Tổng cục đường bộ Việt Nam vừa khảo sát một số điểm bất cập, tồn tại trên quốc lộ (QL) 1 mà Quảng Nam nhiều lần kiến nghị và cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm khắc phục tình trạng trên.
Nhiều bất cập
Trước khi tiến hành dự án thành phần 1, đoạn mương tiêu nước qua tổ 8, thôn Thanh Ly 1 của xã Bình Nguyên (Thăng Bình) là mương đất. Mở rộng xong thì mặt đường QL1 cao, chênh với phía mương tiêu cũ và mặt đất tự nhiên, vì vậy không thể hoàn trả nguyên trạng. Cạnh đó, cống qua đường để nước thoát vào mương tiêu bị lấp. Đầu mùa mưa năm 2015, nước gây gập úng vườn, nhà, chuồng trại chăn nuôi của gần 40 hộ. Theo ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thăng Bình, người có trách nhiệm đã không ít lần liên hệ mà đơn vị thi công chối từ hợp tác.
Do không có đèn tín hiệu, lưu thông tại nút giao QL1 với ngã tư Kỳ Lý, huyện Phú Ninh rất lộn xộn. Ảnh: C.TÚ |
Huyện phải bỏ ra hơn 257 triệu đồng để lắp đặt cống tròn, xây hố ga và cống qua đường và hiện chưa được thanh toán số tiền trên. Thuộc dự án mở rộng thành phần 2, mùa mưa năm 2016, sân vườn của bà Đỗ Thị Tính và hàng xóm thuộc tổ 1, thôn Bà Bầu (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) bị nước từ mặt đường tràn vào. Phía bắc Trạm thu phí Tam Kỳ (xã Tam Xuân 1, Núi Thành), địa phương tha thiết xây dựng mương thoát nước dài khoảng 200m, qua thôn Tam Mỹ ngay từ lúc dự án vừa khởi động nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài mỗi bên chỉ có 2 làn xe, dự án thành phần 1 mở rộng QL1 còn tồn tại nhiều điểm mất an toàn giao thông (ATGT). Chẳng hạn, nút giao phía nam cầu Bà Rén mới (xã Tam Xuân 1, Quế Sơn), mặt đường cong tại km958+700 quá hẹp lại che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. Tại nút giao phía bắc cầu Hương An mới (xã Hương An, Quế Sơn), phương tiện đi từ phía nam qua cầu đổ dốc rất dễ xảy ra xung đột. Bên phải tuyến, đường dân sinh thuộc địa bàn thôn An Thái (xã Bình An, Thăng Bình) vuốt nối với QL1 tại km982 có độ vênh nhau lớn….
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1 - ông Mai Xuân Vũ phản ánh, việc thi công mở rộng Trạm thu phí Tam Kỳ khiến đường dân sinh ra cánh đồng chỉnh trang 1 và 2 của thôn Phú Hưng có độ dốc cao, nhân dân không đi lại được để sản xuất. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê cho biết thêm, vào ngày 22.11.2013, đơn vị đã phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra hệ thống nhà chờ xe buýt do tỉnh đầu tư trên QL1, đoạn từ Duy Xuyên và Núi Thành. Lúc đó, có tổng cộng 11 vị trí hiện diện dọc tuyến. Do thi công mở rộng QL1, các nhà chờ bị tháo dỡ và gần 2 năm qua vẫn chưa hoàn trả.
Cần sớm khắc phục
Một thành viên đoàn công tác của Tổng cục đường bộ Việt Nam đề nghị, tỉnh nên hỗ trợ huyện Thăng Bình kinh phí thực hiện kiên cố hóa mương tiêu nước tại thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên. Giải thích về trách nhiệm hoàn trả nhà chờ, điểm dừng xe buýt, đại diện nhà đầu tư dự án thành phần 1 cho biết thực tế khi đi vào thi công không nhận được biên bản bàn giao. Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Nguyễn Bá Nghĩa cho rằng, nhà đầu tư từ đầu khảo sát hồ sơ, làm hết trách nhiệm thì đưa ngay vào, vì nhà chờ là hạng mục quá rõ. Ông Nguyễn Mạnh Thắng đề nghị Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông xác định vị trí cụ thể nhà chờ, trách nhiệm của địa phương và nhà đầu tư, có thể bổ sung vào dự án mở rộng QL1 vì chưa quyết toán. |
Cần sớm giải quyết căn bản những tồn tại, bất cập của dự án mở rộng QL1. Đó là quan điểm chung của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng tại buổi làm việc trong tuần qua. Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, đối với việc bổ sung rãnh thoát nước, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) phối hợp với nhà đầu tư rà soát, kiểm tra hồ sơ thiết kế. Nếu thiết kế đã bố trí, nhà đầu tư phải xây dựng; hoặc chưa thì cục sẽ xem xét bổ sung. Vị trí mương thoát nước, cống ngang còn tồn tại bồi lắng, đọng nước, cần kiểm tra đã bàn giao sau khi hoàn thành dự án chưa, có như vậy mới nắm rõ ai phải chịu trách nhiệm thanh thải. Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, một số vị trí vuốt nối giữa QL1 với đường ngang dân sinh mà các huyện kiến nghị cần làm lại để đảm bảo ATGT; đây là điều cần thiết mà nhà đầu tư phải thực hiện. Tham mưu hướng xử lý “điểm đen” phía nam cầu Bà Rén, Cục phó Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục đường bộ Việt Nam) - ông Bùi Tô Hoài cho rằng sẽ điều chỉnh lại đảo giao thông (nằm giữa tuyến đường tại nút giao thông); đồng thời xem xét mở rộng bụng đường cong phía đông, nếu vậy phải giải phóng mặt bằng và rất cần địa phương vào cuộc hỗ trợ. Tại phía bắc cầu Hương An, đơn vị chức năng sẽ nghiên cứu lắp đặt đèn tín hiệu, các tiểu đảo giao thông.
Nói về sự chậm trễ trong lắp đặt các đèn tín hiệu (kéo dài gần 2 năm), ông Bùi Tô Hoài cho hay, nhà đầu tư dự án thành phần 2 (Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP) đang lựa chọn nhà thầu lắp đặt đèn tín hiệu tại các nút giao với ĐT615 (ngã tư Kỳ Lý, Tam Kỳ - Phú Ninh), đường Nguyễn Văn Linh và đường Khu công nghiệp đi cảng Tam Hiệp (Núi Thành) và trình thủ tục cấp phép thi công. Theo đại diện Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP, họ đã ký hợp đồng với nhà thầu và sẽ triển khai xong trong vòng 45 ngày, kể cả hạng mục sơn sửa lại vạch kẻ đường, đảo giao thông, hạ tầng ATGT. Về hệ thống đèn tín hiệu tại các nút giao tuyến ĐT610 (ngã ba Nam Phước, Duy Xuyên), ĐT613 (Thăng Bình), ông Nguyễn Mạnh Thắng ra thời hạn cho nhà đầu tư thành phần 1 (Công ty CP Xây dựng công trình 545) phải lắp đặt trước ngày 30.4 này. Giải thích vì sao không mở dải phân cách tại km1009, ông Bùi Tô Hoài khẳng định hoàn toàn là lý do kỹ thuật. “Chiều phía bắc vào nam tại vị trí trên là đường cong, nhà cửa mọc san sát làm hạn chế tầm nhìn. Tháng 1.2016, các bên đã đi khảo sát và xác nhận không đủ điều kiện để mở dải phân cách nêu trên.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết sẽ có văn bản báo cáo cụ thể lãnh đạo Bộ GTVT về thực trạng, hướng tháo gỡ dứt điểm từng tồn tại, bất cập. Đồng thời mong muốn lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.
CÔNG TÚ