn nhận được đánh giá 5 sao “xịn” kèm theo một lời nhận xét bằng tiếng Anh rất “oách” - Đức kể.

Vui là thế, tuy nhiên công việc chạy Grab cũng có những nỗi niềm riêng. Chạy đến địa điểm đón khách rồi bị hủy chuyến không có lý do, hay vì lỗi định vị của hệ thống mà không đến đón khách được, phải ngồi trên yên xe, “phơi nắng phơi sương” trong một khoảng thời gian dài... là những “nỗi khổ” khiến bạn Nguyễn Hữu Nhân - sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đưa ra nhận xét rằng, chạy xe ôm Grab không phải là một công việc trong mơ. Ngoài ra, theo Nhân, chạy xe ôm Grab, nếu không tỉnh táo thì mình cũng có thể bị “mắc bẫy” bất cứ lúc nào. “Với các bạn sinh viên đã chọn Grab như một công việc làm thêm thì phải biết cân bằng giữa việc “chạy” và học, vì dù sao việc học vẫn là trên hết. Như mình, những ngày đầu vì thấy thu nhập cao, ham “chạy”, ham làm nên dẫn đến chểnh mảng việc học hành, số tiền kiếm được không đủ trả tiền học nợ môn” - Nhân nói.

Với mức thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra, thời gian làm việc linh hoạt, chạy xe ôm Grab là một công việc phù hợp với nhiều người, đặc biệt là với sinh viên. Tuy nhiên, như những gì các bạn sinh viên đã và đang chạy Grab, cần phải tỉnh táo và xác định rõ mục tiêu của mình, nếu không thì công việc làm thêm này sẽ ảnh hưởng đến việc quan trọng nhất là học tập; thậm chí nếu thiếu cảnh giác còn có thể gặp phải những rủi ro cho  bản thân...

CHÍ BẢO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh viên chạy Grab
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO