Thư viện Al-Qarawiyyin tại Morocco đang đưa vào sử dụng công nghệ số hóa nhằm bảo quản một phần “kho báu” văn hóa quý giá của nhân loại.
Thư viện Al-Qarawiyyin là một phần công trình của trường đại học Al-Qarawiyyin, được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 và tọa lạc ở thành phố Fez của quốc gia châu Phi - Morocco. Trường đại học đầu tiên trên thế giới Al-Qarawiyyin (được sách kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận) do một phụ nữ người Hồi giáo tên là Fatima al-Fihiri sáng lập. Fatima al-Fihiri cùng gia đình rời xa quê hương ở Tunisia để lập nghiệp ở vùng đất Morocco. Nhưng một vài năm sau đó, Fatima al-Fihiri đau khổ tột cùng khi chứng kiến người cha, chồng và anh trai lần lượt qua đời. Với số tiền thừa kế khá lớn, Fatima al-Fihiri sử dụng để xây dựng nhà thờ Hồi giáo, trong đó bao gồm đại học Al-Qarawiyyin, trong khi chị gái của bà - Mariam - xây dựng thánh đường Al-Andalusia.
Ông Abdelfattah Bougchouf- người phụ trách Al-Qarawiyyin đang mở một cuốn sách cổ tại thư viện. Ảnh: AP |
Vào năm 1963, trường đại học Al-Qarawiyyin được tách ra, xây dựng ở một địa điểm khác cũng trong thành phố Fez và được sáp nhập vào hệ thống đại học do Nhà nước Morocco quản lý, dưới sự giám sát của Bộ giáo dục. Đại học Al-Qarawiyyin là nơi nuôi dưỡng những tài năng kiệt xuất của nhân loại như triết gia người Do Thái - Moses Maimonides, sử gia người Hồi giáo Ibn Khaldun và nhà ngoại giao Leo Africanus… Tuy nhiên, công trình thánh đường Hồi giáo và thư viện Al-Qarawiyyin của Fatima al-Fihiri vẫn được duy trì và hoạt động bình thường. Đáng chú ý, thư viện Al-Qarawiyyin vẫn mở cửa nhưng hạn chế số lượng người đến tham quan và đọc tài liệu. Những người đến đây đều phải có sự đồng ý của chính quyền hay cơ quan quản lý thư viện để công tác bảo quản và lưu trữ “khó báu” tri thức được tốt hơn. Hay chỉ có những người phụ trách trong một số trường hợp đặc biệt mới có thể tiếp cận nguồn tư liệu vô giá này.
Thư viện cổ Al-Qarawiyyin là nơi lưu giữ hơn 4.000 đầu sách đặc biệt hấp dẫn thuộc các thể loại khác nhau và bản thảo cổ có từ thế kỷ thứ 7, được viết bằng tay của các học giả, nhà nghiên cứu. Trong đó, giá trị nhất là bản kinh Koran được viết bằng ký tự Kufic trên da lạc đà từ thế kỷ 9. Được biết, hầu hết sách vở, tài liệu cổ đại được giữ trong một môi trường có nhiệt độ cùng độ ẩm được kiểm soát liên tục và có cả hệ thống an ninh nghiêm ngặt. Hiện nay, trong thư viện có một phòng nghiên cứu bao gồm những máy móc hiện đại nhất như máy scan kỹ thuật số để nhận dạng những lỗ siêu nhỏ trên giấy hay máy phun ẩm làm hạn chế việc giấy bị nứt. Đặc biệt, cánh cửa sắt dày của thư viện có đến 4 ổ khóa cổ được chạm trổ cầu kỳ và mỗi ổ khóa đều có một chìa khóa riêng, sở hữu bởi bốn người khác nhau. Do đó, để vào được bên trong thư viện thì phải cần cả 4 người với 4 chìa khóa khác nhau có mặt cùng một lúc. Năm 2012, Bộ Văn hóa Morocco giao nhiệm vụ tu sửa thư viện Qarawiyyin cho nữ kiến trúc sư nổi tiếng nước này - Aziza Chaouni, và dự kiến thư viện 1.157 tuổi sẽ lần đầu tiên mở cửa rộng rãi cho công chúng vào tham quan và sử dụng vào cuối năm nay.
Đặc biệt, thư viện cổ Al-Qarawiyyin đang tiến hành số hóa các tài liệu và cho đến nay có khoảng 20% trong số tài liệu đó đã được tiến hành. Abdelfattah Bougchouf - người phụ trách Al-Qarawiyyin cho biết, xu hướng số hóa hay tạo ra một cổng thông tin truy cập trực tuyến đến tài nguyên số không chỉ để lưu trữ tư liệu quý giá, bảo quản tài liệu gốc mà giúp cho người đọc trên toàn cầu có cơ hội được tiếp cận dễ dàng hơn với di sản văn hóa của nhân loại qua internet.
QUỐC HƯNG