Đó là lời khuyên của hầu hết doanh nhân thành đạt với các sinh viên, tại buổi gặp mặt Ban liên lạc sinh viên Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh mới đây.
Sinh viên Đặng Thị Thu Tĩnh với câu hỏi liên quan đến khởi nghiệp lĩnh vực logistics. Ảnh: XUÂN THỌ |
Tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Ngọc Tiên - Trưởng ban Liên lạc sinh viên Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong số rất nhiều câu hỏi từ sinh viên gửi về để giao lưu với các doanh nhân xứ Quảng thành đạt, phần lớn xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp.
Khởi nghiệp ngành logistics cần gì?
Bạn Đặng Thị Thu Tĩnh (sinh viên năm 3 ngành kinh tế quốc tế của một trường đại học trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Chọn logistics sẽ có những hạn chế như thế nào đối với nữ, có những yêu cầu nào đối với công ty đa quốc gia, cần chuẩn bị gì để khởi nghiệp? Ông Trương Quốc Thắng (tên giao dịch là John Trương) - Giám đốc Công ty Vận tải hàng dự án công nghiệp nặng VN Projects cho biết, logistics bao gồm rất nhiều việc, mà hiểu nôm na nhất là nó sẽ bắt đầu từ chuỗi cung ứng ban đầu cho đến khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Đồng thời ông Thắng cũng cho biết Việt Nam hiện cần 700 nghìn nhân lực ở lĩnh vực này với mức lương trung bình 300 - 500USD mỗi tháng tùy vị trí, đối với sinh viên mới ra trường; với người có kinh nghiệm và công việc mang lại hiệu quả tốt, mức lương có thể chạm ngưỡng 5.000USD mỗi tháng hoặc hơn.
Về phân vân của Tĩnh là “nữ giới có những hạn chế gì khi đi hiện trường”, ông Thắng cho rằng không hề hạn chế, mà ngược lại, nữ giới làm logistics đi hiện trường còn có nhiều lợi thế hơn. Ông Thắng cũng chỉ ra rằng làm logistics không chỉ đi hiện trường mà còn có những công việc khác nằm trong chuỗi đó như làm chứng từ, văn phòng… “Đối với các công ty đa quốc gia, vấn đề cần chú ý là phải giỏi ngoại ngữ mà chủ yếu là tiếng Anh. Nếu biết thêm một ngoại ngữ khác là một lợi thế. Tuy nhiên, trong nhiều năm làm ở lĩnh vực này, tôi thấy cái yếu nhất của người Việt là làm báo cáo. Phải học cách làm báo cáo ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu” - ông Thắng chia sẻ.
Về khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực logistics mà sinh viên quan tâm, từ thực tế bản thân, ông Thắng cho rằng cần phải có tài chính và ý tưởng phù hợp. Đồng thời, ông đưa ra lời khuyên là nên bắt đầu bằng những việc ở vị trí thấp nhất để tích lũy dần kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp. Như bản thân ông, xuất phát từ công việc xuất nhập khẩu, sau đó làm trưởng đại diện cho một công ty quốc tế tại Việt Nam về lĩnh vực vận tải, trước khi ông khởi nghiệp và lập công ty riêng. Công ty của ông hoạt động ở lĩnh vực vận tải. Đó là một quá trình tìm kiếm mối quan hệ, tích lũy kinh nghiệm để biết cách vượt qua khó khăn cho khởi nghiệp sau này.
Sinh viên có nên khởi nghiệp?
Câu trả lời là không nên, nếu như chưa học tốt điều đã chọn hay chưa trải qua quá trình cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Các doanh nhân cho biết có đến hơn 95% sinh viên khởi nghiệp đều thất bại vì thiếu kinh nghiệm, không có định hướng rõ ràng. Ông Nguyễn Hoài Thi - Tổng Giám đốc Việt An Group, cho rằng muốn khởi nghiệp, trước mắt phải xem mình có nghề hay không. Chỉ khi nào mình có nghề, mới có thể mở ra cơ hội kết nối khi khởi nghiệp. “Sinh viên trước hết cần để ý xem cái mình đang học mình có hứng thú hay không. Ra trường, 1 đến 2 năm đầu tiên nên dành những thứ mình học được để tập tành bằng cách làm thuê cho người ta, để được trải nghiệm, để được tích lũy, để có sự chuẩn bị tốt trước khi khởi nghiệp” - ông Thi lưu ý.
Ông Thi còn cho rằng quá trình đó sẽ giúp sinh viên rèn luyện được kỹ năng. Đây là điều vô cùng quan trọng khi sinh viên, với tư cách là chủ 1 doanh nghiệp ở giai đoạn khởi nghiệp, khi đi gặp gỡ, tiếp xúc với khách hàng. Đồng tình với ý kiến của ông Thi, ông Trần Vũ Lê - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nội thất Lê Trần nhấn mạnh, sinh viên cần học tốt cái mình đã chọn, đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. “Không những vậy, quá trình đi làm thêm hay làm thuê cho người ta, sẽ giúp các bạn nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của mình trước khi khởi nghiệp” - ông Lê chia sẻ.
Nhằm giúp sinh viên định hình rõ hơn về sự chuẩn bị cho khởi nghiệp, ông Nguyễn Trung Trực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng gốm sứ Việt Hương đã chỉ ra 5 điều cần chú ý: vốn, định hướng, mối quan hệ, kiến thức - trải nghiệm và niềm tin. Còn ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh lưu ý thêm với sinh viên khởi nghiệp, cần phải có chữ “tín” bên cạnh chữ “tài”, “tín” với khách hàng và “tín” với cả nhân viên của doanh nghiệp mình. Có như vậy thì doanh nghiệp mới phát triển, đi xa, đi bền vững được.
XUÂN THỌ