Người vùng cao, muôn đời bám núi. Vượt qua biết bao cuộc sinh tồn khắc nghiệt, họ vẫn sống hiên ngang giữa rừng. Nhưng, nay thì khác. Thiên tai bão lũ hoành hành, giàng (thần linh) cũng không thể chở che cho họ được nữa.
Ám ảnh mưa rừng
Mưa liên tục và kéo dài suốt nhiều ngày qua, càng khiến cuộc sống của đồng bào vùng cao thêm bội phần khốn khó. Từ các xã Phước Lộc, Phước Thành (Phước Sơn) cho đến Trà Leng, Trà Vân (Nam Trà My) và cả các huyện tây bắc của tỉnh, nơi nào cũng nhão nhoẹt bùn đất. Sau các trận lũ quét, hàng trăm nhà cửa tan hoang chưa kịp phục hồi thì lại đón thêm nhiều đợt lũ mới. Lũ về, nguy cơ nhà cửa lại trôi sông. Nạn lở đất xuất hiện cả phía trên taluy dương và taluy âm khiến mối đe dọa cứ dài theo trong cơn mưa núi.
Mưa, nên phải ở nhà. Gần một tháng nay, người vùng cao không thể đi làm. Cánh rẫy cũng bỏ không kể từ sau đợt thu hoạch lúa. Như mọi năm, mùa này là dịp săn bắt con chim, con sóc để dành sắm tết. Nhưng năm nay mưa lớn, lũ quét bất ngờ xảy ra. Chưa kể núi lở khắp nơi, nên không ai dám mạo hiểm với “họa của trời”. Đành chịu bó gối ở không.
Già Riah Đơơr, người làng Cha’lăng (xã Ch’Ơm, Tây Giang) nói, chưa năm nào thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Mưa lũ, gió bão liên tiếp. Người vùng cao, cuộc sống vốn nghèo khó nay càng gian nan. Trận lũ quét vào hồi trung tuần tháng 9 vừa qua trở thành lũ lịch sử khiến nhiều người vùng cao mất trắng. Từ nhà cửa, vườn tược cho đến diện tích ruộng lúa, hoa màu. Đâu đâu cũng thiệt hại. Con số thống kê của địa phương cho thấy lũ dữ đã làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng chỉ trong tích tắc. May mắn với huyện Tây Giang, là sau các đợt lũ quét và sạt lở đất, địa phương này không ghi nhận thiệt hại về người.
Già Riah Đơơr trầm ngâm một lúc, rồi chỉ tay về phía những cánh đồi trước làng, nơi có những vết xước thấy rõ, nói nhiều năm trước, đó là khu dân cư kiểu mẫu của xã. Hàng chục hộ dân sinh sống yên bình trên mặt bằng mới rộng thoáng. Nhưng, liên tiếp các đợt mưa bão cuối năm, đất đá từ phía taluy dương ầm ào đổ xuống. Nhiều ngôi nhà đã bị vùi lấp, hư hại. Người dân buộc phải sơ tán, nhà cửa cũng được dời theo. Chỉ trong chớp mắt, khu dân cư nhộn nhịp ngày trước giờ chịu cảnh tan hoang. “Đất đồi không còn cứng cáp như ngày xưa nữa, vì thế, nhìn chỗ nào cũng thấy sạt lở. Mà núi lở nhiều nên không ai dám vô rừng, vô rẫy” - già Đơơr trải lòng.
Chỉ cách làng của già Đơơr chừng hơn hai quả núi, hơn tuần trước, cả làng H’juh đã phải sơ tán khẩn sau hiện tượng lở núi. Mưa lớn ầm ào suốt nhiều ngày liền, núi từ trên cao sạt xuống, khiến nhiều căn nhà bị vùi lấp. Thế là chạy. Họ chạy để kịp bảo toàn mạng sống. Nhiều tài sản đã bị vùi sâu dưới lớp đất mềm nhũn, đặc quánh.
Chính quyền địa phương huy động sơ tán, rồi bố trí ở xen ghép tại các nhà kiên cố hơn. Trụ sở ủy ban xã, nhà văn hóa cộng đồng, trường học, trạm y tế… trở thành nơi ở chung của người dân các vùng nguy hiểm. Ở không suốt nhiều ngày, cuộc sống trở nên dài theo cơn mưa núi. Nhưng đành chịu. Ớn lạnh khi nhìn vào những trận lở núi ở Trà Leng, Phước Lộc, người vùng cao không ai dám “đánh cược” tính mạng với trời đất thêm lần nào nữa.
Nguy cơ tái nghèo
Hẹn gặp Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm - Bríu Hồ để nắm thông tin về đợt thiên tai bão lũ. Ông Bríu Hồ nói, sau đợt mưa lũ liên tiếp, gần nửa diện tích ruộng lúa nước, đất trồng hoa màu, đất rẫy của bà con bị hư hại do bị vùi lấp đất và sạt lở. Nhiều trong số đó là diện tích không thể tái tạo sản xuất. Vì thế, năm nay, nguy cơ tái nghèo sẽ rất cao.
Tôi cũng được nghe nhận định từ Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang - Bh’riu Quân. Ông Quân nói, anh em kiểm tra sơ bộ, thấy rất nhiều diện tích ruộng trồng lúa nước của người dân đã bị bồi lấp bởi sỏi đá sau lũ. Nhiều vùng, ruộng toàn đá. Đá tràn về từ phía thượng nguồn sông, suối vô tình xếp chặt dưới đám ruộng. Vì thế, việc tái sản xuất coi như không thể.
Mưa tiếp nối nhau dày đặc như mũi tên cắm xuống đất. Nhiều nhà đã bị sập đổ, nhiều công trình bị hư hại nặng nề. Công tác khắc phục cũng chỉ từng bước, bởi mưa nối tiếp mưa, khắc phục xong thì lại sạt lở, lại bị nước lũ cuốn trôi. Như ở Phước Lộc, Phước Thành (Phước Sơn), ngổn ngang sau cơn lũ dữ, nhiều người nói, thật sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhà cửa, tài sản và cả hoa màu, thóc lúa trên rẫy, dưới ruộng cũng đều bị lũ cuốn sạch. Họ trắng tay. Cái nghèo đứng rõ trước mặt. Sự sẻ chia của các đoàn thiện nguyện cũng chỉ đủ giúp họ kéo dài thêm cái ăn tạm thời.
Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước thành nói với tôi, người miền núi cần nhất trong lúc này, ngoài sự hỗ trợ cấp thiết của các cấp, ngành, là việc tập trung đẩy nhanh khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm trả lại hiện trạng mặt bằng, đường sá trước đây, để người dân tự thân làm lại cuộc đời, sống một cuộc sống bình thường mới.
Tháng 11, mưa gió lại lùa về. Nhiều người nói, bây giờ họ thực sự hoảng sợ khi nghe tiếng mưa...
Sau mưa, núi… chảy
Hôm trước, tôi đọc bài viết của facebooker Huy Nguyen (TS.Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai) chia sẻ về hiện tượng lở đất ở vùng cao. Lời cảnh báo được anh viết ngay sau khi nhận được những tấm ảnh về các điểm sạt lở đất của một cựu sinh viên Trường Đại học Nông lâm Huế gửi về từ Tây Giang. Chuyên gia này nói, các vạt núi sạt lở được thể hiện trong các tấm ảnh đều phơi đất đỏ nên rất sợ, bởi lẽ đất này rất xốp. Chỉ cần ngậm nước đủ 2 ngày mưa liên tục là thành hiện tượng núi chảy.
“Tôi dùng từ núi chảy vì khi nước ngấm nhiều vào đất, phá vỡ các liên kết trong đất kèm với sức nặng hàng ngàn tấn trượt theo góc lớn hơn 30 độ dốc thì sẽ chảy thôi” - Huy Nguyễn viết.
Đặt nghi vấn đa số các bản làng phía tây Quảng Nam có thể được định cư dưới các vạt núi như thế, Huy Nguyễn cảnh báo, nếu mưa liên tục 2 ngày thì phải tìm chỗ đất cao bằng phẳng để trú ẩn. Đồng thời nhắn nhủ, bà con ở khu vực này (nơi có nguy cơ núi chảy) cần phải thường xuyên quan sát xung quanh. Hễ thấy dấu hiệu đất bị nứt dù rất nhỏ cũng phải chạy.