Sinh viên thời công nghệ

PHAN CHÍ BẢO 10/10/2019 10:53

Ngày nay, hình ảnh sinh viên khệ nệ ôm chồng giáo trình tới giảng đường hay cắm cúi ghi chép nội dung bài học gần như biến mất. Thay vào đó, một chiếc máy tính xách tay (laptop) hay chỉ cần chiếc điện thoại thông minh gần như đã giải quyết được các vấn đề trên.

Phần lớn sinh viên sử dụng laptop ở giảng đường. Ảnh: P.C.B
Phần lớn sinh viên sử dụng laptop ở giảng đường. Ảnh: P.C.B

Ít thấy bảng đen, phấn trắng

Không còn những quy định nghiêm ngặt về việc cấm sử dụng thiết bị điện tử trong giờ học, giờ đây, nhiều trường đại học, giảng viên khuyến khích sinh viên áp dụng công nghệ vào quá trình học tập. Những phấn trắng, bảng đen, hay sách vở đã không còn được “trọng dụng” như xưa, bởi với máy chiếu, laptop và điện thoại thông minh, quá trình trao đổi thông tin giữa giảng viên và sinh viên giờ đây diễn ra trong vòng “một nốt nhạc”.

“Đối với mình, việc học giờ đây đơn giản hơn rất nhiều, bởi mọi thứ phục vụ tốt nhất cho công việc học tập đều có trên laptop cả” - Nguyễn Minh Quân, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học FPT Đà Nẵng cho biết. Quân chia sẻ thêm, bạn gần như không đụng tới giấy bút, bởi thi cử hay kiểm tra ở trường đều làm online trên hệ thống, rất tiện.

Theo Nguyễn Đình Phúc, sinh viên ngành kinh doanh quốc tế Trường Đại học FPT Đà Nẵng, hiện nay không chỉ là vật bất ly thân đối với những sinh viên thuộc các ngành công nghệ thông tin hay thiết kế đồ họa, “mạng sống” của những sinh viên ngành kinh tế hay truyền thông cũng phụ thuộc rất nhiều vào chiếc laptop. “Bởi mọi thông tin về bài tập, công việc nhóm, điểm danh hay thay đổi lịch học tập đều được thông báo online. Mình cũng hay tự làm bài kiểm tra trên các trang web và đọc giáo trình online, nhiều khi còn đầy đủ hơn so với tài liệu trên giấy” - Phúc giải thích.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thảo - giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Quảng Nam cho rằng: “Sử dụng máy tính không chỉ là “đặc quyền” của sinh viên các khoa công nghệ thông tin, sinh viên khoa văn vẫn thường sử dụng laptop trong các tiết thảo luận, làm bài tập nhóm, thuyết trình… Ưu điểm là các bạn có thể tra cứu thông tin nhanh chóng, dễ dàng; vì vậy, khả năng tư duy của sinh viên trở nên hạn chế, bởi khi cần, một vài thao tác đơn giản trên Google là hầu hết vấn đề đã được giải quyết”.

Đừng để lợi bất cập hại

Việc cấm sinh viên sử dụng điện thoại di động hay laptop trước đây của nhiều trường đại học không phải là không có lý do, bởi khả năng làm xao nhãng việc học, gây mất tập trung cho sinh viên. Với sự bùng nổ của các dịch vụ giải trí online và mạng xã hội, nhiều sinh viên đến lớp chỉ để điểm danh rồi ra về, hoặc thay vì học thì lướt web gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập.

“Trước đây, khi mới bước chân vào giảng đường đại học, mình cảm thấy thoải mái hơn so với hồi học THPT vì không bị quản lý chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong giờ học. Nhưng lúc đó, thay vì tận dụng thì mình lại lạm dụng việc được cho phép sử dụng điện thoại trong giờ học nên thường xuyên mất tập trung, đâm ra không hiểu bài. Sau khi nhận được kết quả kỳ học đầu tiên khá thất vọng, mình mới tìm cách hạn chế việc này” - Nguyễn Hữu Nhân, sinh viên năm thứ hai một trường đại học ở Đà Nẵng cho biết.

Sử dụng thiết bị điện tử không hợp lý trong giờ học không chỉ ảnh hưởng tới bản thân sinh viên mà còn gây trở ngại cho việc dạy và học giữa giảng viên với các sinh viên khác. Cô Lê Nguyên An -  giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Quảng Nam chia sẻ, mặc dù việc cho sử dụng máy tính trong giờ học công nghệ thông tin sẽ khắc phục được tình trạng học “chay”, đảm bảo được lý thuyết luôn đi đôi với thực hành. Nhưng bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề cần khắc phục, bởi chỉ với... tiếng gõ phím từ laptop, lớp học cũng trở nên khá ồn ào, lộn xộn; nhiều sinh viên tranh thủ khoảng thời gian được sử dụng máy tính để làm việc riêng. Vậy nên việc tiếp thu bài giảng là vấn đề cần được nói đến, khi những sinh viên mất tập trung hoặc tiếp thu chậm hơn thường kéo nhịp giảng bài và làm bài tập của giảng viên và các sinh viên khác đi xuống.

Có thể nói, công nghệ đã giải quyết được nhiều vấn đề cũng như tạo nên bước tiến lớn trong cách truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, biến công nghệ thành một vũ khí lợi hại, một công cụ hiệu quả trong dạy và học không phải là việc dễ dàng, bởi khi chưa có mục tiêu rõ ràng và các phương thức quản lý hiệu quả, công nghệ sẽ dễ bị lạm dụng và gây ảnh hưởng không tốt. Điều quan trọng hơn hết là khả năng tự nhận thức và chủ động trong học tập của sinh viên để việc ứng dụng công nghệ trên giảng đường đem lại kết quả tốt hơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh viên thời công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO