Với mong muốn thay đổi cách công chúng tiếp cận và tìm hiểu thông tin về các bộ sưu tập hiện vật, các bảo tàng trên thế giới đã ứng dụng công nghệ số nhằm đa dạng hóa các hoạt động. Trong đó, công nghệ quét và in 3D (ba chiều), công nghệ thực tế ảo được xem là xu hướng tất yếu trong thời đại bùng nổ công nghệ toàn cầu.
Một khu vực trưng bày tại Viện bảo tàng Anh. Ảnh: Alamy |
Nhiều bảo tàng trang bị màn hình lớn để khách tham quan có thể tra cứu thông tin tại nơi trưng bày hoặc phát hình trực tuyến. Sử dụng công nghệ số có thể kết nối thuyết minh, thuyết trình về các hiện vật trong những thời kỳ lịch sử. Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc có đến 99% thông tin và hình ảnh của tổng số gần 69.000 cổ vật, thông qua ứng dụng công nghệ 3D đã có mặt trên website của bảo tàng. Một cán bộ của bảo tàng cho biết, nếu như khách tham quan có thể chỉ nhìn thấy khoảng 5 - 10% của toàn bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng vì điều kiện không gian trưng bày và bảo quản hiện vật không cho phép, thì giờ đây họ có thể truy cập internet, chiêm ngưỡng và tìm hiểu thông tin hiện vật một cách đầy đủ, chi tiết đến từng góc cạnh.
Một số bảo tàng được số hóa tại châu Á nổi tiếng thu hút khách truy cập hay tham quan tại chỗ như bảo tàng Cyber ở Singapore, bảo tàng Nội Mông, Tô Châu (Trung Quốc), bảo tàng nghệ thuật ảo ở Thái Lan hay bảo tàng Cánh đồng chết ở Campuchia... Tại châu Âu cũng vậy, bảo tàng Staedel Frankfurt (Đức) đã số hóa được gần 25.000 hiện vật, xây dựng được hơn 100 bộ phim kỹ thuật số phát trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm ngàn lượt người truy cập, theo dõi. Chantal Eschenfelder - Giám đốc Giáo dục và truyền thông bảo tàng này cho biết, nhờ những ứng dụng công nghệ hiện đại, số người đến tham quan, nghiên cứu tại bảo tàng hiện đạt trên một triệu lượt người/năm, tăng gấp hơn 2 lần so với khi chỉ thực hiện phương pháp truyền thống.
Amelia Knowlson, chuyên gia nghiên cứu và tư vấn công nghệ 3D phục vụ các bảo tàng tại Anh quốc cho hay, ứng dụng trên hiện sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực như trường học, thư viện, bệnh viện. Việc số hóa sẽ khiến các bảo tàng trở nên hấp dẫn và gần gũi với công chúng hơn bao giờ hết. Điều này cho phép mọi người có thể vừa tham quan bảo tàng “ảo” (công nghệ tương tác 3D, công nghệ không gian trưng bày ảo), vừa có thể chia sẻ và phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu mà không bị giới hạn về không gian, thời gian, thay vào đó chỉ cần kết nối internet với các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính. Viện bảo tàng Anh (English Museum), một trong những viện bảo tàng lớn nhất thế giới, minh họa đầy đủ lịch sử văn hóa loài người từ nguyên thủy đến hiện tại với gần 8 triệu hiện vật được thu thập từ khắp các châu lục, đang tiến hành số hóa để đưa các hiện vật đến với công chúng mọi lúc, mọi nơi. Viện bảo tàng Anh được thành lập từ năm 1753, mở cửa lần đầu tiên vào năm 1759.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, việc số hóa bảo tàng không chỉ tạo tiện nghi giao tiếp giữa bảo tàng với công chúng, không cần diện tích trưng bày lớn, không giới hạn thời gian, không gian tham quan, mà còn là cơ hội quảng bá rộng rãi để thu hút du khách đến với bảo tàng ngày một nhiều hơn. Một lợi ích vô cùng quan trọng khác là việc số hóa có thể góp phần bảo quản, bảo tồn hiệu quả các hiện vật quý giá của nhân loại, phát huy tối đa giá trị của di sản.
NAM VIỆT