(QNO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian gần đây nhiều người đã chọn xe đạp như một giải pháp tập thể dục an toàn, dẫn đến nhu cầu sử dụng xe đạp tăng mạnh, trở thành trào lưu và ngày càng được nhiều người yêu thích.
Tiêu thụ mạnh
Khảo sát tại nhiều điểm bán xe đạp trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, tình hình mua bán diễn ra khá sôi động. Nếu trước đây, đối tượng mua xe chủ yếu là học sinh thì nay đã mở rộng hơn từ giới trẻ cho đến những người lớn tuổi. Nhu cầu tăng cao khiến giá xe đạp tăng 10-20% so với năm ngoái, nhưng doanh thu bán ra nhiều cửa hàng vẫn tăng gấp đôi, gấp ba.
Chị Nguyễn Thị Diễm Thúy - chủ cửa hàng xe đạp Sotra Bike (Đà Nẵng) cho biết những năm trước các mẫu xe đạp thường bán khá chậm, nhất là vào mùa nắng nóng, nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, lượng xe tiêu thụ lại tăng mạnh. Nếu ngày bình thường chỉ bán 3-4 chiếc/ngày, thì nay mỗi ngày bán được hơn 10 chiếc, cao điểm lên đến 20 chiếc. “Hàng nhập về liên tục nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của khách, một số mẫu vừa về chưa kịp lắp ráp đã có người đặt mua” - chị Thúy cho biết
Theo anh Trần Hồng Anh - chủ cửa hàng xe đạp Phượng Dũng (Phan Chu Trinh –TP.Tam Kỳ) hiện nay bán chạy nhất là các sản phẩm phân khúc tầm trung như thương hiệu Galaxy, Gmindi, Fornix… Các dòng xe này có kiểu dáng thể thao, khung sườn làm từ hợp kim nhôm, trang bị bộ đề Shimano, phanh đĩa trước, sau, giá dao động từ 3,5 đến 6 triệu đồng/chiếc.
Đối với những dòng xe cao cấp hơn giá bán có thể từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng, phân khúc này hầu như dành cho những người đam mê thể thao bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp. “Mỗi dòng xe, mỗi thương hiệu đều có những đặc điểm, ưu điểm nổi bật riêng. Tùy vào khả năng và sở thích mà khách hàng có thể cân nhắc đưa ra lựa chọn phù hợp” - anh Anh chia sẻ.
Nắm bắt xu hướng khách hàng, các chủ cửa hàng cũng nâng cao lợi thế cạnh tranh khi thường xuyên cập nhật mẫu mã, giá thành xe trên hội, nhóm các kênh thương mại điện tử như Lazada, Shopee... cung cấp các dịch vụ mua xe đạp trả góp 0 đồng, bảo trì tận nhà, giao hàng toàn quốc để khách hàng có nhiều sự lựa chọn và được phục vụ tốt hơn.
Trào lưu lành mạnh
Thời gian này, vào lúc sáng sớm hay chiều tối hình ảnh người đạp xe trên phố đã không còn xa lạ Với nhiều người, việc đạp xe không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn muốn thoát ra những bức bí của phố phường chật chội.
Chị Lê Thị Mai (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) cho biết, trước đây chị thường chạy bộ, tập gym, yoga mỗi ngày. Từ khi dịch bùng phát chị mua một chiếc xe đạp giá 4 triệu đồng để duy trì thói quen tập luyện. “Tôi thường đạp xe vào 5 giờ sáng mỗi ngày, khi đó đường rộng và ít xe cộ. Bình quân mỗi ngày tôi đạp 2 tiếng đồng hồ vừa nâng cao sức khỏe, thư giãn đầu óc vừa tránh tụ tập nơi đông người để phòng chống dịch” - chị Mai nói.
Phong trào đạp xe khám phá thiên nhiên và lưu lại hình ảnh để đăng facebook, zalo, làm kỉ niệm cũng được các bạn trẻ rất hào hứng. Với vị trí thuận lợi cùng nhiều cảnh quan đẹp, nhiều địa điểm du lịch tại Quảng Nam đang là nơi được nhiều người lựa chọn khám phá như đồi Bồ Bồ (Điện Tiến, Điện Bàn), Hội An, Lò gạch cũ (Duy Vinh, Duy Xuyên)… Từ niềm vui tìm về thiên nhiên hoang sơ này, đã tạo hứng khởi cho mọi người thường xuyên tham gia phong trào đạp xe.
Hiện nay, có rất nhiều CLB, hội nhóm giao lưu của những người đam mê xe đạp trên mạng xã hội. Nhiều CLB có số lượng thành viên lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người. Theo anh Lương Đỗ Phương Anh – thành viên sáng lập Hội những người thích đạp xe Đà Nẵng, vào những ngày cuối tuần, nhóm sẽ tổ chức những lộ trình dài từ 40-50km, khám phá nhiều điểm tham quan ở Quảng Nam.
“Để chinh phục những lộ trình xa, dốc hay có độ khó cao người đi phải lựa chọn loại xe phù hợp và mang theo đầy đủ phụ kiện, hoặc phải đi cùng những người có kinh nghiệm, quen tuyến đường để được hỗ trợ khi có sự cố. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp này chúng tôi khuyến cáo các thành viên nên đi từng nhóm nhỏ nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch” – anh Anh nói.