Nam Trà My đang thực hiện sắp xếp lại các khu dân cư để ổn định đời sống nhân dân, góp phẩn đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Các khu dân cư dần hình thành, nhưng vẫn còn đó những khó khăn.
Lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra tình hình đời sống của bà con ở thôn Long Túc, xã Trà Nam. Ảnh: T.L |
Là địa bàn miền núi có mật độ dân cư sinh sống thưa thớt, việc đầu tư hạ tầng rất khó khăn. Vì vậy, huyện Nam Trà My tiến hành quy hoạch, sắp xếp 224 khu dân cư hiện nay xuống còn 117 khu để tạo bước đột phá về dân sinh. Trong năm 2017 đã có 14 khu dân cư được khởi động xây dựng với 802 hộ dân tại 10 xã. Tổng kinh phí thực hiện hơn 71 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đầu tư khoảng 49,2 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục hạ tầng dân sinh như đường giao thông, nước sinh hoạt tập trung, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa, công trình thủy lợi, hỗ trợ san nền, làm nhà, làm công trình vệ sinh, kéo điện và làm chuồng trại chăn nuôi... còn lại khoản kinh phí 21,8 tỷ đồng được huy động từ nhân dân bằng hình thức đóng góp công tham gia thực hiện. Mỗi hộ dân khi ra ở khu dân cư mới sẽ được bố trí diện tích đất khoảng 500m2, trong đó đất ở chiếm khoảng 60m2, còn lại là đất vườn. Việc quy hoạch dân cư ở Nam Trà My là giãn dân ở những ngôi làng đông đúc hoặc kéo gần các hộ dân sống rải rác ở các sườn núi.
Mục đích sắp xếp lại các khu dân cư là nhằm tạo không gian sinh sống, chăn nuôi, sản xuất cho từng hộ và thuận tiện cho việc triển khai đầu tư các công trình phục vụ dân sinh như điện, đường, trường trạm. “Chúng tôi tiến hành sắp xếp lại dân cư sao cho hợp lý để đầu tư cơ sở hạ tầng giúp bà con có điều kiện sống tốt hơn” - ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết. Chính sách này được người dân ủng hộ, nhiều người hiến đất đai để chia sẻ với những gia đình từ nơi khác đến để hình thành những khu dân cư đông đúc. Trong quá trình triển khai san nền đất, rào vườn, làm chuồng trại, bà con đoàn kết giúp nhau vần đổi công lao động để đảm bảo tiến độ trước mùa mưa năm nay. “Điều khác biệt ở đây chính là chúng tôi để bà con tự làm, chính quyền chỉ định hướng và giúp đỡ trong việc san lấp mặt bằng hay dựng nhà mà thôi. Khi họ chọn được vị trí thích hợp sẽ đăng ký với chính quyền địa phương, từ đó xem xét và hỗ trợ hoàn thành nơi ở mới. Điều quan trọng là bà con đồng tình ủng hộ, sẵn sàng chia sẻ giúp nhau” - ông Bửu nói thêm.
Khu tái định cư Long Túc ở thôn 5, xã Trà Nam đã trở thành khu dân cư tọa lạc trên diện tích hơn 10ha với hệ thống giao thông, trường học ở ngay bên cạnh. Ông Hồ Văn Nên cho biết, trước đây gia đình ông ở tít trên sườn núi, không có đường giao thông đi lại nên sinh hoạt rất khó khăn. “Khi nghe huyện vận động xuống đây, tôi rất lo lắng vì không biết lấy đất đâu dựng nhà. Nhưng nhờ có bà con chia sẻ, giúp đỡ, giờ gia đình tôi đã dựng được ngôi nhà mới kiên cố rồi” - ông Nên cười nói. Còn tại làng Măng Dí (thôn 1 xã Trà Nam), bà con tích cực triển khai thực hiện việc san nền, dời nhà, rào vườn để định cư lâu dài. Ông Hồ Văn Nam ở làng Măng Dí cho biết: “Trước đây bà con lập làng trên vách núi nên cuộc sống khó khăn đủ bề. Trẻ em đi học cực khổ. Người dân ốm đau phải cõng bộ băng rừng ra trạm xá. Nay được Nhà nước quan tâm sắp xếp lại làng nóc, bà con thấy rất thuận tiện. Cả làng ai cũng mừng và hưởng ứng hết mình, chỉ mong sắp tới đây Nhà nước sớm kéo điện, xây dựng trường học kiên cố để người dân có cuộc sống tốt hơn”.
Các khu dân cư đã dần hình thành, hệ thống giao thông cũng đã được xây dựng, chỉ còn thiếu điện, nước sinh hoạt nữa là hoàn thiện. Đó cũng là cái khó của huyện hiện nay. “Không ngờ bà con lại thực hiện nhanh quá, kinh phí phân bổ chưa kịp thời. Trong thời gian tới, địa phương sẽ cố gắng để hoàn thiện những mục này để người dân an cư lạc nghiệp” - ông Bửu cho hay.
TUỆ LÂM