Sôi động vụ cá chính

NGUYỄN QUANG VIỆT 07/04/2016 09:56

Những ngày qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh rộn ràng ra khơi, bước vào vụ sản xuất chính (từ ngày 1.4 đến 30.9). Ngành thủy sản cũng khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ, tiếp sức ngư dân sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc.

Vào vụ mới

Nhiều khu neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh những ngày qua sôi nổi hẳn bởi tàu thuyền tấp nập chuẩn bị điều kiện cần thiết, nhổ neo vươn khơi. Tại thôn Đông Tuần (xã Tam Hải, Núi Thành), hàng trăm ngư dân tiếp nhiên liệu, đá cây, khiêng vác lương thực, thực phẩm, bình gas xuống tàu. “Tôi dự kiến sẽ sản xuất trên biển 15 - 20 ngày nên cần 4 tấn dầu, 1 nghìn cây đá, chi phí hết gần 60 triệu đồng. Tàu cá của tôi vươn khơi với 15 lao động, lượng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đòi hỏi phải tốn gần 20 triệu đồng mới trang trải đủ. Chúng tôi rất kỳ vọng vào chuyến biển đầu vụ này” - ngư dân Nguyễn Nghiệp (thôn Đông Tuần) cho biết. Ông Nghiệp được các ban ngành ở trung ương và tỉnh tặng nhiều bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Tàu cá QNa-90747 có công suất 360CV, luân phiên hành nghề lưới vây ngày và lưới vây ánh sáng. Thu được giá trị kinh tế cao trong vài năm gần đây nên ông Nghiệp có nguồn lao động dồi dào. “Trong năm vừa rồi, có lần tàu chúng tôi thu được đến 35 tấn cá ngừ và cá nục sau 15 ngày sản xuất. Sau khi trừ chi phí, bạn biển được chia hơn 20 triệu đồng, còn lại chủ tàu thu được hơn 200 triệu đồng. Năm nay cá nục được giá hơn nên chúng tôi rất tin tưởng thu được giá trị kinh tế cao” - ông Nghiệp nói.

Ngư dân sửa lại ngư lưới cụ để ra khơi sản xuất vụ cá chính. Ảnh: N.Q.V
Ngư dân sửa lại ngư lưới cụ để ra khơi sản xuất vụ cá chính. Ảnh: N.Q.V

Tại xã Bình Minh (Thăng Bình), đông đảo ngư dân thuê xe lớn, vận chuyển ngư lưới cụ và các nhu yếu phẩm đến bến cá Duy Hải (Duy Xuyên) rồi khiêng vác lên tàu đang neo đậu tại đây để nhổ neo, vươn khơi. Vào vụ sản xuất chính nên không khí rất nhộn nhịp. “Các năm gần đây nghề chụp mực đều cho sản lượng khá. Giá cả cũng phải chăng nên thu được giá trị kinh tế cao. Tôi và bạn biển rất hồ hởi với chuyến biển này” - ngư dân Trần Công Mậu (thôn Tân An, xã Bình Minh) nói. Ông Mậu là chủ tàu cá QNa-94141 có công suất 260CV theo nghề chụp mực từ hơn 3 năm nay.

Cách bến cá Duy Hải không xa, bên kia cầu Cửa Đại, ngư dân TP.Hội An cũng rộn ràng vào vụ mới. “Tôi sản xuất kiêm nghề câu cá hố ở vụ cá bắc và theo nghề lưới rê hỗn hợp ở vụ cá chính này. Vụ vừa qua, câu cá hố không đạt sản lượng cao nên tôi và 10 bạn biển có thu nhập thấp. Chừ trở lại với nghề lưới rê hỗn hợp, anh em trên tàu dành hết tâm sức cho chuyến biển mới này” - ngư dân Phạm Văn Trung (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại), chủ tàu cá QNa-92106 có công suất 250CV cho biết. Ông Trung tin tưởng vào thành công của nghề lưới rê hỗn hợp nhờ sản phẩm chính của nghề này là cá thu có giá trị kinh tế rất cao. Tầm quét của vàn lưới nghề này có phạm vi rộng, bám sâu vào nhiều tầng nước nên hầu như thu trọn luồng cá nếu dò tìm đúng ngư trường. Cách bảo quản sản phẩm trên tàu cá QNa-92106 cũng đã được nâng cao nhờ cải tiến hầm bằng công nghệ mới.

Tiếp sức ngư dân

Giải ngân 200 tỷ đồng vốn vay giúp ngư dân đóng tàu theo Nghị định 89
Hiện tại, ngành thủy sản đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 89/92 ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 89. Trong số đó có 82 tàu khai thác hải sản, 7 tàu thực hiện hậu cần trên biển (57 tàu vỏ thép, 2 tàu composite và 30 tàu vỏ gỗ). Ngoài ra, 10 ngư dân cũng đã nhận được quyết định nâng cấp, tăng công suất tàu cá từ 400CV trở lên. Hiện tại, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng, cam kết cho ngư dân vay đóng mới 37 tàu cá (19 tàu vỏ gỗ và 18 tàu vỏ thép), đạt 41,7%  số tàu cá được phê duyệt với tổng giá trị cam kết đầu tư cho vay là 350 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 200 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, ngành thủy sản chú trọng triển khai công tác dự báo ngư trường để tiếp sức ngư dân sản xuất hiệu quả. “Bước vào vụ sản xuất chính, công tác điều tra, thu mẫu các đối tượng hải sản cho sản lượng cao ở các ngư trường sản xuất được triển khai rốt ráo hơn. Trên cơ sở thu thập số liệu cộng với tiếp nhận dự báo nguồn lợi từ Trung ương, chúng tôi tổng hợp và đưa ra nhận định, dự báo ngư trương có thể cho sản lượng hải sản cao rồi gửi bản tin đó đến các xã ven biển để ngư dân tham khảo, tổ chức chuyến ra khơi của mình được tốt hơn” - ông Giỏi nói.

Theo ông Giỏi, ở hầu hết xã ven biển có nghề cá, ngành thủy sản của tỉnh đều mời đội ngũ cán bộ thủy sản làm cộng tác viên. Họ chuyên thu thập sản lượng khai thác cũng như các loài hải sản hoạt động mạnh ở các ngư trường, tập hợp lại cộng với công cụ phân tích đặc trưng của ngành để đưa ra dự báo khoa học về ngư trường, giúp ngư dân tổ chức sản xuất hiệu quả hơn. Ông Giỏi cho biết, trong tháng 4 này, ngành thủy sản cũng sẽ khẩn trương triển khai hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giúp ngư dân an tâm bám biển.

Theo Sở NN&PTNT, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong vụ sản xuất chính này là giúp ngư dân tổ chức lại sản xuất trên biển, đẩy mạnh tái cơ cấu nghề cá. Để thực hiện điều đó, một mặt ngành thủy sản chú trọng triển khai nhanh Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản để tăng số lượng tàu lớn, đặc biệt là tàu vỏ thép, qua đó nâng cao năng lực sản xuất trên các vùng biển xa. Mặt khác, đảm bảo phát triển đồng bộ nghề cá, từ chất lượng đội tàu, cơ sở hậu cần, dịch vụ nghề cá, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất cho đến bảo quản, chế biến hải sản cũng như đào tạo nguồn nhân lực, hướng đến sản xuất hiệu quả và bền vững. “Chúng tôi đang tham mưu UBND tỉnh lập hồ sơ đề xuất Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng các cảng cá, bến cá ở các địa bàn trọng điểm là Tam Quang (Núi Thành), Bình Minh (Thăng Bình) và Cửa Đại (Hội An), tạo cơ sở phát triển dịch vụ hậu cần, thương mại, làm cú hích thúc đẩy nghề cá phát triển mạnh, ổn định. Cùng với đó là thu hút đầu tư để doanh nghiệp xây dựng cơ sở đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, giúp ngư dân không phải đến tỉnh bạn mới đóng được tàu” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sôi động vụ cá chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO