Hôm 16.10, bản tin về một con số “đẹp” ở TP.Hồ Chí Minh nhưng trái với lẽ thường, số này không đem đến niềm vui mà là sự nghi ngờ trong bất ngờ. Đó là kết quả điều tra dân số và nhà ở tại thành phố này. Toàn thành phố gần 2,6 triệu hộ dân, chỉ có 39 hộ không có nhà ở.
Chuyện không nhà lại khiến tôi nhớ đến phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy. Bộ phim đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua vì đánh giá của Cục Điện ảnh, cho rằng phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trúng “lô, đề”. Phim đạt giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan và ngay sau đó bị Thanh tra Bộ VH-TT&DL ra quyết định xử phạt cùng với yêu cầu “tiêu hủy tang vật vi phạm”. Lý do đưa ra là phim này chưa được cấp phép phổ biến. Phim xoay quanh những cậu bé bụi đời bán kết quả xổ số ở TP.Hồ Chí Minh. Nhà ở của lũ trẻ là gầm cầu và những nơi tồi tàn tương tự. Với phiên bản phim ngắn (không đầy đủ, được đăng tải trên Youtube) khoảng 15 phút, cũng đủ để người xem thấm nỗi khốn khổ của kẻ không nhà. Tôi kể dài dòng về phim, bởi trong lý giải với báo chí, lãnh đạo Cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh nói về việc thành phố chỉ có 39 hộ không có nhà ở, rằng “nếu một hộ ở trong một công trình xây dựng gồm 3 bộ phận tường, mái và sàn thì được xác định là có nhà ở. Có nơi ở chưa thành căn nhà, nhưng có vách, có lối đi riêng như một số trường hợp sống ở gầm cầu thang mà có vách, có cửa ra vào thì chúng tôi cũng tính là có nơi ở”. Tôi ước gì, họ cảm một chút thôi, nỗi cơ cực của người sống ở gầm cầu hay gầm cầu thang.
Với con số đầy nghi ngờ đó, thì chuyện liệu việc cho tương lai sẽ như thế nào? Và tại sao, lại có những barem thống kê điều tra quá xa đời sống như vậy để bây giờ những người thực thi cho ra con số ấy?
Điều tra dân số và nhà ở là cuộc điều tra quy mô lớn, 10 năm mới thực hiện một lần; là dữ liệu quan trọng cho hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Nếu kết quả không chính xác, sai lệch quá nhiều so với thực tế, nếu những người làm công việc phân tích số liệu thực hiện sơ lược, cẩu thả thì hậu quả sẽ vô cùng lớn. Mà hậu quả đó, khó thấy được trong ngắn hạn, rồi với kiểu tư duy nhiệm kỳ, chẳng ai sẽ chịu trách nhiệm.
Tại Quảng Nam, kết quả phân tích dữ liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của tỉnh chưa được công bố. Quảng Nam đang hướng đến việc tái cơ cấu mô hình tăng trưởng. Định hướng mô hình tăng trưởng sắp tới (giai đoạn 2021 - 2025 và đến 2030) tất nhiên dựa vào nhiều cứ liệu. Và kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ở Quảng Nam sẽ là một cứ liệu quan trọng. Hy vọng, kết quả khi công bố, không có những con số quá đẹp kiểu như ở TP.Hồ Chí Minh, nguy cơ gây hậu quả sai một ly đi một dặm.