Sợ cách ly

HÀ QUANG 11/03/2020 10:03

Nỗi lo sợ này trong cộng đồng đang gia tăng cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và đã tạo ra những hệ lụy. Nếu nỗi lo sợ cách ly không được xua tan đi, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có thể phức tạp thêm, đó thực sự là nguyên nhân làm suy yếu “hệ miễn dịch” của cộng đồng.

 

Thực tế, từ nỗi sợ cách ly, đã có nhiều trường hợp “trốn thoát” khiến dịch bệnh lây lan nhanh và tạo nhiều nguy cơ.

Như cô gái ở Bình Dương trở về từ vùng dịch đã khoe cách mình trốn tránh cách ly như thế nào; hay bệnh nhân nữ ở Hà Nội không thật thà với tình trạng sức khỏe cá nhân; và mới đây nhất, báo chí phản ánh một doanh nhân đưa người khác đi cách ly thay mình... là biểu hiện của nỗi lo sợ.

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể lan rộng, tất nhiên những trường hợp như thế khiến cộng đồng nổi giận. Cơn giận, theo các chuyên gia tâm lý, thường liên quan đến nỗi sợ hãi, mà trước hết là nỗi sợ về sự tổn hại của cá nhân. Trong bối cảnh này, cũng dễ hiểu vì sao nỗi lo sợ cách ly đã diễn biến theo hướng vị kỷ hơn.

Dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra nhiều nguy cơ, nhưng theo nhận định của các nhà chuyên môn, con vi rút này thật ra không ghê gớm lắm, điều ghê gớm là môi trường và tốc độ lây lan của nó trong sức chịu tải của hạ tầng y tế và “sức đề kháng” của cộng đồng. Vậy vì sao sợ cách ly đến thái quá như thế?

Hãy nhìn vào cái cách mà người ta đổ xô đi mua thực phẩm thiết yếu để dự trữ, hay những tin đồn thất thiệt và nghi kỵ nhau về các trường hợp bị cách ly, để thấy nhu cầu vật chất của con người đang tăng cao, hay sự thiếu minh bạch thông tin cũng đều là nguyên nhân.

Rồi hãy nhìn vào cái cách mà người ta “tấn công” đời tư những bệnh nhân, cũng có thể hiểu không ai muốn mình là đối tượng bị cách ly trong một cộng đồng đang “sửng sốt” vì dịch bệnh.

Làm sao xua tan nỗi sợ cách ly? Theo một ý kiến đề xuất, phải nói cho rõ đó là cách ly y tế để người bị cách ly không còn cảm thấy khoảng cách quá xa với cộng đồng xã hội.

Cách ly không phải là xa lánh, đó là biện pháp y tế cần kíp cho bản thân mỗi người và cộng đồng. Muốn tinh thần tự nguyện được nâng lên, thì trước hết môi trường và điều kiện vật chất ở cơ sở cách ly phải được cộng đồng biết đến nhiều hơn; và sự minh bạch thông tin phải xác định là nhiệm vụ đầu tiên trong phòng chống dịch.

Rồi thay vì vị kỷ, cộng đồng nên vị tha hơn để cùng xua đi nỗi lo sợ., cần xem việc cách ly y tế là thực hiện nghĩa vụ với cộng đồng khi không may nhiễm bệnh. Và điều quan trọng nữa, thay vì tạo ra thêm những nguy cơ thì mỗi cá nhân cần hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho chính mình...

Lo sợ, thực ra là tâm lý bình thường của con người trước những nguy cơ, nhưng lo sợ theo kiểu vị kỷ để dẫn đến hành vi tiêu cực, thậm chí là vi phạm pháp luật là đã vô tình tạo ra sự “cách ly” với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sợ cách ly
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO