Sôi động lễ hội quế Trà My

LÊ DIỄM - HỒ QUÂN 07/07/2023 07:28

Diễn ra trong 2 ngày 5 & 6/7, lễ hội quế Trà My lần đầu tổ chức đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân, du khách.

Diễn đàn khởi nghiệp phát triển quế Trà My nhận được sự quan tâm của các địa phương, chủ thể trên địa bàn Bắc Trà My. Ảnh: Q.L
Diễn đàn khởi nghiệp phát triển quế Trà My nhận được sự quan tâm của các địa phương, chủ thể trên địa bàn Bắc Trà My. Ảnh: Q.L

Rộn ràng lễ hội

Trong những ngày diễn ra lễ hội quế Trà My lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Bắc Trà My, già Hồ Văn Dinh (người Mơ Nông, đến từ xã Trà Bui) luôn túc trực ở khu sinh hoạt của đồng bào Mơ Nông tại khuôn viên Quảng trường Văn hóa Bắc Trà My.

Già Dinh nói: “Quế là loại cây đã gắn liền với đời sống đồng bào vùng cao, nên việc tổ chức lễ hội quế Trà My như thế này rất ý nghĩa. Hy vọng quế phát triển hơn, được quan tâm nhiều hơn, trở thành sinh kế bền vững cho đồng bào nơi đây”.

Ông Hồ Văn Biên - Phó Chủ tịch xã Trà Bui cho hay, đến với lễ hội quế Trà My, xã Trà Bui mang đến không gian văn hóa đồng bào Mơ Nông để giới thiệu đến du khách gần xa.

Ông Biên cho biết: “Những tập tục cho đến sinh hoạt đời thường của người dân đều được miêu tả sinh động, hệt như hình ảnh trong căn nhà truyền thống. Từ gian bếp với những rau, măng đơn sơ, những món ăn dân dã truyền thống, cho đến những bộ cồng chiêng, trang phục truyền thống được bày trí trang trọng.

Những tập tục cúng máng nước, các nghề đan lát,... cũng được giới thiệu. Khách đến với nhà truyền thống sẽ được trải nghiệm hoạt động văn hóa truyền thống, ăn bánh ốc, thịt xông khói, thưởng thức âm thanh vang vọng của trống chiêng. Đây vừa là cơ hội giới thiệu rộng rãi giá trị văn hóa đồng bào Mơ Nông và lan tỏa tình yêu với làng, với văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ”.

Lan tỏa hình ảnh cây quế Trà My qua câu chuyện của đồng bào vùng cao. Ảnh: Q.L
Lan tỏa hình ảnh cây quế Trà My qua câu chuyện của đồng bào vùng cao. Ảnh: Q.L

Lễ hội quế Trà My không chỉ nhằm tôn vinh giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở Bắc Trà My, mà cũng là dịp để du khách gần xa được tìm hiểu, tham quan, mua sắm sản phẩm từ quế. Bà Nguyễn Bảo Thoa (đến từ Hà Nội) nói rằng, đến với Bắc Trà My, bà phải tìm mua cho được sản phẩm từ quế Trà My, đặc biệt là sản phẩm từ quế vỏ.

Bà Thoa nói: “Khi thưởng thức sản phẩm quế Trà My, tôi rất thích vì có vị cay nồng nhưng lại ngọt sâu, hương thơm dịu nhẹ. Công dụng của quế Trà My đem lại rất nhiều, nên tôi mua một số sản phẩm làm quà tặng bạn bè, đặc biệt là những người bạn ở nước ngoài, chắc chắn họ sẽ rất thích”.

Cơ hội cho quế Trà My

Diễn đàn khởi nghiệp phát triển quế Trà My - cao sơn ngọc quế với chủ đề “Mang hương rừng ra phố” là một trong những hoạt động điểm nhấn trong lễ hội. Các HTX, cơ sở kinh doanh và đại diện các địa phương có trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây quế tham gia, với mong muốn tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và các giải pháp nâng tầm giá trị quế Trà My.

Ông Dương Tấn Tiến - Chủ hộ kinh doanh quế Tiến Ti (huyện Bắc Trà My) cho biết, những năm qua, khi giá trị cây quế Trà My được nâng tầm, nhiều khách hàng nước ngoài tìm đến cơ sở, ký hợp đồng mua quế. Họ đánh giá hàm lượng tinh dầu và chất lượng quế Trà My rất cao, khó nơi nào tìm được. Trung bình mỗi năm, cơ sở thu mua để xuất bán ra thị trường khoảng 400 - 500 tấn quế.

“Để bán ra thị trường phía Bắc và nước ngoài, mỗi năm chi phí vận chuyển quế của tôi lên đến tiền tỷ. Nếu có cơ hội kết nối đơn vị sản xuất, thu mua quế tại địa phương thì hiệu quả hơn, ổn định đầu ra và nâng cao đời sống người dân” - ông Tiến kiến nghị.

Còn ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Trà My tại TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận, địa phương đang đi đúng hướng trong công tác bảo tồn cây quế Trà My. Đây là loại cây đặc trưng địa phương, hoàn toàn tự nhiên và nhu cầu thị trường lớn. Nếu đặt nhà máy và đầu tư trồng quy mô đôi khi lại không hiệu quả, mất đi tính chất vốn có của quế Trà My.

“Chúng ta cần vận dụng linh hoạt giữa các giải pháp khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng cây giống, kết hợp với kinh nghiệm trồng bà con vùng cao để cho ra nguyên liệu chất lượng lớn. Cạnh đó, cũng cần tính toán cơ chế giao đất, giao rừng để ổn định nguồn nguyên liệu, bà con chủ động bảo vệ, gìn giữ”.

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, Bắc Trà My cần gắn yếu tố văn hóa đồng bào Ca Dong, Mơ Nông,.. trong công tác bảo tồn và đưa sản phẩm quế ra thị trường. Có câu chuyện, sản phẩm từ quế sẽ dễ dàng chinh phục thị trường hơn.

Còn TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia nói, cây quế muốn thu hoạch phải mất 10 - 15 năm. Vậy bài toán đặt ra là “Làm gì để duy trì cuộc sống bà con trồng quế trong khoảng thời gian này?”. Do đó địa phương, người kinh doanh cần có kết hoạch bài bản.

“Chẳng hạn, nếu áp dụng giải pháp lũy kế cho dự án 100ha quế, thì năm đầu tiên chỉ trồng 10ha thôi, phần còn lại để bà con tập trung hoạt động khác. Rồi cứ thế, mỗi năm sẽ trồng thêm 10ha. Như vậy, sau 15 năm, chúng ta sẽ có nguồn nguyên liệu xoay vòng. Cách này vừa hiệu quả, vừa đảm bảo sinh kế, nâng cao ý thức bảo vệ gìn giữ rừng quế cho bà con” - ông Hòa đề xuất.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sôi động lễ hội quế Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO