Việc đưa điện lưới quốc gia ra Cù Lao Chàm sớm muộn gì cũng phải thực hiện, nhưng càng sớm thì càng khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh nơi đây.
Cần sớm đưa điện ra Cù Lao Chàm để phát triển du lịch. Trong ảnh: Du khách tham quan Cù Lao Chàm. Ảnh: M.ĐỨC |
Cù Lao Chàm có vị trí địa lý quan trọng và tiềm năng du lịch phong phú, nhưng lưới điện nơi đây thuộc hạng kém nhất tỉnh. Ông Bùi Văn Kiều, Tổ trưởng tổ quản lý điện Cù Lao Chàm (thuộc Công ty Công trình công cộng TP.Hội An) cho biết, xã đảo Tân Hiệp có 100% hộ dân mua điện qua 614 công tơ. Tổ có 5 người vận hành 3 máy phát điện, mỗi ngày chỉ phát 6 giờ với sản lượng điện khoảng 20 nghìn kWh/tháng. Buổi trưa phát từ 11 giờ 30 đến 13 giờ, buổi chiều từ 17 giờ 30 đến 22 giờ (mùa đông); từ 18 giờ đến 22 giờ 30 (mùa hè). Do hạn chế công suất và thời gian phát nên điện chỉ dùng thắp sáng, xem ti vi, quạt mát và sinh hoạt gia đình, bình quân mỗi hộ 32kWh/tháng.
Ông Kiều cho biết thêm, 1 cụm máy phát điện đặt tại thôn Bãi Làng gồm 2 máy, tổng công suất 585kVA; 1 cụm tại Bãi Hương, 1 máy công suất 75kVA. Bên cung ứng điện đang thực hiện việc bán điện theo 3 mức giá: 15kWh đầu tiên là 2.000 đồng/kWh; 15kWh kế tiếp là 2.600 đồng/kWh, và sau đó là 3.200 đồng/kWh cho chữ điện thứ 31 trở đi. Mức giá này đã được TP.Hội An hỗ trợ và bù lỗ mỗi năm hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các máy phát điện thường hay bị hư hỏng, chất lượng điện kém. “Cù Lao Chàm đang rất cần một nguồn điện ổn định để phát triển. Đó là thứ mà người dân trên đảo rất cần” – ông Kiều nói.
Năm 2009, dự án “Hệ thống phát điện hỗn hợp pin mặt trời - diezel Bãi Hương” được xây dựng với tổng vốn 412.000USD từ chương trình Năng lượng nông thôn Việt Nam - Thụy Điển, cấp điện cho 100 hộ dân ở thôn Bãi Hương. Tổ hợp này có công suất 28kW, cấp điện áp 220V, dự kiến giá điện khoảng 1.000 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo một số người dân ở thôn Bãi Hương, đến thời điểm này các tổ hợp pin mặt trời - diezel vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chỉ phát mỗi ngày vài kWh phục vụ cho trụ sở UBND xã. Các hộ dân tại thôn Bãi Hương vẫn phải tiếp tục dùng điện từ cụm máy nổ 75kW, song thỉnh thoảng phải ngừng dùng điện ít ngày để sửa chữa máy. Một chủ nhà trọ trên đảo cho biết, với “điện đóm” thế này, các tour du lịch thường đến rồi đi trong ngày, rất ít khi có khách ở lại ban đêm trên đảo.
Xây dựng Cù Lao Chàm trở thành một xã đảo giàu về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng là khát vọng của người dân. Bài toán cấp điện cho xã đảo có nhiều lời giải, nhưng đáp án tối ưu, hiệu quả nhất vẫn là việc đưa điện lưới quốc gia ra đảo như đã làm ở Cát Bà, Phú Quốc và đang làm ở Lý Sơn… Việc đưa điện lưới quốc gia ra Cù Lao Chàm sớm muộn gì rồi cũng phải thực hiện, nhưng càng sớm thì càng khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh nơi đây. Khó khăn lúc này không phải là khoảng cách giữa đất liền với biển đảo hay là việc tạo vốn đầu tư mà chính là ở tinh thần quyết tâm và cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa địa phương và ngành điện với sự hỗ trợ của Chính phủ.
Tăng Phan Lương