Sợ hàng thật bị tẩy chay

THỤC ANH - THỤY VŨ 29/11/2014 16:08

Trong khi hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường, len lỏi về vùng sâu vùng xa khiến công tác quản lý và chống hàng giả gặp nhiều khó khăn thì các doanh nghiệp lại bất hợp tác vì sợ hàng thật bị tẩy chay…

Nghịch lý

Theo ông Lê Cần – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, trên thị trường hàng giả xuất hiện đầy rẫy. Mặc dù đã có hẳn Chỉ thị 28/2008/CT-TTg yêu cầu trong công cuộc chống hàng giả nhưng sự hợp tác của doanh nghiệp lại chưa chặt chẽ. Ông Cần dẫn chứng, thời gian qua, một số doanh nghiệp đã né tránh khi được đề nghị cung cấp thông tin để hướng dẫn người tiêu dùng tránh hàng giả, mua hàng thật. Một số doanh nghiệp sợ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, sợ người tiêu dùng… tẩy chay luôn sản phẩm của mình. Cạnh đó, họ cũng lo ngại những người làm hàng giả nắm được thông tin, đặc điểm sẽ dựa vào đó để cho ra những sản phẩm nhái tinh vi hơn nên chủ các doanh nghiệp đã bất hợp tác với cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp cần chung tay vào cuộc với cơ quan chức năng để chống hàng giả, hàng nhái.Ảnh: THỤC ANH
Doanh nghiệp cần chung tay vào cuộc với cơ quan chức năng để chống hàng giả, hàng nhái.Ảnh: THỤC ANH

Sự lo ngại của các doanh nghiệp không phải là không có lý vì thực tế đã xảy ra những trường hợp như vậy và có doanh nghiệp thất thu tới 50% lợi nhuận. Nhưng nếu xét về lâu dài, đây không phải là một giải pháp hiệu quả mà ngược lại có khi làm doanh nghiệp phá sản. Câu chuyện của doanh nghiệp sản xuất mủ trôm làm trắng da do Công ty TNHH MTV Hữu Tân ở TP.Hồ Chí Minh cũng là trường hợp chứng minh hệ lụy này. Nắm được thị hiếu mỹ phẩm làm trắng da từ mủ trôm được nhiều chị em phụ nữ tin dùng nên sản phẩm này nhanh chóng bị làm giả. Với hàm lượng corticoid trong mỹ phẩm quá lớn khiến da của chị em bị dị ứng và bỏng rát. Tìm đến công ty sản xuất theo địa chỉ ghi trên vỏ hộp để khiếu nại, khách hàng mới biết sản phẩm mình sử dụng là giả. “Sản phẩm của công ty bị làm giả đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu và doanh thu của công ty giảm hơn 50% suốt thời gian qua”, bà Võ Thị Liễu – Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm Vĩnh Tân cho biết. Công ty bà Liễu đã thực hiện nhiều biện pháp chống hàng giả như: treo thưởng cho người phát hiện, tố giác hàng giả, lập ban giám sát thị trường, sử dụng tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, đổi mẫu mã... Thế nhưng hàng giả vẫn ngập tràn. Ngay cả tem chống hàng giả của Bộ Công an cũng bị làm giả.

Phải tự bảo vệ mình

Thực tế, việc kết hợp với cơ quan chức năng để chống hàng giả của một số công ty đã tỏ ra có hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh, trong năm 2013, công ty sản xuất sắt thép xà gồ Hà Tĩnh đã phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện hơn 1.000 kè chống bão của công ty bị làm giả. Tiếp tục, đầu tháng 11 vừa qua, công ty một lần nữa phát hiện mẫu mã kè chống bão của mình lại bị làm giả. Hiện tại, cơ quan chức năng QLTT đang hoàn tất thủ tục để có hướng xử lý phù hợp nhất. Sau vụ việc làm giả kè chống bão bị phát hiện và xử lý, ông  Lê Cần nhận định: “Trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái rất cần sự dũng cảm của các nhà sản xuất bằng cách vượt qua những lợi ích trước mắt để cung cấp thông tin, tố cáo hàng giả với cơ quan chức năng để xử lý”.

Đại tá Lê Văn Hồng – Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế PC46 Công an tỉnh cho rằng: “Chìa khóa giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái không gì khác chính là doanh nghiệp, đặc biệt là trong cơ chế thị trường hiện nay”. Theo ông Hồng, nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã đề cập sự tham gia của các chủ thể quyền. Trong đó, kết luận của chủ thể quyền là bằng chứng quan trọng để cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ căn cứ thực hiện. Bởi hơn ai hết, các chủ thể quyền sẽ biết phạm vi bảo vệ của mình tới đâu và có các biện pháp phòng chống mà chỉ có chuyên gia của họ mới xác định được. Trong khi biện pháp thông thường khác khó có thể xác định. Các cơ quan thực thi, nếu có, chỉ đưa hàng hóa vào giám định và phải biết các dấu hiệu nào là thật và không phải thật mới có thể đánh giá được. Còn các giải pháp của riêng chủ thể quyền và giải pháp kỹ thuật, khoa học – công nghệ các chủ thể quyền sử dụng là điều rất quan trọng để phòng chống hàng giả.

Đồng quan điểm trên, ông Lương Viết Tịnh – Đội trưởng Đội chống buôn bán hàng giả, hàng nhái (Chi cục QLTT tỉnh) cũng cho rằng: “Việc cung cấp thông tin, giám sát của các chủ thể quyền phải thực hiện ngay từ khi hàng giả, hàng nhái mới hình thành để cuộc chiến chống hàng giả không những dễ dập tắt mà còn đỡ tốn kém. Chứ để hàng giả, hàng nhái tràn lan, công cuộc này sẽ khó khăn, phức tạp hơn, chưa kể đến chi phí tốn kém dẫn đến thiệt hại lớn hơn”.

THỤC ANH - THỤY VŨ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sợ hàng thật bị tẩy chay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO