(VHQN) - Ở trung tâm của Washington D.C. nước Mỹ, có một chuỗi bảo tàng được gọi là Smithsonian Museums (Hệ thống bảo tàng Smithsonian), trải dài từ trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ tới Đài tưởng niệm Tổng thống Lincoln.
Đây là hệ thống bảo tàng lớn nhất, cũng là nơi thu hút du khách nhiều nhất ở Mỹ, trực thuộc Smithsonian Institution (Viện Smithsonian), do Chính phủ Hoa Kỳ thiết lập năm 1846 với sứ mạng là “để tăng cường và phổ biến kiến thức” cho người dân và cộng đồng.
Viện Smithsonian
Viện này được đặt theo tên của James Smithson (1765 - 1829), khoa học gia người Anh đã hiến tặng toàn bộ tài sản cho Chính phủ Hoa Kỳ để lập nên. Điều thú vị là James Smithson chưa hề đến Mỹ, nhưng trước khi qua đời, ông để lại di chúc căn dặn: toàn bộ tài sản của ông sẽ được trao cho Chính phủ Hoa Kỳ nếu người cháu của ông Henry James Hungerford không có người nối dõi.
Hungerford mất năm 1835, vô tự, nên toàn bộ tài sản của Smithson, trị giá 104.960 đồng vàng lúc bấy giờ (tương đương 13.741.000 USD vào năm 2022) đã được trao tặng cho Chính phủ Hoa Kỳ.
Ngày 10/8/1846, Tổng thống James K. Polk đã ký đạo luật thành lập Viện Smithsonian, như một công cụ ủy thác của Hoa Kỳ, được quản lý bởi Hội đồng nhiếp chính và thư ký của Smithsonian là Joseph Henry. Chi phí kiến tạo, sưu tầm hiện vật và hoạt động của viện này dựa trên nguồn tài sản hiến tặng của James Smithson.
Hiện nay, Viện Smithsonian sở hữu 156 triệu hiện vật, đang lưu trữ và trưng bày tại 19 bảo tàng và phòng trưng bày, 21 thư viện, 9 trung tâm nghiên cứu và 1 vườn thú, tọa lạc chủ yếu ở Washington D.C. và một số chi nhánh khác ở các tiểu bang Maryland, New York và Virginia.
Chuỗi công trình kiến trúc, bảo tàng và galleries trực thuộc Viện Smithsonian ở Washington D.C gồm 11 bảo tàng, galleries tọa lạc hai bên National Mall (Công viên Trung tâm quốc gia).
Điều đặc biệt là tất cả địa điểm này đều miễn phí tham quan, mở cửa 6 ngày/tuần (trừ thứ Hai và các ngày nghỉ lễ của người Mỹ). Mỗi năm hệ thống bảo tàng Smithsonian này đón khoảng 30 triệu lượt du khách từ khắp nước Mỹ và trên thế giới đến tham quan, thưởng lãm.
Nơi đáng đến nhất ở thủ đô nước Mỹ
Tôi đến Washington D.C. hai lần, lần nào cũng dành trọn một ngày để đi thăm các Smithsonian Museums ở National Mall, nhưng vẫn chưa khám phá hết. Lý do là vì ở đây có quá nhiều bảo tàng, cái nào cũng rộng lớn, nhiều hiện vật, trưng bày quá hấp dẫn, rất cuốn hút, nên không thể thăm kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” được.
Trong số 156 triệu hiện vật thuộc sở hữu của Viện Smithsonian, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia lưu giữ và trưng bày 145 triệu mẫu vật và hiện vật, hầu hết là động vật được bảo quản trong Formaldehyde (hóa chất dùng để bảo quản). Vì thế đây là điểm tham quan thu hút du khách đến thăm nhiều nhất trong các bảo tàng ở National Mall. Bảo tàng này mở cửa đón khách tham quan từ năm 1910.
Với diện tích bằng 18 sân bóng đá tiêu chuẩn, bảo tàng trưng bày những mẫu vật thuộc về thế giới tự nhiên của Hoa Kỳ và của nhiều nơi khác trên trái đất, từ khoáng vật, đến động vật, thực vật… với lối trưng bày sống động, khoa học. Nơi đây còn có một phòng thí nghiệm dành cho thanh thiếu niên đến thực hiện những khám phá khoa học, với đầy đủ thiết bị, mẫu vật, phương tiện nghiên cứu và thực hành. Vì thế, bảo tàng này rất được giới trẻ ở Mỹ ưa chuộng.
Bảo tàng Quốc gia về hàng không và không gian cũng là địa điểm luôn tấp nập du khách, đặc biệt là học sinh. Nơi đây trưng bày những thành tựu công nghệ của ngành hàng không và khám phá vũ trụ, trong hơn 100 năm qua: từ chiếc máy bay mà Wright Flyer đã lái năm 1903, chiếc Spirit of St. Louis do Charles Lindbergh điều khiển lần đầu tiên hoàn thành chuyến bay thẳng từ New York đến Paris, modul chỉ huy phi thuyền Apollo 11, phần duy nhất của con tàu vũ trụ Apollo 11 quay trở lại Trái đất, bộ đồ bay mà phi hành gia Neil Armstrong đã mặc trong chuyến bay lên mặt trăng bằng tàu Apollo 11 vào năm 1969, những mẫu đá thu thập từ mặt trăng bởi các phi hành gia của tàu Apollo 17 vào năm 1972...
Muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của người Mỹ gốc Phi, du khách đến với Bảo tàng Quốc gia về lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Phi, nơi đang lưu trữ 35.000 hiện vật (trong đó có 3.500 hiện vật được trưng bày thường trực, giới thiệu đầy đủ về lịch sử và xã hội của người gốc Phi ở Mỹ.
Du khách cũng nên đến Bảo tàng Nghệ thuật Phi châu, với bộ sưu tập hiện vật được thu thập từ hơn 500 di tích rải rác khắp châu Phi, được trưng bày và giới thiệu dưới những hình thức không thể hấp dẫn hơn. Những người thích tìm hiểu về đời sống và văn hóa của người Mỹ bản địa, thì Bảo tàng Quốc gia về người Mỹ bản địa là nơi đáng tìm đến.
Còn với tôi, một người Việt Nam có niềm đam mê với văn hóa và nghệ thuật châu Á, thì các địa điểm như Freer Gallery of Art (Phòng trưng bày nghệ thuật Á châu, 1923); Arthur M. Sackler Gallery (Phòng trưng bày nghệ thuật Á châu, 1987) là những nơi nhất định phải đến.
Ở đó tôi bắt gặp những báu vật hoàng gia của các vương triều Tống - Minh - Thanh ở Trung Hoa, của dòng dõi Thiên Hoàng Nhật Bản, của các triều đại Islamic ở Ba Tư, Trung Đông, những tuyệt tác của nền mỹ thuật dân gian đến từ Triều Tiên, Afghanistan, Lưỡng Hà hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm tuổi. Đặc biệt là những trân phẩm gốm Việt Nam có niên đại từ thế kỷ 16-17 cực kỳ hoàn hảo mà tôi chưa hề thấy trong các bảo tàng ở Việt Nam…
Có thể nói, Smithsonian Museums chính là kho báu dung chứa nền tảng tri thức toàn diện, từ lịch sử, tự nhiên, văn hóa nghệ thuật, đến thành quả khoa học, thành tựu khám phá và chinh phục không gian, và cả đời sống thường nhật… của một đất nước đa chủng tộc và hội nhập văn hóa sâu rộng.
Nơi đó không chỉ giới thiệu những thành tựu vĩ đại của nước Mỹ, mà còn “phô” ra những góc khuất, những khoảng tối của lịch sử Hoa Kỳ: các cuộc nội chiến, các cuộc chiến tranh xâm lược quốc gia khác, lịch sử chế độ nô lệ, sự nô dịch văn hóa đối với người Mỹ bản địa, sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc đối với người Mỹ gốc Phi… một cách chân thực và khách quan.
Chính những điều đó đã làm nên sự hấp dẫn của Smithsonian Museums.