(QNO) - Sở Công Thương vừa có văn bản gửi UBND tỉnh về đề xuất giải pháp lao động cho ngành dệt may, da giày trong thời gian đến.
Sở Công Thương cho biết, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án trong ngành dệt may quy mô lớn đi vào hoạt động như Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton, Công ty TNHH MTV Sedo Vinako, Công ty TNHH Fashion Garments… và tập trung địa bàn đồng bằng (Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Điện Bàn…), trong khi số tăng cơ học nguồn lao động tại các địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng chung của tình hình dịch bệnh, đơn hàng bị cắt giảm nên một số doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng đối với một bộ phận không nhỏ lao động tại doanh nghiệp. Hiện nay, một số doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người lao động nên nguồn lao động không ổn định, thường xuyên thay đổi chỗ làm do các vấn đề về lương, bảo hiểm và phúc lợi không đảm bảo, tình trạng “nhảy việc” xảy ra thường xuyên.
Mặt khác, lao động tại doanh nghiệp may mặc chủ yếu là lao động nữ từ 18 - 35 tuổi, nằm trong độ tuổi lập gia đình và mang thai. Lao động ngành dệt may đang có xu hướng dịch chuyển qua các ngành nghề mới có môi trường làm việc tốt hơn (đặc biệt là các ngành dịch vụ, du lịch... đang phát triển mạnh tại các vùng phía đông của tỉnh). Do đó, nguồn nhân lực luôn bị biến động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và bền vững những năm đến, Sở Công Thương đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, đề nghị UBND tỉnh, các sở liên quan và địa phương cần cân nhắc khi cấp phép mới dự án ngành dệt may, da giày, không tiếp tục thu hút dự án may gia công trên địa bàn tỉnh (trừ các huyện miền núi), giữ quỹ đất tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để trực tiếp tuyển dụng và đào tạo lao động. Kết hợp đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp… Chủ doanh nghiệp cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong dây chuyền sản xuất cũng như ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào ngành dệt may, da giày… nhằm tăng năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh; đồng thời giải quyết tình hình thiếu nguồn lao động trong những năm đến.
Bên cạnh đó, cần phải có chính sách tiền lương gắn liền với sự chăm lo đời sống công nhân như nhà ở, vui chơi giải trí, chế độ bảo hiểm… để công nhân có thể làm việc lâu dài với doanh nghiệp, tránh tình trạng thay đổi chỗ làm gây khó khăn trong quản lý lao động của doanh nghiệp.