Nhà báo, học giả Lê Dư, còn có tên Lê Đăng Dư, Lê Kính (1884 - 1967), hiệu Sở Cuồng, sinh quán tại làng Nông Sơn, nay thuộc xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn.
Năm 1900, ông cùng với Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác ra Hà Nội học tiếng Pháp và tham gia công tác tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Hưởng ứng phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, năm 1906 ông sang Nhật du học.
Năm 1908, phong trào Đông Du bị khủng bố do sức ép của thực dân Pháp, chính phủ Nhật trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam và cả du học sinh, ông sang Triều Tiên, Trung Quốc đọc sách và du lịch.
Mỗi tác phẩm đầy ắp sử liệu
Về năm sinh và năm mất của học giả Lê Dư trước nay còn nhiều vấn đề tồn nghi. Về năm sinh, nhiều công trình nghiên cứu để khuyết - nhất là những công trình có tính học thuật như “Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam” (Nguyễn Q Thắng, Nguyễn Bá Thế-NXB Tổng hợp TP. HCM (Bộ mới) 2006, tr. 445) ghi “Lê Dư - Sở Cuồng - (Ất Dậu 1885? - Đinh Dậu 1967); Từ điển văn học bộ mới-NXB Thế giới 2004 tr. 818 ghi “Lê Dư - (?-31-VIII - 1967); Phạm Hoàng Quân trong bài “Bút ký biên khảo đậm chất văn của học giả Lê Dư” ghi “Học giả Lê Dư (1885? - 1957); Đoàn Lê Giang - Lê Quang Trường trong bài “Sở Cuồng Lê Dư - học giả tiên phong trong việc nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản” ghi “Sở Cuồng Lê Dư (?-1967); tác giả Trần Trọng Dương trong “Phạm Thái toàn tập” cũng ghi “Lê Dư (? - 1967)... Chúng tôi ghi Lê Dư sinh năm 1884 là theo tác phẩm “Chuyện Hà Nội (Vũ Ngọc Phan), khảo cứu “Hà Thành xưa và nay” (Lê Dư) - NXB Văn học, H.2019, phần tiểu sử của Lê Dư do cháu ngoại ông - GS-TS. Vũ Tuyên Hoàng biên soạn (người ghi chép lại) ngày 29.3.1998.
Trong hành trạng của mình, việc cụ Phan Bội Châu đánh giá về Lê Dư trong tác phẩm “Tự Phán” đã được lớp hậu sinh “chiêu thuyết”. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cho rằng “Như Phan Bội Châu viết “Tự Phán” thì hoạt động của Lê Dư ở Nhật Bản và Trung Quốc khá phức tạp, có lẽ nhà cách mạng Việt Nam giai đoạn này không hiểu rõ chủ trương công việc của Lê Dư nên gán cho ông nhiều thông tin bất lợi.
Chúng tôi qua khảo sát các công trình nghiên cứu bằng Hán văn của ông, thấy rằng ông hầu như đã dành hết thời giờ vào việc đọc các tân thư, cổ thư Nhật Bản và Trung Quốc để trích thải các tài liệu liên quan đến lịch sử nước nhà, có phải vì thế mà ông đã lơ là công tác chính trị theo chủ trương chung của tổ chức?”.
Lê Dư viết du ký rất hay, miêu thuật rất tỉ mỉ, luôn thiên về truyền bá tri thức, kiến thức hơn là kiến giải, luân lý học thuật kiểu nghiên cứu chuyên sâu. Như các bài trong sách “Dấu tích Thăng Long” gồm “Hà Thành kim tích khảo” và “Di Cổ Loa thành ký”. “Hà Thành kim tích khảo” là thiên khảo cứu về thành phố Hà Nội xưa và nay.
Ông đã ghi chép tổng quan về di tích, thắng cảnh và sự thay đổi thành quách, cung thất, phố phường Thăng Long - Hà Nội qua các đời với gần một trăm danh thắng, 3 bức địa đồ mà ông tự vẽ với hệ thống địa danh chữ Hán.
Thiên khảo cứu này có thể cho ta một cái nhìn toàn cảnh về Hà Nội vào thời điểm đầu thế kỷ 20, đồng thời giúp bổ sung nhiều chi tiết cho việc nghiên cứu về lịch sử, địa dư thủ đô Hà Nội hiện nay. ”Di Cổ Loa thành ký” là bài du ký ghi lại cuộc du ngoạn của ông cùng hai người bạn là Mã Dã Phong Tam Lang (Nhật Bản) và Cao Kiều Đôn (Trung Hoa) - những người bạn cùng làm việc ở Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội.
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân có nhận định về mảng bút ký của ông như sau: “Là người đi nhiều, đọc nhiều và viết khỏe, riêng về mảng bút ký, hầu như mỗi nơi ông đặt chân đến đều có thu hoạch đáng kể, bút ký biên khảo của Lê Dư đầy ắp sử liệu lại đậm đà chất văn, tản mác trong các thiên là sự ẩn chứa nỗi niềm hoài cổ, thời oai hùng của dân tộc, hoặc ghi chép cái hay ở xứ người mà luôn chạnh nỗi yếu dở của nước nhà, xót cho dân khí hèn, dân trí thấp…”.
Làm hết sức mình cho lớp sau
Về các tác phẩm biên khảo trong tủ sách Quốc văn của ông, nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương đánh giá trong lời cám ơn khi khảo cứu hiệu chú cuốn sách “Phạm Thái toàn tập” (Sở Cuồng Lê Dư phiên chú): “Đặc biệt cám ơn học giả Sở Cuồng Lê Dư - người đầu tiên giới thiệu Phạm Thái và các tác phẩm của ông đến với độc giả trong chương trình xây dựng tủ sách quốc văn nhằm hướng đến một nền quốc học.
Nhờ có Lê Dư mà Phạm Thái trở thành tác gia nổi tiếng, ông được Khái Hưng viết cuốn “Tiêu Sơn tráng sĩ”, được Phan Khắc Khoan viết kịch thơ “Phạm Thái”. Đến nửa sau thế kỷ 20, các tác phẩm của ông (Phạm Thái) được đưa vào Từ điển văn học, và một số giáo trình môn học ở cấp đại học và phổ thông. Cũng nhờ có công phiên âm quốc ngữ của Lê Dư mà chúng tôi mới có thể biên soạn cuốn sách này”.
Cả một đời làm báo, biên khảo sách lịch sử, sách văn học, Lê Dư thực sự đã làm hết sức mình cho mục đích ”bàn giao cái vốn liếng tinh thần của tiền nhân để lại cho lớp sau đang thiếu Hán ngữ”. Tinh thần yêu nước của Lê Dư được biểu hiện trong nhiều việc làm.
Trong bài diễn văn tại Hội Trí Tri Hà Nội ngày 25.11.1933, ông đã nói “Nước ta thu nạp ba nguồn văn học ở nước ngoài đến là Hán học, Phật học và Tây học, làm cho dân trí của ta ngày được mở mang, thật là một sự rất may. Nhưng vì ba cái học đó đều là ta học mượn của người cho nên gây ra một cái học phong sai lầm, chúng ta là người Việt Nam mà đi học những chuyện đâu đâu, hỏi đến chuyện nước Nam thì như ở trong vòng sương mù đến mấy dặm; học mà không biết đến nước là một cái học không có căn bản; thua kém các nước là tại chỗ đó. Vậy nên tuy đã có tiến hóa mà vẫn không phải có cái nguồn gốc thật”.
Lê Dư dường đã làm xong nhiệm vụ của một trí thức cựu học và cả nhiệm vụ của một trí thức có trải nghiệm tân học trong buổi giao thời - “thời Nho học suy tàn, Tây học mới nảy”. Công việc của ông là “truyền bá Đông Tây học thuật” mà việc cốt lõi là cần phải trau dồi Việt ngữ. Ông đã góp phần vào việc cải biến câu văn Quốc ngữ thoát khỏi lối văn biền ngẫu, “thứ chữ Quốc ngữ nặng từ Hán Việt”.