Gần đây, cụm từ “sợ trách nhiệm” đã làm nóng các diễn đàn và dư luận. Khi người viết bài gõ cụm từ “dám chịu trách nhiệm” tìm kiếm trên Google thì trong thời gian 0,37 giây cho ra khoảng 12,2 triệu kết quả, và với cụm từ “sợ trách nhiệm” trong 0,33 giây cho khoảng 23 triệu kết quả.
Thậm chí, trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội cho rằng “vi rút sợ trách nhiệm” đã bùng phát và đang lây lan nhanh.
Cũng vì “bệnh” sợ trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân có trách nhiệm mà người dân, doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi. Tại Quảng Nam, gần đây là việc các cơ sở y tế công thiếu thuốc, vật tư y tế; mới đây nhất là vấn đề điểm nghẽn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến ách tắc triển khai dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân... được đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa X.
Những điều vừa đặt ra bắt nguồn từ tâm lý sợ sai trong thực hiện nhiệm vụ. Mà một đại biểu HĐND tỉnh phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 là do cơ chế chính sách luôn thay đổi, cán bộ, công chức hiểu chưa đầy đủ và cách vận dụng mỗi nơi một khác nên dễ dẫn đến áp dụng sai.
Cũng theo đại biểu này, nói vậy để thấy năng lực còn hạn chế của một bộ phận cán bộ, công chức, không nên đổ lỗi hết do cơ chế chính sách. Và với tình trạng cán bộ sợ sai kéo dài như vừa qua sẽ là trở ngại rất lớn cho sự phát triển chung của tỉnh.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có “cánh cửa mở” để những cán bộ, đảng viên có tinh thần “dám nghĩ, dám làm” không còn quá “sợ trách nhiệm” như hiện nay.
Theo đó, Quy định số 69 có điều khoản về “Trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật” nêu: Đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện; nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
“Trách nhiệm” có nghĩa là “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình” (theo Từ điển Tiếng Việt). Áp theo thực tế trách nhiệm được giao của người cán bộ, đảng viên trên vị trí công tác, nếu không dám thực hiện nhiệm vụ thuộc về mình có nghĩa đã thiếu trách nhiệm, hay đúng hơn là trốn tránh trách nhiệm. Thiết nghĩ, trường hợp này càng nên xem xét xử lý trách nhiệm. Có như thế mới khuyến khích cán bộ dám làm, cởi bỏ tâm lý sợ sai, nhất là tư tưởng “không làm khỏi sai”.
Tuần này, từ ngày 1 - 7.8, Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (7.8.1912 - 7.8.2022), trong đó có mục đích giáo dục cho thế hệ hôm nay tinh thần vì nước, vì dân, dám làm dám chịu trách nhiệm của ông.
Ví dụ rõ nhất đến nay vẫn còn nguyên giá trị ý nghĩa về tinh thần ấy, là năm 1981, trên cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam, đồng chí Võ Chí Công đã đứng ra nhận “nếu khoán mới không đem lại kết quả thì tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân” để Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IV thống nhất ban hành Chỉ thị 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp.
Hy vọng, với tinh thần của thế hệ đi trước và các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, sẽ cởi bỏ tâm lý sợ sai để các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt trách nhiệm của mình vì dân, vì sự phát triển chung.