Sớm có giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa

VĂN HIẾU 01/06/2022 13:50

(QNO) - Sáng nay 1.6, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước thảo luận tại hội trường sáng 1.6. Ảnh: V.HIẾU

Về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH), Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước ví DSVH như tấm gương phản chiếu lịch sử hình thành vùng đất, con người, có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc và cố kết cộng đồng bền chặt. DSVH không dễ hình thành, lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài. Đây không còn là nhiệm vụ của một cấp, một ngành hay riêng địa phương, đơn vị nào mà là của quốc gia, của dân tộc.

Song đại biểu Dương Văn Phước nhìn nhận, thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy DSVH của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu do việc triển khai pháp luật về DSVH chưa nghiêm, công tác quản lý di tích nhiều nơi bị buông lỏng; sự điều tiết giữa bảo tồn và phát huy giá trị DSVH gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội chưa thật hài hòa, đã làm cho nhiều di tích bị lạm dụng, xâm phạm nghiêm trọng.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, mỗi DSVH là bức thông điệp mà tổ tiên, các thế hệ đi trước để lại cho các thế hệ hôm nay và cả mai sau, ghi dấu lịch sử oai hùng, các giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc rất cần được trân trọng giữ gìn như những báu vật quốc gia. Thế nhưng đôi khi “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” khi thực trạng một số DSVH bị đối xử tệ hại.

Đại biểu Dương Văn Phước dẫn chứng, di tích “Cột cờ Hà Nội” không chỉ là một trong những di tích lịch sử lâu đời mà còn là điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến hành trình khám phá lịch sử đất Hà thành. Vậy tại sao một di tích quốc gia có giá trị lịch sử, văn hóa, một biểu tượng cao đẹp giữa lòng thủ đô Hà Nội, rất xứng đáng nhận được sự tôn nghiêm, trân trọng của mỗi người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế lại để việc buôn bán vây chặt, nham nhở, làm thiếu đi sự tôn nghiêm vốn có của di tích, làm mất mỹ quan của thủ đô ngàn năm văn hiến? Đại biểu đề nghị Bộ VH-TT&DL và TP.Hà Nội quan tâm chỉ đạo, trả lại không gian tôn nghiêm vốn có của di tích, để “Cột cờ Hà Nội” mãi là biểu tượng vinh quang, là niềm tự hào của dân tộc.

Vấn đề nguồn lực bảo tồn DSVH luôn là trăn trở và là trở ngại lớn, nếu không trùng tu, bảo tồn di tích kịp thời thì nhiều DSVH sẽ biến mất nhanh chóng; trong đó có DSVH thế giới - Đô thị cổ Hội An, được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Công tác tu bổ, sửa chữa, gia cố thường xuyên di sản này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Cùng với các yêu cầu cao về kỹ thuật, vật liệu tu bổ thì quy trình thủ tục tu bổ, tôn tạo di tích phải tuân thủ nghiêm Nghị định 166/2018. Các quy định này là rất cần thiết, tránh việc tùy tiện xâm hại di tích.

Tuy nhiên, khi áp dụng ở Hội An lại gặp rất nhiều khó khăn, bởi Khu phố cổ Hội An được cấu thành từ 1.300 di tích, trong đó có các công trình nhà ở, nhà thờ, đình chùa… thuộc sở hữu tư nhân và tập thể. Hiện nhiều công trình đang có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân sống trong những ngôi nhà cổ này. Song, việc áp dụng đúng quy trình, thủ tục quy định trên mất rất nhiều thời gian, phải xin ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành, rất khó khăn cho công tác tu bổ thường xuyên, khẩn cấp. Đại biểu đề nghị Bộ VH-TT&DL, các bộ, ngành chức năng sớm tham mưu Chính phủ có cơ chế linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Nam kịp thời tu bổ, tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn DSVH thế giới Hội An.

Để giải quyết tất cả vấn đề trên, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các DSVH. Bảo vệ DSVH phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phải có quy hoạch cụ thể việc bảo tồn, tu bổ, phát huy các DSVH nói chung, DSVH thế giới nói riêng. Cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm, có tâm, đảm bảo làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Đồng thời quy định chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi hủy hoại, xâm phạm di sản.

Việc phát huy các giá trị DSVH phải đi đôi với việc bảo tồn, quản lý và tôn tạo các di sản, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ quy định cụ thể việc thu phí tham quan chỉ để chi vào việc quản lý và phát huy các DSVH mà không tính vào ngân sách nhà nước (theo Điều 58 Luật DSVH; Điều 17 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21.9.2017 của Chính phủ).

Vì theo đại biểu, di tích là tài sản của nhân dân, bản chất nguồn thu phí tham quan di tích là khách du lịch chi trả. Nhưng thực tế hiện nay, nguồn thu phí tham quan này lại nộp vào ngân sách, được sử dụng để xác định số thu ngân sách địa phương, cân đối chung cho chi thường xuyên và chi đầu tư, không được sử dụng để chi cho hoạt động bảo vệ và quản lý DSVH theo quy định của Luật DSVH.

Thêm một vấn đề đại biểu Dương Văn Phước quan tâm, đó là hiện nay giáo dục lịch sử cho học sinh trường phổ thông đã đưa vào chương trình cải cách giáo dục, thế nhưng chưa có cơ chế khuyến khích trong công tác dạy và học môn này, như miễn thu phí vé tham quan các di tích lịch sử cho học sinh phổ thông, để các em có cơ hội chiêm ngưỡng các di tích. Theo đại biểu, điều này còn có giá trị hơn ngàn trang sách, để các thế hệ học sinh phổ thông yêu thích môn lịch sử, hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sớm có giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO