(QNO) - Chiều nay 16/12, tại Sở Y tế, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục thực hiện cuộc giám sát chuyên đề về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam".
Đại biểu Dương Văn Phước - Ủy viên Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát. Cùng tham gia đoàn giám sát còn có ông Phan Thái Bình - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh.
Báo cáo của Sở Y tế cho biết, tổng nguồn kinh phí phòng chống dịch giai đoạn 2020 - 2022 của đơn vị này hơn 273,2 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách cấp 261,6 tỷ đồng, kinh phí huy đồng từ các nguồn khác là hơn 11,6 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán Nhà nước tại Sở Y tế Quảng Nam về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ đã đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở Y tế nộp lại ngân sách nhà nước các khoản chi sai quy định với số tiền hơn 257 triệu đồng.
Đối với hiện trạng y tế cơ sở, y tế dự phòng, Quảng Nam đã triển khai việc sắp xếp, kiện toàn hệ thống y tế cơ sở, thiết lập mô hình y tế cơ sở đúng theo chủ trương của nghị quyết Trung ương.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế, hệ thống tổ chức bộ máy y tế cơ sở, y tế dự phòng còn tồn tại mô hình y tế tuyến huyện tại TP.Tam Kỳ, TP.Hội An chưa theo quy định tại Thông tư 07 của Bộ Y tế. Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng. Chưa thu hút người dân đến thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh chữa bệnh tại y tế cơ sở.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 87 nhân viên y tế bỏ việc, trong số này tuyến huyện 20 người, tuyến xã 15 người.
Sở Y tế cho rằng, một số chính sách về phòng chống dịch gây lúng túng trong việc tổ chức thực hiện dẫn đến việc chi sai phải nộp lại ngân sách. Kiến nghị cần có quy định rõ ràng về những bất cập trong thực hiện chế độ chính sách phụ cấp chế độ đặc thù cho lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19 cũng như xác định rõ thời gian thực hiện các chính sách về phòng chống dịch COVID-19 để có cơ sở triển khai trong thời gian tới.
Cạnh đó, Sở Y tế kiến nghị cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng đối với cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm giải quyết nguồn chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thẩm định nhưng chưa được thanh toán từ 2016 - 2021. Cùng với đó sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, quyết định, văn bản liên quan các nội dung còn vướng mắc trong thanh toán, quyết toán BHYT...
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước ghi nhận những đề nghị của Sở Y tế; đồng thời chia sẻ khó khăn trong quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như những vướng mắc của ngành y tế hiện tại.
Đại biểu Dương Văn Phước yêu cầu đoàn giám sát tiếp thu, phân tích các nhóm đề xuất của địa phương và sẽ có ý kiến tại các cuộc họp Quốc hội sắp tới…