Soi bóng Hàn giang

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT 26/01/2014 19:03

(Xuân Giáp Ngọ) - “Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Đứng bên kia Hà Thân ngó bên ni Hàn phố xá nghênh ngang”, câu ca xưa mô tả rất rõ hình ảnh phố xá gắn liền với chợ Hàn mà người Quảng nào cũng quen thuộc…

Ở Đà Nẵng, một trong những chợ xưa nhất là chợ Hàn, nguyên có danh xưng là chợ Hải Châu vì nằm trên đất làng Hải Châu. Tương truyền, vào cuối thế kỷ XV, ở Thanh Hóa, có 42 tộc họ từ thôn Hiếu Hiền, xã Hải Châu, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, theo vua Lê Thành Tông vào đánh Chiêm Thành và chọn mảnh đất Hải Châu làm nơi lập nghiệp. Để tưởng nhớ quê cha đất tổ, lưu dân lấy tên xã cũ Hải Châu đặt cho xã mới. Có người, có nhu cầu trao đổi hàng hóa là có… chợ. Chợ Hải Châu, đã ra đời.

Chợ Hàn năm 1906. Ảnh tư liệu
Chợ Hàn năm 1906. Ảnh tư liệu

“Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, vào cuối thế kỷ XVIII có nhắc đến chợ Hải Châu:“Đò ở chợ Hải Châu mỗi năm thuế 73 quan”. Số tiền này không nhiều nếu đem so sánh với tiền thuế đò ở các nơi khác. Ví dụ cùng thời điểm, “Đò Thanh Hà (ở Hội An – TG) thuế 199 quan 5 mạch”, còn “Đò Thanh Chiêm (Điện Bàn – TG) thuế 244 quan 5 mạch”… Như vậy, đến lúc ấy chợ Hải Châu vẫn là một trong những ngôi chợ nhỏ bé ở miền quê nghèo khó, với những con người lam lũ, một nắng hai sương. Năm 1827, tên chợ Hải Châu lại xuất hiện trong tờ trát đề ngày 20 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 8 của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, nói về việc cạnh tranh giữa hai chợ Hải Châu và chợ Hà Thân, cũng như đề nghị lập lại chợ An Hải trên đất làng An Hải cho 7 xã hữu ngạn sông Hàn. Dù có sự cạnh tranh giữa hai chợ Hải Châu và chợ An Hải nhưng về cơ bản, đến năm 1831, chợ Hải Châu và làng Hải Châu không thay đổi mấy. Thế mới có sự kiện khi Laplace đưa tàu Favorite ghé Đà Nẵng, phái người đến chợ Hải Châu mua thực phẩm, do nhu cầu quá lớn của thủy thủ đoàn, đến 185 người, nên chỉ trong vài ngày, tàu đã vét sạch bò, heo, vịt của các làng khiến thương lái phải vào Hội An mua thêm. Đó cũng là lý do khiến chính quyền đương thời cho rằng tàu “Favorite chứa cả đoàn quân”(1).

Chợ Hàn ngày nay.
Chợ Hàn ngày nay.

Tên chợ Hải Châu biến thành chợ Hàn từ lúc nào? Quả thật, rất khó đưa ra lời giải xác đáng. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng khi chợ Hải Châu được gọi là chợ Hàn thì vai trò của chợ Hải Châu đã đổi khác. Từ chỗ là chợ của người dân trong làng cũng như các làng xã lân cận, chợ Hải Châu từng bước biến thành chợ lớn của cả tổng, cả huyện và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lan rộng. Nhiều khả năng mốc đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của chợ Hải Châu là khi thực dân Pháp thiết lập nhượng địa với danh xưng là thành phố Tourane, tức La ville de Tourane, gồm 5 xã của huyện Hòa Vang là Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây. Đến năm 1901, nhượng địa được mở rộng thêm 14 xã ở hữu và tả ngạn sông Hàn. Bắt đầu từ đó, chợ Hải Châu được người dân địa phương gọi là chợ Hàn. Trong Đại Nam Nhất thống chí có ghi rõ “Chợ Hải Châu: ở huyện Hòa Vang; tục gọi chợ Hàn”(2). Như vậy, đến thời điểm những năm đầu thế kỷ XX, trên văn bản, giấy tờ vẫn gọi là chợ Hải Châu, nhưng danh xưng dân dã chợ Hàn đã bước vào sách sử. Để rồi, nhiều năm sau đó, năm 1926, trong tác phẩm “De Saigon à Tourane”, tác giả người Pháp Guides Madroll cho biết “Le nom de Tourane est une prononciation approchée de Cho’Han “le marché du Han”. Le nom indigène est Dà-nang”. Đại ý tên gọi của “Tourane” phát âm gần giống như “Cho’Han” tức “chợ Hàn”(3) . Với người Pháp lúc bấy giờ, chợ Hải Châu là danh từ khá lạ. Họ quen với các danh từ sông Hàn, chợ Hàn. Vì thế, danh xưng chợ Hải Châu lúc ấy gần như nhường chỗ cho chợ Hàn. Chợ Hàn đã trở thành tên gọi chính thức và quen thuộc của cư dân Đà Nẵng cũng như du khách. Hơn thế nữa, một tác giả viết về Đà Nẵng có uy tín là ông Võ Văn Dật trong tác phẩm “Lịch sử Đà Nẵng (1306 – 1975)” đã có lý khi viết rằng kể từ năm 1888, danh xưng Tourane trở thành chính thức, người Pháp chỉ biết có Tourane, người theo Tây học cũng quen gọi là Tourane. Và, thế là “Những địa danh cũ như xứ Trèm Trẹm (hay xứ Trẹm), xứ Giếng Bộng, xứ Rẫy Cu, xứ Bàu Lác… đang dần dần đi vào quên lãng. Những địa danh mới bắt đầu xuất hiện và dần dần trở thành quen thuộc đối với thị dân, chẳng hạn: khu chợ Hàn, khu Ngã Năm, khu Chuồng Bò, khu Cây Me, khu Lầu Đèn, Mười Hai Gian, Mười Bốn Gian, Bến Bà Quảng Triệu Hưng…”(4).

Theo tác giả Lê Cự Hải trong “Dạo quanh phố chợ Đà Nẵng” thì năm 1900, chính quyền bảo hộ quyết định xây dựng chợ Hàn quy mô hơn. Chợ Hàn được khởi công xây dựng vào năm 1900, khánh thành vào tháng giêng năm 1901. Chợ bấy giờ gồm hai dãy nhà song song, có bốn mặt tiền là Avenue du Musée, nay là đường Trần Phú, Quai Courbet nay là đường Bạch Đằng, Rue de la République nay là đường Hùng Vương, Verdun nay là đường Trần Hưng Đạo. Chợ lợp ngói, tường khá dày… Nhờ nằm ở vị trí đắc địa nên chợ Hàn mỗi năm một đông đúc. Để kịp thời cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm, thực dân Pháp tiến hành cho xây dựng nhà ga xe lửa trung chuyển có tên là La gare de Tourane marché, tức ga chợ Hàn, để vận chuyển hàng hóa các nơi đến chợ và hàng hóa từ chợ đi các nơi. Bấy giờ, chợ Hàn tọa lạc gần bờ sông Bạch Ðằng. Hàng hóa buôn bán ở chợ Hàn thời Pháp thuộc khá đa dạng, phong phú, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương cũng như quân lính và nhân viên chính quyền Pháp. Chợ được chia làm hai khu vực kinh doanh là trong chợ và ngoài chợ. Phía trong chợ là hệ thống các cửa hàng, cửa hiệu được xây dựng bằng gạch và chỉ cao một tầng, đằng trước để bày bán hàng hóa, phía sau dùng làm kho hàng. Bên cạnh vải vóc, áo quần, hàng nông lâm thổ sản… thì mặt hàng tươi sống có thể nói là điểm mạnh của chợ Hàn xưa. Bên ngoài chợ chủ yếu hệ thống những ngôi nhà nằm dọc hai bên chợ Hàn, chuyên mua bán những sản phẩm tiêu dùng hoặc lương thực. Khi chợ có triển vọng phát triển một số thương nhân người Hoa, một số ít Ấn kiều và người Việt bắt đầu xây dựng những cửa hàng, cửa hiệu để kinh doanh, buôn bán. Trong đó, buôn bán sỉ nổi nhất, có tiềm lực nhất vẫn là những thương nhân người Hoa.

Trong quá trình phát triển, chợ Hàn nhiều lần được trùng tu, sửa chữa.  Năm 1989,  chính quyền tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ quyết định san bằng chợ cũ, xây chợ mới hoàn toàn gồm hai tầng khang trang với diện tích 28.000m², gần 600 gian hàng cùng 36 sạp xung quanh chợ cung cấp những mặt hàng sản phẩm từ 30 nhóm ngành hàng khác nhau. Kiến trúc chợ đẹp và thoáng, cách bài trí hàng hóa gọn gàng.

Chợ Hàn, với ưu thế sẵn có, với bề dày lịch sử soi bóng Hàn giang, vẫn giữ vị trí là chợ trung tâm của thành phố, không những là nơi họp chợ của bà con mà còn là địa điểm tham quan, du lịch khá hấp dẫn của khách trong và ngoài nước mỗi khi ghé thăm thành phố nằm bên bờ sông Hàn thơ mộng.

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

(1) Taboullet. La gest FranÇaise en L’iTndochine. – Paris, 1956 – Tr. 317. Dẫn Theo Võ Văn Dật. Lịch sử Đà Nẵng 1306 – 1975 – Nxb. Nam Việt, San Jose, California, tháng 1 năm 2007 – Tr.154.
(2) Đại Nam Nhất thống chí, T.2, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1992 – Tr. 377.
(3) Guides Madroll: “De Saigon à Tourane”-  Libraire Hachette, Paris - 79, Boulevard Saint - Germain, 1926 - Tr. 6.
(4). Võ Văn Dật. Lịch sử Đà Nẵng (1306 – 1975). Nam Việt xuất bản, San Jose, California, 2007 - Tr. 294.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Soi bóng Hàn giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO