Tổng thực thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 10.2014 mới đạt khoảng 30% theo kế hoạch. Nhiều nguyên nhân dẫn đến con số khá khiêm tốn này, nhưng tựu trung là vì các địa phương chưa thực sự quyết liệt, chủ động vào cuộc. Chế tài xử phạt đối với hành vi trốn nghĩa vụ chưa ban hành kịp thời (mới bổ sung ngày 17.9) nên lực lượng tại cơ sở rất khó khăn khi xử lý vi phạm. Ở địa bàn miền núi, dân cư sinh sống không tập trung khiến việc triển khai mất nhiều thời gian; trong lúc khoản thu được là quá nhỏ, tỷ lệ trích lại chẳng thể đảm bảo để phục vụ người thực hiện. Còn theo ý kiến phản ánh từ phía người dân, biên lai thu phí đường bộ quá mỏng và tệ hơn cả tờ rơi quảng cáo nên khó bảo quản, bất tiện lưu giữ và xuất trình thời điểm cần thiết. Quy định miễn thu phí cho chủ phương tiện thuộc hộ nghèo là chưa thỏa đáng, bởi vì nhà nghèo có 2, 3 xe mô tô khá phổ biến. Lãnh đạo Quỹ bảo trì đường bộ Quảng Nam thì cho rằng, nguyên nhân chính của sự chậm trễ triển khai công tác bảo trì đường bộ là do năm đầu tiên tổ chức thực hiện vì vậy còn nhiều lúng túng…
Theo Sáu Còi, các địa phương cần phải nhanh chóng phổ biến, tuyên truyền chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 17.9.2014 giúp người dân nắm bắt cụ thể. Khâu vận động, giải thích cũng phải thực hiện thường xuyên và sâu sát từng hộ; không để xảy ra chuyện bà con nộp phí mà trong lòng ấm ức do chưa hiểu rõ số tiền Nhà nước thu với mục đích gì, sử dụng ra sao…? Đứng trước thực trạng trên, các địa phương mong muốn tỉnh sớm thay đổi mẫu biên lai cho phù hợp, đảm bảo gìn giữ cho cả một năm trời. Không truy thu đối với mô tô năm 2013, chỉ thực hiện kế hoạch năm 2014. Gắn kết quả thu nộp phí đường bộ với việc bình xét gia đình văn hóa, thôn, khối phố văn hóa để công tác thu có chuyển biến tích cực hơn. Đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh có quy định gắn kết quả thu hằng năm với việc bình xét các danh hiệu thi đua cá nhân và tập thể của công an các xã, phường, thị trấn nói riêng và công an huyện, thành phố nói chung. Nhằm tránh gây so bì, các địa phương đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định miễn thu đối với chủ phương tiện thuộc hộ nghèo.
Thu phí đường bộ xe mô tô phục vụ duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường để đảm bảo nhân dân lưu thông được thuận tiện, an toàn. Nó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm từ cộng đồng cùng chung tay góp sức với Nhà nước “chăm sóc” đường sá mà chính mình vẫn đang hằng ngày sử dụng. Khi nào chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ bản thân, người dân không chỉ “tạo bất công” đối với người nộp mà còn bị xử phạt theo tinh thần Chỉ thị số 22/CT-UBND hướng dẫn. Cụ thể như, người dân bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tối đa là 50 triệu đồng. Người dân nào không chấp hành, chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25 triệu đồng.
SÁU CÒI