Từ một đồi núi hoang vu, ít người biết anh Phạm Phú Cường trú tại thôn 2 xã Quế Bình, Hiệp Đức đã khai hoang, biến nơi đây trở thành đồi cao su xanh tốt.
Gia đình có 4 anh em, học đến lớp 11, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn Cường đành bỏ dở việc học để nhường lại cho các em. Ban đầu, anh làm đủ nghề để kiếm sống như sửa chữa điện tử, lao động tự do ai kêu gì làm đó với mong sao có thu nhập ổn định phụ giúp gia đình nuôi các em ăn học. Tuy nhiên, mọi công việc trải qua không đem lại thu nhập như mong muốn; chính vì thế anh quyết định chuyển hướng làm ăn, với quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông quanh co hai bên là đồi núi bạt ngàn màu xanh của những cây cao su và keo lá tràm xanh tốt, anh Cường cho biết 4 năm nữa, những cây này sẽ mang lại thu hoạch lớn cho gia đình anh. Ít ai biết rằng 8 năm về trước nơi đây là đồi núi hoang vu, cỏ mọc um tùm. Với niềm tin và nghị lực của mình, anh đã biến sỏi đá nơi đây thành nơi làm giàu chính đáng.
Để có được thành quả này, việc đầu tiên của anh Cường là bắt tay vào khai hoang. Sau bao ngày vất vả, một nắng hai sương nơi đồi núi, anh khai hoang được 4ha. Ban đầu anh quyết định trồng keo, nhờ sự cần cù siêng năng, chịu thương chịu khó; qua 5 năm cây keo đã vươn lên xanh tốt. Lần thu hoạch đầu tiên, anh đem về 120 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Năm 2011, phong trào trồng cao su ở Hiệp Đức rộn lên, nhận thấy được hiệu quả của cây cao su mang lại, anh chuyển sang trồng 3ha cây cao su phần còn lại anh trồng keo. Phương châm đầu tư của anh là lấy ngắn nuôi dài, khoản tiền thu hoạch được đợt đầu từ việc trồng keo cộng với vay mượn thêm anh đầu tư khoảng 200 triệu đồng cho việc trồng cao su. Năm 2014, giá cao su giảm mạnh, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Hiệp Đức không còn mặn mà trong việc chăm sóc vườn cao su nhưng anh Cường vẫn giữ niềm tin vào loại cây công nghiệp này. Nhờ đó, vườn cao su của anh không ngừng xanh tốt. Không dừng lại ở đó, tận dụng cỏ mọc trong vườn anh nuôi thêm đàn bò 12 con. Qua 2 năm chăn nuôi bò, mỗi năm đàn bò đã đem về thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn mở vườn ươm cây giống, nuôi bồ câu lai tại vườn nhà. Vào mỗi vụ ươm anh tạo công ăn việc làm cho 3 đến 5 lao động địa phương. Hiện nay, anh cùng gia đình đã thành lập được hợp tác xã mang tên Phú Cường chuyên cung cấp bồ câu và các loại cây giống cho thị trường.
“Mặc dù chưa tiếp cận được nguồn vốn của đoàn thanh niên nhưng anh Cường đã vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn trước mắt để xây dựng được mô hình như ngày hôm nay. Anh còn là một đoàn viên tham gia tích cực, hăng hái trong các hoạt động phong trào do địa phương phát động” - Chị Phạm Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư đoàn thanh niên xã Quế Bình chia sẻ. Với quyết tâm làm giàu chính đáng dám nghĩ dám làm anh Cường là tấm gương sáng trong phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng.
MỸ LINH