Những đợt ra quân liên tục của lực lượng chức năng về kiểm soát trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đã tạo hiệu ứng tích cực. Giờ đây nhiều người đã biết “sợ”...
Nỗi lo sợ vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đã được nhiều người chia sẻ với nhau bằng những vụ việc cụ thể, với số vụ ngày càng nhiều thêm và mức độ xử phạt ngày càng kiên quyết, mạnh tay hơn..., được xem là những phản ứng tích cực.
Có thể nói đó là kết quả của nhiều đợt liên tục ra quân của lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, nhằm siết chặt quản lý an toàn giao thông, đặc biệt với vi phạm được cho là khá phổ biến lâu nay: sử dụng rượu bia khi lái xe.
Theo ghi nhận, từ Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát trên nhiều tuyến đường, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.
Trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều người ngỡ ngàng khi nhận biên bản xử phạt bởi cứ nghĩ, thời điểm này năm ngoái, lỗi về nồng độ cồn ở nhiều trường hợp được xử lý khá “du di”.
Theo thống kê, chỉ tính trong dịp tết (7 ngày nghỉ lễ), lực lượng chức năng đã tập trung xử lý, lập biên bản 459 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền ước tính gần 2,2 tỷ đồng. Và Quảng Nam được biết đến là một trong những địa phương trên cả nước xử lý nhiều vụ vi phạm nồng độ cồn trong dịp tết.
Tâm lý “được du di” đã bắt đầu thay đổi và nỗi sợ bị tuýt còi hình thành khi những đợt ra quân liên tục của lực lượng chức năng từ sau tết đến nay. Đặc biệt trong thời điểm này, Cục C08 - Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đang triển khai chuyên đề tại các tỉnh, thành với nội dung kiểm tra nồng độ cồn trên tất cả tỉnh lộ và quốc lộ, lưu động và cố định..., khiến nhiều người tham gia giao thông e ngại.
Thế nhưng, trong điều kiện thực thi pháp luật còn hạn chế của người dân, nhất là với quy định về nồng độ cồn khi lái xe, thì việc kiểm tra, xử lý ráo riết này, ban đầu ít nhiều sẽ gây bất tiện cho nhiều người; và số vụ việc bị xử lý nồng độ cồn dự báo sẽ còn tăng thêm.
Một hạn chế có thể nhìn thấy trong điều kiện hiện nay là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ, hoàn thiện; dịch vụ giao thông công cộng vẫn chưa phát triển mạnh; khoảng cách vùng miền vẫn còn lớn; phương tiện giao thông chủ yếu của người dân là xe máy... Trong khi đó, người dân có nhiều cơ hội để “tập trung” từ lễ lạt, đám đình, hội họp, và đặc biệt việc sử dụng bia rượu đã trở thành thói quen khó bỏ với nhiều người.
Vì vậy, việc chấp hành quy định về nồng độ cồn của người dân, ở nhiều trường hợp vẫn mang tâm lý đối phó, hoặc chấp nhận vi phạm với kiểu hên xui; trong khi việc kiểm tra xử lý lâu nay chủ yếu vẫn theo đợt, khó hình thành văn hóa giao thông như mong muốn, thậm chí sẽ tác động đến đời sống sinh hoạt, kinh tế của người dân.
Dễ thấy là trên địa bàn Tam Kỳ, nhiều chủ cơ sở dịch vụ ăn uống, giải trí, dù đã sẵn tâm lý bị tác động bởi các đợt ra quân kiểm tra, xử lý trật tự an toàn giao thông, nhưng vẫn chưa thôi than thở về sự ế ẩm, nhất là đợt ra quân liên tục, ráo riết lần này.
Đặc thù của đô thị Tam Kỳ là “quán nhậu phát triển cùng hạ tầng giao thông”, nên ở khắp nẻo đường đều là những “đầu mối” vi phạm nồng độ cồn. Đơn cử như đường Lý Thường Kiệt và Bạch Đằng, lâu nay được ví von là những “phố hàng ly”, nếu lực lượng chức năng túc trực ở đây thì người lái xe sử dụng rượu bia có thể chạy đi đâu cho thoát?
Thay đổi một “môi trường” đã thành nếp như lâu nay với các điều kiện liên quan đến nhiều yếu tố đặc thù của đời sống xã hội, rõ ràng là không dễ. Nhưng nỗi sợ bị tuýt còi đã phát huy vai trò của nó, ít nhất cũng tạo ra một sự cân nhắc về phương thức di chuyển của mỗi người, trước khi bắt đầu tham gia giao thông.