Sôi nổi nhiều phong trào

ANH ĐÔNG 10/09/2015 09:35

Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ Quảng Nam luôn nêu cao tinh thần “trung hậu đảm đang”, thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước do phụ nữ phát động và triển khai thực hiện.

Hội LHPN tỉnh trao tặng giấy khen cho các cá nhân trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua.             Ảnh: ANH ĐÔNG
Hội LHPN tỉnh trao tặng giấy khen cho các cá nhân trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua. Ảnh: ANH ĐÔNG

Nói đi đôi với làm

Theo bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, xác định thi đua là động lực, là đòn bẩy để thúc đẩy phong trào phát triển, 5 năm qua các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về các phong trào thi đua. Thông qua các hoạt động, các cấp hội đã tập hợp đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, đẩy mạnh các phong trào thi đua với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Nhờ đó, các phong trào thi đua đã có sức lan tỏa rộng khắp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của từng địa phương. Trong đó, có những phong trào đã tạo được “thương hiệu” và sức lan tỏa sâu rộng trong hội viên phụ nữ, như: phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” với nội dung phù hợp, thiết thực được các cấp hội tiếp tục tập trung chỉ đạo gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang” và các nhiệm vụ trọng tâm của hội…

Một trong những phong trào thi đua do phụ nữ Quảng Nam phát động thực hiện đạt hiệu quả cao, đó là phong trào thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Qua phong trào này, từ năm 2010 đến nay, phụ nữ toàn tỉnh đã vận động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức như: giúp ngày công lao động, cây con giống, phương tiện sinh kế, vàng và tiền mặt... trị giá trên 20 tỷ đồng. Đã có trên 50 nghìn lượt phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp đỡ. Trong đó, đã hỗ trợ xây dựng 378 nhà, sửa chữa 124 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. Các cấp hội toàn tỉnh đã tín chấp và nhận ủy thác hơn 1.400 tỷ đồng cho trên 67 nghìn hộ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo. Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, bà Lộc cho biết: “Tính hệ thống, kết nối chặt chẽ từ phát động, phổ biến nội dung thi đua đến vận động chị em đăng ký thực hiện; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các điển hình, chính là điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của hội thời gian qua”.

Điểm sáng từ cơ sở

Rất khó để kể hết những gương cá nhân hay tập thể phụ nữ có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực của đời sống xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, thông qua một vài cá nhân điển hình ở cơ sở để thấy rõ hơn tính hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua. Trường hợp của chị Võ Thị Chút (xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) là một ví dụ điển hình trong việc hỗ trợ giúp đỡ những phụ nữ kém may mắn. Bản thân trước đây cũng là một phụ nữ luôn chật vật với “cơm áo gạo tiền”, nhưng nhờ dám nghĩ dám làm, chị Chút đã tạo dựng nên một cơ sở thu mua và sản xuất bột quế có tiếng tại Tiên Phước. Đặc biệt, chị đã giúp đỡ cho rất nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, nổi bật là tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động nữ. Hiện nay, cơ sở của chị Chút tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động (chủ yếu là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn) với mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Còn những ngày cao điểm (khoảng từ tháng 3 đến tháng 9), mỗi ngày cơ sở có 10 - 15 lao động làm việc. Nhờ thu nhập ổn định, một số chị em làm lâu năm tại cơ sở chị Chút đã vươn lên thoát nghèo. Không chỉ tạo việc làm cho phụ nữ, chị Chút còn là hội viên phụ nữ tích cực tham gia mọi hoạt động, phong trào của phụ nữ. Hàng năm, chị Chút bỏ tiền túi, hoặc “nuôi heo đất” để cuối năm làm từ thiện, tặng quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo ở địa phương. Đặc biệt, chị còn cho không những chị em khó khăn luân phiên canh tác trên diện tích 2.500m2 đất lúa của gia đình.

Cũng xuất sắc và đảm đang không kém, chị Nguyễn Thị Kim Hoa, một giáo viên ở xã Bình Quý (Thăng Bình) lại là điển hình trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Năm 2012, chị Hoa được bà con trong tổ dân cư số 8, thị trấn Hà Lam bầu làm trưởng ban giám sát xây dựng tuyến đường bê tông dài gần 300m tại địa phương. Khi đó số tiền người dân phải đóng góp để xây dựng đoạn đường là khoảng 30 triệu đồng. Đoạn đường có tổng cộng 19 hộ dân hưởng lợi, tuy nhiên phần lớn khó khăn nên việc huy động “sức dân” là bài toán khó. Sau nhiều lần suy nghĩ, chị Hoa đã quyết tâm đi vận động mọi người theo biện pháp “cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, bắt đầu từ 5 gia đình cán bộ, công chức làm gương đóng góp mỗi hộ 2 triệu đồng. Số tiền còn lại đều trên tinh thần tự nguyện. Sau 5 đêm ròng vận động, bà con đã vui vẻ đóng góp được 15 triệu đồng. Số tiền còn lại chị Hoa cùng anh em trong tổ đi vay từ hội phụ nữ xã để bù vào cho những hộ có sức lao động nhưng không có tiền nộp. Nhờ sáng kiến và sự chịu khó, nhiệt tình của chị Hoa nên đoạn đường đã hoàn thành trong niềm vui của người dân nơi đây.

ANH ĐÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sôi nổi nhiều phong trào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO