Sợ núi chảy

TRUNG VIỆT 04/08/2023 08:02

Liên tiếp sạt lở gây chết người trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), Đa Mi (Bình Thuận), nứt đất đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đắc Nông, nứt đất xung quanh một hồ chứa ở Lâm Hà (Lâm Đồng) buộc sơ sán dân khẩn cấp; mưa lớn gây ngập lụt tràn lan ở Đắc Lắc…

Điểm qua vài sự kiện thiên tai… gần với Quảng Nam, để thấy nhiều nơi mới vô mùa mưa đã họa tùm lum. Địa hình miền núi họ có khác chi Quảng Nam, rồi thời tiết cũng không khác mấy, vùng ảnh hưởng thời tiết cũng không khác, và điều quan trọng hơn là rừng của họ cũng không khác của ta.

Quan điểm phá rừng tự nhiên để rồi trồng rừng khác thay thế, là trò… đánh tráo hiện trường. Rừng tự nhiên, ngoài cây tự nhiên đã cắm rễ đủ lâu để để giữ đất, giữ nước, hệ rễ đủ mạnh không bị bật ra khỏi nơi đó, thì rừng tự nhiên còn có thảm thực vật. Chính mối liên hệ này giữ cho đất rừng không dễ bị xóa lở.

Giới nghiên cứu đã chỉ ra, nếu rừng nguyên sinh còn nguyên, nước mưa chỉ thấm 5% xuống đất, 95% chảy tràn trên mặt đất, thì vấn đề núi lở, nứt sập không xảy ra. Còn ngược lại, nếu 95% nước thấm đất, chỉ 5% chảy tràn, thì lúc đó không còn nước chảy mà là núi trôi.

Sạt lở nhiều năm qua, có cãi chày cãi cối gì, thì cũng phải thừa nhận rằng rừng tự nhiên đã bị tàn hại hơn cả mức nghiêm trọng. Người sống trên đất, phải gánh. Trả giá quá đắt và cuộc chơi này chưa dừng lại.

Mùa mưa đã bắt đầu. Khỏi phải nói người ở núi khổ trăm bề khi mùa mưa xuống. Nhưng khổ không ớn bằng sợ. Thình lình nó sạt, vùi lấp, thì nước mắt để khóc cũng không còn. Bây giờ ở miền núi, chuyện quy hoạch công sở, khu dân cư, điểm sinh hoạt cộng đồng, rất khó. Không có mặt bằng thì phải san lấp núi.

Nhưng, như câu chuyện mang tính truyền thuyết vốn là nguồn mạch trong tâm thức dân gian, đi kèm những phân tích về sự xuất hiện suối này núi kia từ địa lý học, thì sự tồn tại của những hình thế tự nhiên, đều có cái lý của nó cả. Bất luận sự tác động nào, đều kéo theo phản ứng, hoặc phụ hoặc chính, tác động ngược trở lại.

Câu chuyện ở Trà Leng cách đây mấy năm là một ví dụ. Khi lũ quét xong rồi, người già ở đó cho hay, một con suối cũ đã hiện ra ngay chính chỗ nó quét. Tức là, không biết bao nhiêu năm trước đó, nơi đó là suối.

Những biến đổi địa chất khiến nó bị lấp, rồi người ta làm nhà lên, và bây giờ, nó… nhớ nhà, tìm về đường cũ. Nghĩa là ở đây, xem ra mọi thứ không ổn chút nào, bởi chỗ tưởng là ổn, nhưng có thể sau này là họa.

Tất nhiên, phải sống, phải an cư. Nhưng khi nào xem rừng là máu thịt, là huyết mạch cho sự tồn tại của loài người mà không hỗn láo chặt phá, coi thường, thì lúc đó, nước không chảy nữa, mà chính đất rừng sẽ chảy, và biết đâu, nó chảy xuống tận đồng bằng, hất cả người miền xuôi ra biển…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sợ núi chảy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO