(QNO) - Sáng nay 27.3, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tại điểm cầu Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tham dự.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng gần 400 cán bộ chủ chốt của tỉnh, 2.522 đại biểu ở 18 điểm cầu cấp huyện và hơn 2.800 đại biểu ở điểm cầu cấp xã dự hội nghị.
Theo chương trình, hội nghị diễn ra trong 2 ngày (27 và 28.3). Báo cáo viên truyền đạt, quán triệt 5 nội dung chuyên đề là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, với nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong chỉ đạo thực tiễn trên các lĩnh vực công tác.
Sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Thành công của đại hội đã góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng phát triển đất nước, phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các văn kiện Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, bài bản, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển. Trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Để bảo đảm việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt hiệu quả cao, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, MTTQ, các đoàn thể, nhất là người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc việc học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng và cả hệ thống chính trị để mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo nghị quyết của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân. Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh hạnh phúc, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; uốn nắn những nhận thức lệch lạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc.
Sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, việc triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết phải được tiến hành nghiêm túc, có chất lượng. Tập trung làm rõ, nắm vững những quan điểm, nội dung cốt lõi, chủ trương mới trong các văn kiện Đại hội XIII, từ tầm bao quát, cách tiếp cận mới, mục tiêu tổng quát, các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu chủ yếu, các khâu đột phá chiến lược để thấy rõ sự kế thừa, phát triển tư duy lý luận của Đảng.
Cùng với đó, nắm vững những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn 30 năm đổi mới đất nước, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; nhận diện đầy đủ những thuận lợi, thời cơ và nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời gian tới; liên hệ và vận dụng phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị để xác định và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu, học tập nghị quyết phải đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, ý thức tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng. Công tác tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ, đồng bộ, sáng tạo, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp từng đối tượng.
Trong quá trình tuyên truyền, phải kịp thời lý giải những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung nghị quyết. Kịp thời uốn nắn những nhận thức chưa đúng, chủ động định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận tích cực trong xã hội. Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư lưu ý, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII mới chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải sớm đưa nội dung nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, nói đi đôi với làm, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”. Biến những quyết định của đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế, thành của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phiên bế mạc Đại hội XIII.
“Ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tập trung xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa bằng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi sát với điều kiện thực tế, định lượng được kết quả góp phần nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương, đơn vị.
Đặc biệt, các cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung nghiên cứu, sớm cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII thành luật pháp, cơ chế, chính sách để sớm thực thi trong đời sống. Kịp thời khắc phục hạn chế, yếu kém mà đại hội đã chỉ ra. Đó là chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu chậm được khắc phục, năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế...” - đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.