Tuyến trục ngang huyết mạch quốc lộ 14E kết nối vùng đồng bằng ven biển lên vùng cao chưa bao giờ thôi gập ghềnh, khi sự yếu kém về yếu tố kỹ thuật, mất an toàn giao thông chưa được tháo gỡ.
Không an toàn
Tại địa bàn xã Phước Hòa (Phước Sơn), vào trưa 5.11.2017, mưa lũ khiến đất đá ở taluy dương, bên phải tuyến quốc lộ (QL) 14E đổ ập xuống nền đường và taluy âm đã chôn vùi 4 nạn nhân xấu số.
Không riêng xã Phước Hòa, hễ cứ sau đợt mưa kéo dài, đất đá từ phía taluy dương của QL 14E qua xã Phước Xuân (Phước Sơn) và một số địa phương khác của huyện Hiệp Đức bị nhão ra, sụt trượt xuống bên dưới hàng chục nghìn mét khối đất gây ách tắc lưu thông; nếu sạt lở ít cũng rất nguy hiểm khi bùn đất khiến bề mặt đường trơn trượt, làm cho người điều khiển xe mất tay lái.
Sự “èo uột” của hạ tầng ven tuyến trục ngang này ngoài gây thiệt hại về kinh tế còn khiến công tác cứu hộ, cứu nạn gặp trở ngại, người dân gánh chịu hậu quả khôn lường nếu chẳng may đang đi đường gặp phải sạt lở.
Vào mùa mưa, mặt đường QL 14E bị sụt lớn, “ổ gà”, “ổ voi” xuất hiện chi chít “ẩn náu” dưới nước đọng là cạm bẫy nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Cùng với đó, trục giao thông này được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau; quy mô đầu tư thấp và tiêu chuẩn kỹ thuật không đồng nhất, vì vậy đang tồn tại nhiều “nút thắt cổ chai”.
Trong khi đó, dọc tuyến qua các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức có nhiều nhà máy, xí nghiệp, xe cộ lưu thông đông đúc nhưng đường quá chật, lại thường xuyên hư hỏng gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Ông Nguyễn Bốn, một người dân trú thôn Phú Bình, xã Quế Thọ (Hiệp Đức) nói: “Đường sá hẹp quá, 2 ô tô đi ngược chiều phải “lấn nhau” mới qua được. Lúc ấy, người đi xe đạp và xe máy chỉ còn cách tấp hẳn vào lề, dễ bị rớt xuống ruộng”.
Cũng theo ông Nguyễn Bốn, đoạn đường qua thôn 2 từng xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT). Nhất là học sinh đến trường mà giao thông lộn xộn như thế sẽ rất nguy hiểm.
Sự xuống cấp của QL 14E khiến trật tự ATGT qua thị trấn Tân Bình không đảm bảo. Vì lẽ đó, trên tuyến đường này xuất hiện 2 “điểm đen” TNGT chết người tại khu vực dốc Đất Đỏ và gần đập hồ Bình Hòa.
Thực tế cho thấy, hai xe tải lớn đi ngược chiều trên QL 14E rất khó tránh nhau. Tài xế xe container không dám tấp vào lề để nhường đường do sợ nền đất lún gây sự cố.
Cần sớm mở rộng
Dài khoảng 89km, QL14E đi qua địa bàn các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn có điểm đầu giao với đường ven biển tại xã Bình Minh (Thăng Bình) và điểm cuối tiếp cận đường Hồ Chí Minh tại ngã ba Làng Hồi (xã Phước Xuân, Phước Sơn).
Theo Bộ GTVT, tuyến QL này đạt tiêu chuẩn cấp VI miền núi. Nhưng qua thực tế, cung đường này có không ít vị trí chưa vào cấp. Một cán bộ chuyên môn cho biết, QL 14E được đầu tư xây dựng từ năm 2002, đã qua nhiều năm khai thác sử dụng nên mặt đường bị “lão hóa”, xuất hiện vô số vết nứt, lún gãy cục bộ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, khối lượng duy tu, bảo dưỡng theo kế hoạch lại quá ít so với hư hỏng thực tế, vì vậy mà năm nào cũng bảo trì song hư hỏng vẫn hoàn hư hỏng. Muốn đảm bảo ATGT, gỡ điểm nghẽn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết bài toán an sinh, việc nâng cấp, mở rộng đường là cần thiết.
Trước tình trạng mất ATGT nêu trên, Quảng Nam đã triển khai 2 dự án đường liên hoàn kéo dài từ ven biển Bình Minh - đường Võ Chí Công - QL1 (ngã ba Cây Cốc) - xã Bình Quý (Thăng Bình, gần nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi).
Đáng chú ý, hướng tuyến đoạn từ ngã ba Cây Cốc xuống ven biển Bình Minh hoàn toàn mới, góp phần chia sẻ lưu lượng xe cho đoạn cuối tuyến của QL 14E dài 9km. Dù Bộ GTVT hàng năm bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng tuyến đường, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi cung đường xuống cấp nặng, lại tồn tại nhiều bất cập.
Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức - ông Nguyễn Văn Nam chia sẻ, tại các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, địa phương luôn nêu ý kiến cấp có thẩm quyền quan tâm kiến nghị Bộ GTVT sớm nâng cấp, mở rộng QL 14E.
Còn ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, ngày 17.8.2021 Bộ GTVT đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL 14E đoạn km14+800 - km89+000 (từ nút giao cao tốc đến giáp đường Hồ Chí Minh - PV).
Mục tiêu là từng bước hoàn thiện QL 14E theo quy hoạch, rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông lâm sản từ các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan đến các tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ và phía Bắc; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nói riêng và cả nước nói chung, phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây; đảm bảo quốc phòng - an ninh cho khu vực.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án 1.850 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, tiến độ thực hiện 2021 - 2025. Tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Trung ương thúc đẩy, sớm đưa dự án vào triển khai trên thực tế.