Sơn Chà, không phải Sơn Trà

06/08/2017 08:51

LTS: Quảng Nam Cuối tuần thời gian qua đã đăng bài viết của các tác giả tranh luận chung quanh tên gọi “Sơn Trà hay Sơn Chà”. Tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều bài viết đưa ra những quan điểm, thậm chí trái ngược nhau về các địa danh này. Quảng Nam Cuối tuần chọn đăng hai bài viết dưới đây để bạn đọc có thêm góc nhìn; và xin kết thúc cuộc tranh luận học thuật này ở đây.

Tin liên quan

  • Sơn Trà và Sơn Chà
  • Sơn Trà hay Sơn Chà?
Một góc quang cảnh Sơn Chà. Ảnh: Internet
Một góc quang cảnh Sơn Chà. Ảnh: Internet

SƠN CHÀ, KHÔNG PHẢI SƠN TRÀ

Một địa danh, hai danh xưng tranh chấp, ai muốn gọi thế nào tùy ý, nhưng dẫu thế nào cũng cần phải gọi cho đúng, cho trung thực. Có hai thuyết chia nhau về tên gọi, Sơn Trà hay Sơn Chà. Cần phải phân biệt rốt ráo, không thể đi hàng hai.

Thuyết Sơn Trà dựa vào một quyền uy thoạt nhìn không thể chối bỏ được, đó là Quốc Sử quán triều Nguyễn. Sử gọi hòn núi phía đông Đà Nẵng trên vịnh Vũng Thùng là Trà Sơn, đó là tên chữ của núi.

Vậy Sơn Chà hay Sơn Trà, tên nào gọi đúng tên núi?

Từ chữ Trà Sơn mà dịch đảo ngược lại là núi Sơn Trà là sai về mặt ngữ pháp. Trà Sơn là núi Trà khác với núi Sơn Trà là núi có cây trà núi (trà có thể trồng ở đồng bằng và trà mọc trên núi gọi là trà núi - sơn trà), núi Sơn Trà phải dịch là Sơn Trà Sơn. Nhà thơ Lâm Bô đời Tống có bài thơ Sơn mai tiểu viên, ý muốn nói vườn ông trồng cây mai núi khác với núi Mai, Mai sơn.

Thời nhà Nguyễn, những địa danh nôm đều bị đổi thành tên chữ. Như sông Cổ Cò đổi thành Lộ Cảnh giang, hỏi Cổ Cò thì ai cũng biết chứ Lộ cảnh giang thì mấy ai biết. Sông Chợ Củi đổi thành Sài thị giang, dân địa phương không ai gọi. Cách thay đổi này nhan nhãn từ bắc vào nam, như Làng Tó thành Tả Thanh Oai, làng Gùn thành Siêu Quần (Bắc), sông Bến Nghé thành Ngưu chữ giang (Nam), sông Măng thít thành Mân giang. Điều rõ nhất là tên chữ bao giờ cũng có sau tên nôm, núi Sơn Chà đổi thành Trà Sơn cũng không ngoại lệ. Trà là chữ giả tá, âm trà dùng thông với chà nên Trà Sơn đọc đúng phải là Chà Sơn.

Muốn tìm nguồn gốc một địa danh nôm mà dựa vào tên chữ là dựa vào cái sai để tìm cái đúng!

Còn nói rằng âm trà bị đổi thành âm chà là do ảnh hưởng của người Bắc di cư vào năm 1954 là khiên cưỡng, họ chỉ là một nhóm người ngụ cư thường phát âm sai vần tr thành ch, sao mà có thể ảnh hưởng mạnh đến nỗi buộc dân bản địa phát âm phân biệt đúng vần tr và ch mà chỉ trong vòng 1-2 năm phải nói ngọng theo họ trà thành chà. Mà sao chỉ ảnh hưởng mỗi trà ra chà còn sao không đổi trâu ra châu, trung ra chung, trọng ra chọng, triết ra chiết (?!). Lại còn những câu ca dao như “Đời ông cho chí đời cha. Mây phủ Sơn Chà không gió thì mưa”, hoặc “Chiều chiều mây phủ Sơn Chà. Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm”, thì sao, xuất hiện lúc nào, không lẽ là mới? Lời nói của người bình dân không phải là tư liệu đáng quý sao?

Nếu không tin ở miệng dân mà đòi căn cứ vào văn bản, thì đây: Dictionnaire Vietnamien - Chinois Français, Eugène Gouin, 1957: Chà – Sơn chà = Trà - Sơn trà - Camélia. Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, in năm 1895: Sơn Chà, cây có trái giống trái xoài mà nhỏ. Alexandre de Rhodes - Tự điển Việt - Bồ - La, 1651: Chà - San Chà - Thứ trái Ấn Độ giống như trái mận rừng. Sàn Chà: Trái cây rừng mà người Bồ đào gọi là Romania. Như vậy Sơn Chà không phải là từ mới, nó đã có từ thời xa xưa, đó là một loại cây, dùng tên đó để gọi tên núi có gì là sai. Chúng ta chỉ giải quyết danh xưng, còn Sơn Chà là cây gì phải đi hỏi các nhà thực vật học thôi.

Thật ra ở đây ta chỉ tập trung giải quyết tên gọi, phải chọn giữa Sơn Chà và Sơn Trà, nghĩa là giải quyết vấn đề âm, còn nghĩa thì ai muốn giải thích cách nào tùy ý. Cha mẹ đặt tên ta ra sao thì phải được gọi như vậy, chẳng ai có quyền thay đổi, người xưa đã gọi Sơn Chà, thì hậu sinh cũng không nên thay đổi. Những ai đã căn cứ vào bản chữ nho của Quốc Sử quán, dựa vào chữ Trà Sơn để luận thì bắt buộc phải chấp nhận bản dịch của Quốc Sử quán triều Nguyễn, từ Trà Sơn về đúng Sơn Chà, trong sách Quốc triều chính biên toát yếu (tôi dùng bản điện tử của Viethoc.com) do Tổng tài Quốc Sử quán Cao Xuân Dục soạn năm 1908, được dịch bởi Quốc Sử quán triều Nguyễn 1925, do lệnh của vua Khải Định. Người hiệu đính sách này là vị đại quan rất uy tín đã từng giữ chức Đốc học trường Đốc Thanh Chiêm, Đại học đầu tiên của Quảng Nam, là Trần Đình Phong. Ông đã từng đào tạo 5 vị “Ngũ phụng tề phi”, các bậc đại khoa Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và là tác giả Quảng Nam tỉnh phú mà dịch Trà Sơn ra Sơn Chà thì ai là người dám lộng ngôn cãi lại. Sách đó ghi: “Tháng 6 nước Hồng Mao sai sứ tới dâng đồ phương vật xin lập phố buôn ở núi Trà Sơn tỉnh Quảng Nam” (tr. 31);  “Năm Quý Tỵ thứ XIV (1833), tháng Giêng có một chiếc thuyền quân tuần dương Quảng Đông bị gió bão vào vũng Sơn Chà tỉnh Quảng Nam” (tr. 81); “(1841) Tháng 11, có tàu Đại Pháp đậu tại vũng Sơn Chà thuộc tỉnh Quảng Nam, rồi đi ngay” (tr.131); “(1855) Tháng 7, tàu Anh Cát Lợi tới đậu vũng Sơn Chà, người trên tàu lên coi núi Ngũ Hành” (tr. 155); “Năm 1857 bọn Đào Trí tâu: “Xin từ thành An Hải đến núi Sơn Chà, từ thành Điện Hải đến cửa Thanh Khê đều đắp lũy cát, trồng gai gốc ngăn giữ” (tr.158); “Năm Canh Thân thứ XIII (1860), tháng giêng, tàu binh Đại Pháp ở vũng Sơn Chà chạy đi, nhưng còn ở lại Chơn Sảng và Đà Nẵng. Ngài dụ khiến 2 đạo quân thứ Quảng Nam và Hải Vân nhắm thế mà chỉnh bị” (tr.163); “Tháng 3, Đại Pháp sai đốt các đồn An Hải, Điện Hải tại núi Sơn Chà, rồi những tàu binh đậu vũng Sơn Chà đều chạy đi hết. Ngài dụ quan Quân thứ và các địa phương chỗ nào có hải phòng phải phòng bị cho nghiêm ngặt” (tr. 163)...

Quốc Sử quán triều Nguyễn đã ghi như vậy thì chúng ta chỉ còn có bổn phận phải trả lại đúng tên Sơn Chà cho danh sơn đó, không nên bảo thủ ôm giữ tên Sơn Trà nữa. (NGUYỄN THIẾU DŨNG)

VẪN NÊN TÔN TRỌNG ÂM "TRÀ"

Trên bài viết trước đây chúng tôi đã nêu ra gần hết nguồn tư liệu và những giả thuyết có được về nguồn gốc tên gọi Sơn Trà hay Sơn Chà; ngay sau đó anh Võ Văn Thắng cũng có bài viết nêu những suy nghĩ của mình, anh bàn nhiều đến trật tự Trà Sơn hay Sơn Trà và xét cho cùng thì Trà hay Chà cũng là một cách phát âm từ Ja gốc Chăm, tiếc là anh không theo đến cùng nguồn gốc âm này.

Cuộc trao đổi này cũng được mở rộng trên mạng xã hội. Cuộc truy tìm tên gọi đúng ngọn núi này thoạt đầu ai cũng nghĩ chỉ là chuyện trà dư tửu hậu cho vui chứ hai âm này gần nhau, có thể phát âm thế nào cũng đúng. Thế nhưng có nhiều người đã đẩy cuộc tranh luận này đi xa hơn, cho rằng âm Trà chỉ có sau 1975, do những người Bắc bảo người địa phương phát âm sai, và nhất là sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng (1997), quận Sơn Trà được thành lập thì âm Trà hoàn toàn là sản phẩm của chính quyền này, của những người sính chữ.

Như đã nói ở bài viết trước chúng tôi vẫn chưa thể kết luận được hai âm Trà/Chà là âm nào có trước, âm nào có sau, là do sự biến âm một khi ta chưa truy được nghĩa từ nguyên của âm này. Chỉ cảm nhận rằng âm Trà nó gần gũi với người Quảng hơn vì ở ngay Quảng Nam chúng ta có những địa danh như Trà Quế, Trà Nhiều, Trà Đỏa, Trà Kiệu... Vì vậy, một khi chưa thể kết luận âm nào đúng thì thiết nghĩ cũng cần phải bảo lưu âm Trà của ngọn núi này để khi có điều kiện chúng ta có thể hiểu được nghĩa đúng của nó.

Trong tự điển Chăm - Việt thì họ Trà âm Chăm là Ja. Và các bạn người Chăm cũng cho chúng tôi biết người Chàm không có họ, thường dân thêm chữ “Ja” trước tên người nam và chữ “Mư” trước tên người nữ. Khi bị buộc phải mang họ, nhiều người Chăm đã dùng ngay các đại từ đứng trước tên riêng đó làm họ, mà thành ra các họ Ông, Ma, Trà, Chế. Tức, Trà Nhiêu, Trà Quế, Trà Đỏa, Trà Kiệu có nghĩa là vùng đất của ông Nhiêu, ông Quế, ông Đỏa, ông Kiệu...

Vậy, có thể đơn giản người Chàm xưa đã gọi núi này là núi Ông. Chúng ta đã có núi Bà (Bà Nà), núi Chúa, tại sao không có núi Ông?

Như vậy, đường đi tên gọi ngọn núi này như sau: Người Chàm cũ, ở lại, gọi núi này là núi Ja (ông), người Việt đến âm Ja thành Trà hay Chà thì cũng vậy, nhiều khả năng người Chàm ở lại này, sau khi có họ thì thành người Quảng, gọi núi này là núi Chà. Khi vào chữ Hán thì nó là Trà Sơn, từ đó lại quay ngược ra đời sống thành Sơn Trà theo cấu trúc Việt hóa.

Ngoài ra, núi tiếng Chàm là cek, đọc như /chớ/ kéo dài và nhẹ hơn, như chơ, tiếng Việt. Núi Trà sẽ được nói theo âm Chàm là /chơ cha/, âm Sơn rất gần với Chơ, có thể điều đó giúp hiểu được tại sao Trà Sơn khi ra với đời sống trở thành Sơn Trà/Chà; hoặc các nhà bác học khi nghe dân nói Chơ Cha đã ghi bằng Hán tự là Sơn Trà, rồi nghĩ đó là núi Trà rồi ghi thành Trà Sơn. Cần nhớ, theo mô tả của L.Barrow thì vùng Đà Nẵng, nhất là Nại Hiên Đông đến năm 1793 vẫn còn rất đậm dấu ấn văn hóa Chăm.

Theo thiển ý riêng tôi thì âm Trà nên tôn trọng vì nhờ những Trà Nhiêu, Trà Quế, Trà Đỏa, Trà Kiệu mà ta có thể truy ra được nghĩa tên gọi ngọn núi này.  (HỒ TRUNG TÚ)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sơn Chà, không phải Sơn Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO