“Số hóa” tài nguyên văn hóa

HỨA XUYÊN HUỲNH 06/03/2023 08:14

Phố cổ Hội An vừa được nhắc tên trong danh sách những các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù, đặc trưng của Việt Nam “có sức cạnh tranh quốc tế”. Các di sản “có sức cạnh tranh quốc tế”  cần được đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, ngoài Hội An còn có vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ…

Lời đề nghị này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại chương trình nghệ thuật đặc biệt tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội tối 28/2, nhân kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”.

Với phố cổ Hội An, chúng ta đang có một điển hình về sức cạnh tranh quốc tế và năng lực truyền thông quảng bá trên lĩnh vực văn hóa du lịch.

Lâu nay, Hội An được mệnh danh “thành phố của những danh hiệu”. Top 25 thành phố du lịch tốt nhất thế giới (của Tạp chí Tourist and Leisure - Mỹ), Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á - Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards 2022), Top 10 thành phố du lịch trên toàn thế giới (tạp chí Wanderlust - Anh quốc).

Chưa kể những “top” hiếu khách nhất thế giới, quyến rũ nhất thế giới, điểm đến về nghệ thuật và ẩm thực, trải nghiệm tốt nhất thế giới, điểm đến phổ biến nhất thế giới, bãi biển hàng đầu châu Á, điểm chụp ảnh hàng đầu Việt Nam…

Giá trị di sản Hội An đã quảng bá rộng khắp ra với thế giới, và ngược lại, thế giới cũng đã thấy rõ sức cạnh tranh của Hội An mà “vote” (bỏ phiếu). Nhưng với Hội An, mọi thứ không ngưng đọng; phía trước là một tầm vóc mới, được gọi tên “thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch” và địa phương đang khẩn trương hoàn thiện đề án.

Ở Quảng Nam, trên bình diện bảo tồn phát huy giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể, không chỉ có con người, phố xá Hội An. Rất nhiều “tài nguyên văn hóa” cần bảo vệ, gìn giữ cho các thế hệ sau, như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, được đề cập trong đề mục “Phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người Quảng Nam”. Giá trị của tài nguyên như bổ trợ và chứng minh cho “sức cạnh tranh quốc tế”.

Rõ ràng, muốn có sức cạnh tranh quốc tế, bất cứ nền tảng văn hóa nào cũng phải đủ sâu và dày bên trong. Và đây là những gì mà xứ Quảng đang theo đuổi cho một đích đến cụ thể (tầm nhìn đến năm 2030): Bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị, nhân cách tốt đẹp của con người Quảng Nam; gắn chặt và phát huy ưu thế của văn hóa trong phát triển du lịch…

Đích đến 2030 nhắc chúng ta nhớ về con số 80 của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”. 80 năm kể từ ngày ra đời (năm 1943), một hành trình đủ dài để nhận diện về những đóng góp của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong công cuộc cứu quốc, kiến quốc. Hành trình ấy cũng đủ để nhận diện cho cả chặng đường tiếp nối, khi đời sống xã hội đang có quá nhiều biến chuyển.

Ngoài gợi ý về truyền thông quảng bá đối với các địa chỉ “có sức cạnh tranh quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý đến yếu tố thời đại: văn hóa số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Những yếu tố đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) không thể tách rời, không nên lãng tránh, mà ngược lại phải gắn kết một cách chủ động. Chưa bao giờ mà yêu cầu xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp yêu cầu xây dựng với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trở nên quyết liệt và đầy yếu tố “thời sự” như bây giờ.

Muốn duy trì sức cạnh tranh quốc tế lâu dài, tài nguyên văn hóa phải được gìn giữ trọn vẹn và khai thác tối đa. Nói cách khác, phải “số hóa” tài nguyên văn hóa. Gợi ý này không chỉ dành riêng cho đô thị cổ Hội An mà rộng ra cho cả xứ Quảng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Số hóa” tài nguyên văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO