Tiếp cận thể thao thường xuyên và chuyên nghiệp hơn, bắt đầu từ lứa tuổi học đường, đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực với phong trào thể dục thể thao toàn tỉnh. Cần có những kế hoạch, hướng đi phù hợp, hiệu quả cao để thể thao học đường là sự khởi đầu, nền móng của thể thao thành tích cao, hay ít ra, kỳ vọng cải thiện tầm vóc người Việt, từ lứa tuổi vàng này...
Số vận động viên (VĐV) tham gia giải Thể thao học sinh tỉnh Quảng Nam năm học 2023-2024 lên đến 4.900 người, cho thấy phong trào tập luyện, thi đấu thể thao trong học đường ngày càng sôi động.
Sôi động ngày hội
Tại giải Thể thao học sinh (HS) tỉnh Quảng Nam năm học 2023-2024, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông cử lực lượng gồm 110 vận động viên (VĐV) và nhiều thầy cô giáo góp mặt. Trong khi đó, học trò Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục tạo nên bất ngờ thú vị khi tiếp tục giành ngôi nhất toàn đoàn. Điều đó cho thấy các trường THPT chuyên có sự quan tâm đầu tư rất lớn cho hoạt động thể thao, còn các em HS không chỉ học giỏi mà chơi thể thao cũng tài.
Là sân chơi 4 năm diễn ra một lần nên không ngạc nhiên khi ở giải năm nay, phần lớn trường học, đơn vị đã cử lực lượng VĐV hùng hậu tham gia. Nhiều đơn vị, trường học thuộc khu vực miền núi có thành tích khả quan ở các môn thi đấu.
Con số 4.900 VĐV đến từ đông đủ 18 phòng GD-ĐT và 56 đơn vị trường THPT, Trung tâm GDTX tỉnh của toàn giải đấu cho thấy phong trào thể thao học đường lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên ngày hội học đường sôi động.
Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các hội thi, giải đấu tổ chức như lần này cũng là ngày hội thể thao của HS phổ thông cả tỉnh. Từ đây, khuyến khích các em thường xuyên tập luyện các môn thể thao nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần, góp phần giáo dục toàn diện. Phần lớn các đơn vị đã có sự chú trọng từ khâu tổ chức giải ở cấp trường, cấp huyện để tuyển chọn VĐV tham gia cấp tỉnh.
Phát hiện năng khiếu thể thao
Giải Thể thao HS tỉnh Quảng Nam năm học 2023-2024 có thể coi như “một mũi tên, hai đích đến”. Kết quả của giải là cơ sở giúp ngành GD-ĐT đánh giá, nhìn nhận về chất lượng công tác giáo dục thể chất và giáo dục toàn diện ở các trường hiện nay.
Đồng thời, khi giải được tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh sẽ giúp phát hiện những nhân tố tiêu biểu để tiếp tục bồi dưỡng, giúp các em phát huy tốt năng lực, sở trường và đây cũng là nguồn lực để Sở GD-ĐT tuyển chọn vào đoàn VĐV của ngành tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực III và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 sắp đến.
Thể thao thành tích cao luôn gắn liền với thể thao học đường; hay nói cách khác, học đường chính là cái nôi cho thể thao thành tích cao phát triển. Vì vậy, ngành thể dục - thể thao Quảng Nam những năm qua rất tích cực tham gia, đồng hành với ngành GD-ĐT từ việc đưa các môn thể thao vào giảng dạy ở trường học đến tổ chức các hoạt động thể thao học đường.
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đánh giá, phát triển thể thao học đường hiện nay rất tốt. Bên cạnh các môn thể thao dạy trong trường học, ngành còn tổ chức một số giải thể thao cấp tỉnh với các nhóm tuổi từ 11 trở lên. Chính điều này giúp cho công tác phát hiện tài năng trẻ ở cơ sở, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo.
Đối với giải thể thao HS của ngành GD-ĐT, ngành thể thao luôn cử cán bộ tham gia ban tổ chức, hỗ trợ chuyên môn, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Đào tạo thi đấu TD-TT tỉnh, CLB Bóng đá Quảng Nam phân công huấn luyện viên theo dõi các trận đấu nhằm phát hiện các tài năng trẻ để qua đó tuyển chọn VĐV. Giải thể thao HS lần này có nhiều môn đang được ngành TD-TT đào tạo như điền kinh, võ cổ truyền, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… Rõ ràng, đây chính là cơ hội quý để phát hiện các năng khiếu ở độ tuổi tiểu học, THCS từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa bộ môn giáo dục thể chất thành môn học chính đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của phụ huynh lẫn học sinh. Chưa kể, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy xác định có thêm nhiều đầu tư cho thể thao học đường.
Điện Bàn là một trong các địa phương hiện có phong trào thể thao học đường phát triển khá mạnh. Bà Trần Thị Thanh Vân – Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho biết, chính quyền thị xã luôn ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí cho cơ sở vật chất, các hoạt động thể dục thể thao.
Hằng năm, địa phương này cấp kinh phí khoảng 500 triệu đồng cho ngành giáo dục để phát triển phong trào, tổ chức các giải đấu thể dục thể thao. Về chương trình phổ cập bơi, UBND thị xã Điện Bàn đã xây dựng 11 hồ bơi, hồ bơi di động ở các trường học và sắp tới sẽ xây dựng ở Điện Phương, Điện Tiến.
“Hiện nay chúng tôi có 88 giáo viên giáo dục thể chất ở cấp tiểu học, THCS với chuyên môn tốt. Thị xã, các phường, xã xây dựng các khu liên hợp thể thao và tổ chức các giải thi đấu thường xuyên cũng bổ trợ cho phong trào thể dục thể thao học đường” – bà Vân cho biết.
Tại Quảng Nam, nhìn nhận từ Sở GD-ĐT, những năm gần đây, phụ huynh ưu tiên cho con cái tham gia các bộ môn năng khiếu ngày càng tăng, là điều kiện giúp phong trào thể dục thể thao học đường phát triển đều khắp.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa bộ môn giáo dục thể chất thành môn học chính đã làm thay đổi tư duy “xem nhẹ” thể dục thể thao. Chưa kể, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết này đặt ra các mục tiêu cụ thể cho thể thao học đường.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 số cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa duy trì đạt 100%; thực hiện thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa đạt 90% trở lên, 90% trường học có câu lạc bộ thể thao, tổ chức dạy bơi, phổ cập bơi cho học sinh đạt hơn 40%...
Ông Phan Thanh Tú - Phòng Công tác chính trị - học sinh sinh viên Sở GD-ĐT cho biết, trước Nghị quyết 11, Quảng Nam cũng đã thực hiện dạy thí điểm một số môn thể thao trong các trường THCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021 gồm các môn Karate, Taekwondo, bóng đá, bóng rổ, võ cổ truyền.
“Hiện nay phong trào thể dục thể thao học đường ở các trường học trên toàn tỉnh khá tốt khi hằng năm các phòng GD-ĐT, trường học duy trì các giải thi đấu và tỉnh thì định kỳ 2 năm sẽ tổ chức các giải thể thao, 4 năm tổ chức Hội khỏe Phù Đổng.
Đồng thời Sở GD-ĐT cũng đưa các vận động viên thi đấu ở các giải đấu cấp khu vực, toàn quốc, Giải bơi cứu đuối thanh thiếu nhi, học sinh toàn quốc…
Năm nay, Quảng Nam sẽ đăng cai tổ chức cấp khu vực gồm 12 tỉnh miền Trung với dự kiến hơn 2.000 vận động viên tham dự. Những hoạt động thường xuyên sẽ góp phần giúp phong trào được sôi động, phát triển và giúp học sinh có cơ hội thể hiện năng khiếu của mình” – ông Tú nói.
Dù có những phát triển đáng kể, nhưng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất, nhất là các nhà đa năng cho học sinh học tập, rèn luyện thể dục thể thao vẫn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng nguyện vọng của các em.
Thiếu sân chơi
Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc (phường Điện Ngọc, Điện Bàn) hiện có 1.744 học sinh với 41 lớp học. Để đảm bảo chương trình giảng dạy bộ môn thể chất, nhà trường đã đầu tư khu phức hợp thể thao và tận dụng sân trường để làm các sân bóng chuyền, cầu lông. Trường này cũng cấp kinh phí cho các đội tuyển thể dục, thể thao của nhà trường từ 6 đến 12 triệu đồng/năm. Tại trường còn có 1 bể bơi di động để phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh.
Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc có đến 10 câu lạc bộ năng khiếu bao gồm các môn võ cổ truyền, bóng đá, bóng rổ, aerobic… với số lượng từ 20 – 30 em/câu lạc bộ nên cơ sở vật chất không thể đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu của học sinh.
“Gọi là khu phức hợp thể thao nhưng thực tế chỉ có 1 sân bóng rổ; còn sân bóng đá, đường chạy điền kinh vẫn chỉ là tạm bợ. Công trình này một phần có sự hỗ trợ của UBND phường Điện Ngọc trong việc làm sân nền và tường rào, còn lại chúng tôi đầu tư các trang thiết bị. Chỉ đủ để giảng dạy thể chất cho các em chứ tổ chức thi đấu thể thao thì phải thuê sân bãi bên ngoài” - thầy Lê Văn Chinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc cho biết.
Đối với Trường THPT Trần Quý Cáp (TP.Hội An), dựa trên cơ sở vật chất có sẵn, nhà trường tổ chức cho các học sinh lựa chọn môn theo năng khiếu là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, võ thuật, điền kinh.
Trường tận dụng khuôn viên sân trường để làm các sân cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền để giảng dạy và tạo sân cho học sinh rèn luyện. Ngoài ra, kêu gọi xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất thể dục thể thao được 1 máy tập cùng 8 bàn bóng bàn. Nhưng do không đủ phòng ốc, phần lớn các trang thiết bị này đành lưu cất tại kho. Thầy giáo Thái Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quý Cáp cho biết, mỗi khi tổ chức giải đấu bóng đá, cầu lông, bơi lội… thì phải đi thuê sân bãi, hồ bơi nên khá bất tiện.
“Dù được hỗ trợ cho sân bóng đá, sân cầu lông để giảng dạy nhưng số lượng học sinh hơn 1.400 em và 7 câu lạc bộ thể dục thể thao trong nhà trường thì cơ sở vật chất hiện có không đảm bảo. Và theo quy định thì vẫn chưa đáp ứng được Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, chúng tôi vẫn còn diện tích đất trống nên rất mong cấp trên quan tâm xây dựng một nhà đa năng để phục vụ dạy và học” - thầy Thanh đề nghị.
Học sinh cần nhà đa năng
Tại Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông (TP.Hội An), khu phức hợp thể thao quy mô lớn được đầu tư khá bài bản. Thầy Hiệu trưởng Lê Thành Vinh cho biết, cơ sở vật chất này đã giúp nhà trường duy trì được phong trào thể dục thể thao mạnh mẽ trong học sinh. “Có sân chơi nên các em tham gia tập luyện nhiều và thường xuyên. Điển hình là Hội khỏe Phù Đổng vừa qua chúng tôi tham gia đông nhất khối THPT với 110 vận động viên” - thầy Vinh cho biết.
Tương tự, lãnh đạo Trường THPT Núi Thành cho biết, đơn vị này có nhà đa năng cách đây chừng 10 năm. Công trình đã phát huy công năng trong việc giảng dạy bộ môn thể chất và giúp nhà trường triển khai nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, sinh hoạt ngoại khóa…
“Nhà đa năng rất hữu ích nhất là với các trường học ở khu vực miền Trung chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết. Khi tổ chức các hoạt động trong nhà đa năng sẽ đảm bảo an toàn cho sức khỏe của học sinh. Tuy nhiên, do đầu tư đã lâu nên nhà đa năng của trường có diện tích nhỏ, chỉ vừa đủ để làm 2 sân cầu lông mà thôi. Nhà đa năng nên đáp ứng đủ diện tích theo quy định của Bộ GD-ĐT và trong đó có thể làm các sân bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông và đáp ứng sức chứa khán giả khi tổ chức sự kiện thể thao” - Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành Nguyễn Tấn Triều nhìn nhận.
Hiện tại, số nhà đa năng được đầu tư tại trường học khá ít ỏi. Do vậy, các trường học thường tận dụng các sân để làm các sân tập thể thao, khiến học sinh gặp khó, hạn chế trong việc tập luyện.
Em Đinh Lê Minh Hằng (lớp 12/9, Trường THPT Trần Quý Cáp) cho biết, việc tận dụng sân trường làm nơi học tập bộ môn cầu lông là khá bất tiện. “Sân trường làm bằng bê tông nên rất dễ chấn thương và trời nắng thì ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng em. Khi tập luyện thì cầu hay bị vướng vào cây xanh hoặc gặp gió thì càng khó tập hơn. Vì vậy chúng em rất cần một nhà thi đấu đa năng để có sân chơi tốt hơn” - Minh Hằng nói.
Thông tin từ Sở GD-ĐT, hiện nay, chỉ khoảng 10% số trường học trên toàn tỉnh có nhà đa năng. Và các khu giáo dục thể chất, sân bãi cho các môn thể thao đã có nhưng phần lớn không đạt tiêu chuẩn.
“Thể thao học đường vẫn bị ghìm chân khi cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu vui chơi, rèn luyện thể chất của học sinh cũng như để giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thể thao học đường là tạo nguồn vận động viên cho thể thao thành tích cao nhưng các em lại không có môi trường tập luyện, thi đấu đạt chuẩn thì chúng ta khó phát hiện tài năng. Vì vậy rất cần tỉnh có nhiều cơ chế, đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho cơ sở vật chất về thể dục thể thao trong trường học” - đại diện Sở GD-ĐT kiến nghị.
Dù xác định đầu tư phát triển thể thao thành tích cao, tuy nhiên, Quảng Nam vẫn chưa huy động được doanh nghiệp tổ chức kinh doanh dịch vụ nhằm hướng đến mục đích này.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 300 doanh nghiệp và hộ cá thể đầu tư hạ tầng, tổ chức kinh doanh các dịch vụ thể thao. Tuy nhiên, số cá nhân, đơn vị đầu tư có chiến lược đầu tư cho học viên, hướng đến thể thao thành tích cao lại rất khiêm tốn.
Theo đuổi đam mê
Năm 2018, Công ty TNHH Phù Đổng miền Trung thuê lại khu vực hồ bơi của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung để đầu tư, cải tạo và tổ chức vận hành.
Ông Kiều Đức Nhân - Giám đốc công ty cho hay, trước khi thuê, cơ sở vật chất hồ bơi đã xuống cấp, nên công ty phải đầu tư ban đầu hơn 2 tỷ đồng để cải tạo và mua sắm trang thiết bị, máy móc chuyên dụng. Trong quá trình vận hành, công ty tiếp tục đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, nhất là sau những đợt mưa bão.
Hiện Công ty TNHH Phù Đổng miền Trung vận hành 2 hồ với mục đích khác nhau. Trong đó có một hồ bơi dành cho trẻ em với mực nước cao nhất chỉ 50cm. Bể này dùng sẽ giúp trẻ làm quen môi trường nước.
Hồ bơi còn lại của công ty là hồ đạt chuẩn thi đấu, với 8 làn bơi, chiều dài làn 50m, mực nước từ 1,1 – 1,8m. Đây là địa điểm tổ chức các giải đấu bơi lội dành cho học sinh cấp thành phố, cấp tỉnh và sắp tới là khu vực III (miền Trung).
Ông Nhân cho biết, mục tiêu của công ty ngay từ khi thành lập là đào tạo vận động viên thành tích cao. Do đó, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, công ty chú trọng đào tạo lực lượng huấn luyện viên. Bản thân ông cũng tìm tòi, nghiên cứu, tham gia nhiều khóa học chuyên sâu. Đồng thời kết nối các vận động viên, huấn luyện viên Đội tuyển Quốc gia Việt Nam để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm.
“Thời gian đầu, chúng tôi đã mời ông Shin Kuwahara (người Nhật) - HLV Trưởng đội tuyển bơi lội Việt Nam về Quảng Nam 2 tuần để giảng dạy giáo án bơi theo kiểu người Nhật. Tiếp đó, mời ông Phan Quang Minh Quân - HLV Đội tuyển bơi lội Việt Nam về hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng giáo án cũng như tham gia khóa tập huấn do HLV bơi cao cấp James Gibson - Liên đoàn bơi thế giới giảng dạy. Qua những buổi học, trao đổi, tôi tích lũy kinh nghiệm, xây dựng được giáo án dạy phù hợp và có thể hướng dẫn lại cho nhân viên trong công ty” - ông Nhân cho biết.
Hiệu quả trong việc đào tạo học viên của công ty thể hiện rõ qua thành tích của CLB Bơi thành tích cao Phù Đổng. Ông Nhân chia sẻ, bước vào đào tạo chuyên nghiệp từ 3 năm nay, CLB có hơn 30 thành viên là các em học sinh có tố chất, đam mê bơi thành tích cao và được phụ huynh ủng hộ. Những năm qua, các cuộc thi bơi lội cấp thành phố, cấp tỉnh, thành viên CLB đều đoạt giải cao. Sắp tới, nhiều em sẽ đại diện cho tỉnh thi đấu giải cấp khu vực.
Còn nhiều khó khăn
Hiện tại, môn bơi lội và các môn thể thao tốc độ đều đòi hỏi quá trình tập luyện ở cường độ cao. Vận động viên phải mất nhiều năm tập luyện và kiên trì đi theo giáo án. Do đó, để đào tạo được một vận động viên thành tích cao thì không dễ dàng, nhất là khi phụ huynh phải bỏ ra kinh phí khá lớn để con mình theo đuổi đam mê.
“Nếu vận động viên chuyên nghiệp vào biên chế, được hưởng lương thì kinh phí tập luyện, thi đấu sẽ được nhà nước đầu tư. Tuy nhiên tham gia thành tích cao ở mức phong trào thì kinh phí sẽ do phụ huynh đóng vào. Theo đuổi thành tích cao đường dài đòi hỏi phụ huynh thực sự tâm huyết và đam mê. Chỉ một số ít vận động viên có tố chất, năng lực thực sự thì mới đủ điều kiện tuyển vào các trung tâm huấn luyện lớn” - ông Nhân nói.
Nhìn nhận từ các đơn vị kinh doanh dịch vụ, trong lĩnh vực thể thao, việc theo đuổi thành tích cao đều cần kinh phí đầu tư cũng như tâm huyết. Riêng với bơi lội, dù các thành viên CLB Bơi thành tích cao Phù Đổng đang thể hiện khả năng vượt trội so với học sinh trong tỉnh, tuy nhiên khi ra sân chơi tầm khu vực sẽ còn khoảng cách rất xa. Nhiều tỉnh thành đầu tư bơi thành tích cao nhiều năm nay, trong khi ở Quảng Nam, lĩnh vực này còn rất mới mẻ.
Ngoài kinh phí, vận động viên non kinh nghiệm thì khó khăn cho việc đầu tư thể thao thành tích cao ở Quảng Nam còn nằm ở việc thiếu cơ sở vật chất chuyên dụng, thiết bị hỗ trợ. Quảng Nam cũng thiếu các HLV đẳng cấp, có những giáo án chuyên sâu để vận động viên nâng cao trình độ, hệ thống giải đấu chưa nhiều, nội dung thi đấu chưa phong phú… Những hồ bơi đạt chuẩn thi đấu thì lại càng hiếm hoi. Từ đó, thu hẹp sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh trong việc theo đuổi thể thao thành tích cao.
Thúc đẩy thể thao thành tích cao ở lứa tuổi học đường, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, sự đầu tư từ phụ huynh thì rất cần các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước. Phát triển môn thể thao trọng điểm cho đến tuyển chọn, đào tạo thế hệ vận động viên tài năng từ sân chơi phong trào, là cách duy nhất để gặt hái thành công trong những giải đấu cấp khu vực và trong nước.
Làm gì để thiết chế thể thao cộng đồng góp phần bổ trợ để phát triển thể thao học đường là điều đặt ra cho nhiều địa phương.
Thiếu thiết chế cộng đồng
Sau 5 giờ chiều mỗi ngày, sân bóng rổ thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh sôi động với phần tập luyện, giao lưu giữa những người yêu thích bộ môn này. Trong đó, phần lớn là học sinh cấp 2, cấp 3 trên địa bàn TP.Tam Kỳ.
Đến với môn bóng rổ gần 5 năm nay, ngoài tập luyện tại sân thể thao của trường, Nguyễn Lương Thạch - Trường THPT Trần Cao Vân chọn sân bóng rổ tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh để tập luyện, giao lưu.
“Sân bóng này đáp ứng được các tiêu chuẩn của sân bóng rổ chuyên nghiệp, không gian mở nên em thích tập luyện ở đây hơn. Hơn nữa, được giao lưu với nhiều người có cùng sở thích, em cảm thấy hứng thú rất nhiều và giảm căng thẳng sau giờ học” - Lương Thạch chia sẻ.
Ngay trên địa bàn TP.Tam Kỳ, hiện vẫn chưa nhiều không gian miễn phí như sân bóng rổ này để các em tập luyện, giao lưu. Đối với các môn thể thao khác như bóng đá, bơi lội, cầu lông, bóng bàn… thì càng khó, trừ tập luyện ở trường thì các em đều phải tốn phí thuê sân, hồ bơi tư nhân để luyện tập.
“Em mong muốn có thêm những sân thể thao cộng đồng với những môn thể thao phù hợp để chúng em được nâng cao thể chất sau những giờ học trên trường.
Em Nguyễn Lương Thạch
Ông Trần Văn Hà - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết, hiện TP.Tam Kỳ đặt mục tiêu 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học phải biết bơi và biết chơi ít nhất một môn thể thao.
Từ định hướng này, chất lượng thể thao học đường được nâng cao.
Tam Kỳ cũng hướng đến phổ cập bơi lội cho học sinh với việc phối hợp cùng Tổ chức Swim Việt Nam tổ chức dạy bơi lội miễn phí cho học sinh 4 xã vùng đông.
Tại Nhà văn hóa thành phố, Phòng GD-ĐT cũng phối hợp tổ chức các lớp dạy bơi với mức học phí thấp để hỗ trợ các em. Từ những lớp bơi này, các em học sinh được rèn luyện sức khỏe, phòng chống đuối nước và tham gia các cuộc thi về bơi lội.
Tuy nhiên, kết quả đạt được của phong trào thể thao học đường Tam Kỳ chủ yếu dựa vào sự trang bị, tập luyện ở các trường, sự đầu tư của phụ huynh, còn vai trò của các thiết chế thể thao cộng đồng vẫn chưa hỗ trợ nhiều.
Chờ nguồn lực từ nông thôn mới?
Tại huyện Duy Xuyên, những năm qua phong trào thể thao học đường rất phát triển, được ghi nhận tại các Hội khỏe Phù Đổng, giải thể thao học sinh hay Giải việt dã Báo Quảng Nam mở rộng…
Ông Nguyễn Hữu Sáu - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên cho biết, có được thành tích này là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của thầy trò các trường. Các trường chú trọng đến công tác giáo dục thể chất cho học sinh, tăng cường các thiết bị dạy học, tuy nhiên vẫn còn hạn chế nhất định.
Duy Xuyên hiện có 7 hồ bơi trong trường học nhưng chỉ để tập cho các em biết bơi phòng chống đuối nước. Còn với những em có năng khiếu, tập luyện thi đấu thì hồ bơi của trường chưa đáp ứng được, phải thuê hồ tư nhân.
Hay với môn thể thao khác cũng chủ yếu tập luyện trong nhà trường, các thiết chế thể thao cộng đồng chưa hỗ trợ được nhiều. Có chăng những không gian cộng đồng chỉ phát huy ở bộ môn điền kinh và gần đây là môn bóng chuyền.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tiến hành khảo sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 – 2020 tại nhiều địa phương trong cả nước. Nội dung này được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia và dư luận xã hội lâu nay đặc biệt quan tâm khi thời gian qua, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả.
Các lý do được đưa ra: nhu cầu và thị hiếu của người dân đã và đang thay đổi, trong khi thiết chế văn hóa, thể thao các cấp chưa bắt nhịp kịp để đổi mới phương thức hoạt động, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của người dân; Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu đô thị chưa được chú trọng đầu tư đúng mức; Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao một số nơi chưa được quan tâm quy hoạch… (L.Q)
“Mong rằng, nhà nước sẽ quan tâm đầu tư các thiết chế thể thao cộng đồng với các trang thiết bị phù hợp, nhất là việc xây dựng hồ bơi, các sân bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… đáp ứng được nhu cầu phát triển thể chất của học sinh, thúc đẩy mục tiêu giáo dục toàn diện. Qua đó cũng góp phần phát hiện, đào tạo những tài năng thể thao của địa phương” - ông Sáu nói.
Hiện nay, trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương bố trí nguồn lực để xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao cộng đồng. Nhiều địa phương hy vọng thời gian tới, với sự đầu tư, trang bị các thiết bị thể thao phù hợp, các thiết chế thể thao cộng đồng sẽ phát huy hiệu quả. Nó sẽ thật sự trở thành điểm đến, sân chơi bổ ích thu hút thanh thiếu niên, học sinh tham gia, tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ.
Nội dung: ANH SẮC - HOÀNG ĐẠO - ĐÔNG YÊN - HỒ QUÂN - MỸ LINH
Trình bày: MINH TẠO