Siva giáo và Phật giáo ở vùng Quảng Nam thế kỷ 10

VÕ VĂN THẮNG 21/06/2023 14:21

(ĐS 21/6) - Dấu ấn của Siva giáo và Phật giáo ở vùng Quảng Nam thế kỷ 10 vẫn còn lưu dấu trên những văn khắc ở các khu di tích Chăm.

Tháp Bằng An. Ảnh: V.V.T
Tháp Bằng An. Ảnh: V.V.T

Những biến đổi thời cuộc

Các văn khắc ở di tích Mỹ Sơn và Trà Kiệu, từ thế kỷ 5 đến đầu thế kỷ 8, cho biết sự tồn tại một vương triều của Champa chịu ảnh hưởng đạo Bà-la-môn, phái Siva giáo. Những biến cố lịch sử vào giữa thế kỷ 8 đến giữa thế kỷ 9 ở Champa và khu vực Đông Nam Á đã dẫn đến sự suy vong của vương triều Siva giáo ở vùng Quảng Nam, sau đó là sự xuất hiện một vương triều mới, kinh đô có tên ghi trên văn khắc là Indrapura (thành phố của thần Indra).

Vương triều Indrapura tuy vẫn giữ truyền thống tôn sùng thần tối cao Siva nhưng đồng thời cũng tiếp nhận và đề cao giáo pháp của đạo Phật, đặc biệt là Kim cương thừa - Mật tông. Đây là tông phái chiếm ưu thế lúc bấy giờ ở vùng Nam Ấn và lan rộng đến các vương quốc hải đảo Đông Nam Á, Trung Hoa, Nhật Bản và Tây Tạng.

Phật giáo Kim cương thừa tôn vinh vị Phật tối cao là Vaicrocana (Tì-lô-giá-na/ Đại Nhật Như Lai), vừa có lòng nhân từ bao dung tất thảy vừa có quyền năng chi phối chư Phật và Bồ tát.

Nghi lễ của Mật tông có kế thừa hình thức mật chú (mantra) của hệ phái Pasupata thuộc Siva giáo trước đó và phát triển cách thức trì chú, tu tập theo các biểu đồ thể hiện các cõi giới (mạn-đà-la), trong đó Đại Nhật Như Lai có vai trò trung tâm.

Phật giáo Mật tông chú ý đến xã hội thế tục, xây dựng những bộ kinh dành cho tầng lớp thủ lĩnh; tạo dựng hình ảnh vị vua tối cao của xã hội thế tục tương ứng với vị Phật tối cao ở cõi Trời.

Bộ kinh Suvarṇa-prabhāsa (Kim quang minh tối thắng vương) là ví dụ; trong đó nêu những đức tính cần có để trở thành vua của một đất nước và những nghi thức tu tập, hành trì của vua và các chức sắc của hoàng gia. Nhờ vậy, Phật giáo Mật tông đã nhanh chóng được các vị vua các vương quốc bấy giờ tiếp nhận.

Ở Champa, Phật giáo Mật tông đã được vương triều Indrapura xem như một chỗ dựa tinh thần, bổ sung vào truyền thống Siva giáo của các vương triều trước. Bản văn khắc (ký hiệu C 66) tìm thấy ở di tích Đồng Dương (Thăng Bình) lập năm 875 ghi nhận quyền lực của thần Siva bảo trợ cho xứ sở Champa đồng thời tôn vinh Laksmindra-Lokeśvara, một hóa thân của Quán Tự Tại Bồ tát bảo trợ cho vua Indravarman, người sáng lập vương triều Indra.

Di tích Đồng Dương thường được nói đến với tên gọi “Phật viện”, nhưng toàn bộ kiến trúc đều giữ kiểu thức đền tháp Siva giáo ngoại trừ các trụ cổng.

Tôn giáo và hội nhập

Tính chất dung hợp tôn giáo của vương triều Indrapura thu phục được sự hỗ trợ của tầng lớp tăng lữ và cộng đồng thương nhân, thủ công nghiệp, kể cả những kiểu thức bang hội có sự ủng hộ của nữ giới - vốn là một thế mạnh của phong trào tín ngưỡng Mật tông thời bấy giờ.

Hiện vật khai quật tại di tích Đồng Dương 1903, có cả tượng Phật và bệ Yoni. Ảnh tư liệu của EFEO
Hiện vật khai quật tại di tích Đồng Dương 1903, có cả tượng Phật và bệ Yoni. Ảnh tư liệu của EFEO

Đồng thời sự tiếp nhận Phật giáo Mật tông của vương triều Indrapura đã giúp cho Champa hội nhập một trào lưu tôn giáo có sức ảnh hưởng rộng lớn từ lục địa Ấn Độ, Trung Hoa đến các xứ sở hải đảo.

Các vị cao tăng du hành từ Ấn Độ đến Trung Hoa, hoặc theo lộ trình ngược lại, đều có điều kiện dừng chân ở Champa; đồng thời Champa cũng có điều kiện tiếp xúc với các nền văn hóa đa dạng từ nhiều hướng, không chỉ từ Ấn Độ, Java mà cả từ Tây Tạng, Trung Hoa và Nhật Bản.

Đây là thời kỳ nở rộ các kiến trúc tôn giáo tuyệt mỹ của Champa ở vùng Quảng Nam; dấu tích lưu lại đến ngày nay là khu Phật viện Đồng Dương (thế kỷ 9 -10), tháp A1 ở khu di tích Mỹ Sơn (thế kỷ 10), tháp Khương Mỹ (thế kỷ 10), tháp Bằng An (thế kỷ 10 và trùng tu sau đó).

Các bản văn khắc thời kỳ này sử dụng cả tiếng Sanskrit (như trước đó) và cả tiếng Chăm cổ, nội dung phong phú, phản ánh tính chất đa dạng về tín ngưỡng cũng như sự phát triển của các tầng lớp xã hội và mối quan hệ với nước ngoài.

Văn khắc C 108, tìm thấy ở Bồ Mưng (Điện Bàn), lập năm 890, ghi nhận một vị đại thần có tên là Ajñā Manicaitya lập đền thờ Siva và phối ngẫu; tuy công trình mang tính chất gia đình, nhưng được sự bảo trợ của vua. Văn khắc C 106, tìm thấy ở Bàn Lãnh (Duy Xuyên), lập năm 898, ghi lại việc xây dựng đền tháp của vị đại thần có tên là Sivakapla và vị sư có tên là Sivācārya.

Văn khắc C 67, tìm thấy ở Đồng Dương (Thăng Bình), thế kỷ 9, nói về gia đình hoàng hậu Haradevī Rājakula xây dựng đền tháp để cầu nguyện phước đức cho đức vua và hoàng gia. Văn khắc C 138 (An Thái, Thăng Bình, năm 902) ghi việc xây dựng tu viện, tôn vinh Phật và Bồ tát, đặc biệt đề cập các cõi giới của Đại Nhật Như Lai, A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni và chư vị Bồ Tát Kim Cương Thủ.

Văn khắc C 141 (Bằng An, Điện Bàn, năm 906) nói đến các đoàn sứ giả của các vương quốc đến Champa. Văn khắc C 142 (Hóa Quê, Đà Nẵng, năm 909) cho biết một số đền tháp Siva giáo và tu viện Phật giáo được một gia đình có quan hệ hôn nhân với hoàng gia Champa xây dựng ở khu vực bến sông gần cửa Hàn.

Tính chất dung hợp tôn giáo ở Champa từ thế kỷ 10, kết hợp thờ các vị thần Bà la môn với các vị Phật và Bồ tát, cùng với ý thức về ngôn ngữ bản địa và quan hệ ngoại giao đa dạng đã giúp Champa nói chung và vùng Quảng Nam phát triển mạnh vào thế kỷ 10.

Tuy nhiên, Champa cũng đối mặt với sự đổi thay chung ở khu vực; trực tiếp là sự phát triển của đế chế Angkor phía tây nam cùng sự ra đời và lớn mạnh của Đại Việt ở phía bắc. Sau thế kỷ 10, vùng đất Quảng Nam chứng kiến những biến cố lớn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siva giáo và Phật giáo ở vùng Quảng Nam thế kỷ 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO