Sơn Trà hay Sơn Chà?

HỒ TRUNG TÚ 16/07/2017 09:58

Nhiều người thắc mắc rằng “Sơn Trà và Sơn Chà, cách gọi nào đúng?”. Ở đây, chúng tôi đưa ra tất cả tài liệu cho đến nay và cả những giả thiết về tên gọi núi Sơn Trà hay núi Sơn Chà, song vẫn chưa có một cơ sở chắc chắn nào để có thể kết luận tên gọi nào đúng. 

Một chiếc xe đò chạy tuyến Sơn Chà - Đà Nẵng trước năm 1975. (Ảnh tư liệu)
Một chiếc xe đò chạy tuyến Sơn Chà - Đà Nẵng trước năm 1975. (Ảnh tư liệu)

1. Một tờ báo đã  đưa ra cách trả lời với những chứng cứ chính như sau:

Tại trang 19 tập tài liệu “Văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận Sơn Trà”, do Phòng VH-TT quận lưu hành nội bộ năm 2008, cho rằng Sơn Chà bắt nguồn từ một dụng cụ bắt cá của ngư dân địa phương: “Từ thế kỷ 15 về trước, Sơn Trà là hải đảo, bốn bề nước bao bọc, giống như cái chà của ngư dân làm, thả gần bờ dụ cá vào để bắt, nên dân địa phương thường gọi là Sơn Chà”. Tài liệu này cũng giải thích cả địa danh Sơn Trà: “Bởi núi có gần như hầu hết cây mọc thấp “tức trà” và cũng có nhiều rừng cây trà núi mọc um tùm rậm rạp, nên gọi là Sơn Trà”. Có nghĩa là, theo tài liệu đã dẫn thì gọi Sơn Chà hay Sơn Trà đều không sai.

Theo tác giả Trần Xuân An đăng trên Tạp chí Non Nước số 201 + 202  thì: Vì sách “Tự vị An Nam - La-tinh” có cây sơn chà, trái sơn chà và cây chà là nên tác giả này giả thuyết: “Có thể cây sơn chà, trái sơn chà chính là một loại chà là ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, hiện nay vẫn còn tồn tại, khác với các loại chà là ở các vùng địa lý khác... Phải chăng vùng bán đảo Sơn Chà (Sơn Trà), vừa là địa hình đồi trọc vừa thuộc vùng ven biển, nhoài xa ra biển, ngày trước vốn có nhiều loại cây sơn chà này?”.

Trong “Quốc triều chính biên toát yếu”, Sơn Chà không phải bị ghi thành Trà Sơn hay Sơn Trà (như “Đại Nam thực lục” hay “Đại Nam nhất thống chí”) mà đúng là Sơn Chà.

Một phần bản đồ chiến sự 1858.
Một phần bản đồ chiến sự 1858.

Và tác giả Trần Xuân An kết luận: “Địa danh “Sơn Chà” được hai lần nhắc đến trong hai trích đoạn trên đã giúp chúng ta thật sự không còn chút băn khoăn, thắc mắc nào nữa, khi xác định Sơn Chà, chứ không phải Sơn Trà như trên giấy tờ hành chính hiện nay; và còn không nghi ngờ gì nữa, đó chính là một địa danh, không những trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng, mà từ xưa cũng là một địa danh hành chính chính thức”.

Nhận thấy cả 3 luận chứng trên đều rất yếu, chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Bảo rằng núi Sơn Trà (tạm gọi) có cây trà, cây chà là hoặc địa thế giống hình cái chà, dân ở đây có cái chà bắt cá để bảo là Trà hay Chà, đều rất khiên cưỡng vì thực tế Sơn Trà không thấy có cây trà, và cũng không có cây sơn tra (mô tả của “Tự vị An Nam - La-tinh” là cây sơn tra, một loại cây làm thuốc chữa bệnh cam tích cho trẻ em).

“Quốc triều chính biên toát yếu” cũng như các sách chữ Hán khác đều dùng chữ 茶 山 (Trà Sơn) nhưng các tác giả dịch sách này sang chữ quốc ngữ thành Sơn Chà, và tác giả Trần Xuân An lấy bản quốc ngữ đó làm bằng chứng để gọi là Sơn Chà thì rất không chính xác. Nếu quả thực là Chà thì bản chữ Hán phải dùng một từ Nôm là 嗏 , thêm bộ khẩu ở chữ Trà, mới đúng.

2. Theo suy nghĩ chúng tôi, hai âm trà và chà đều là cách phát âm khác nhau của cùng một chữ gốc nào đó của người Chàm xưa, hoặc thậm chí là người Cơ Tu xưa chủ nhân vùng đất này 2.000 năm trước. Vấn đề là âm nào có trước và đâu là cách phát âm sau, do những yếu tố nào tác động mà thành. Người Chàm nay không có âm Trà, khi nói đến Trà thì họ đều bảo đó chính là chữ Ja, phát âm gần như trà. Âm này không có nghĩa mà chỉ là một từ loại, thuộc đại từ nhân xưng chỉ về một chàng trai, giống như “thằng”, “chàng” trong tiếng Việt. Rất vô lý nếu lấy Ja là từ nguyên của Trà! Ở tiếng Chàm, khỉ là Kra, liệu từ đây có biến âm thành Trà không, Sơn Trà tức núi Khỉ? Và liệu, như ta gọi con chó vá tức con chó có bộ lông nhiều mảng màu, chà vá tức khỉ (kra) vá? Sơn Trà thì lắm voọc chà vá chân nâu nên Sơn Chà chính là cách nói gọn của núi khỉ vá? Chúng tôi chưa tra được âm Trà/Chà này liệu có nguồn gốc nào trong tiếng Cơ Tu không.

Một bản đồ thời Pháp.
Một bản đồ thời Pháp.

Tra tất cả những sách cổ thì thấy xưa nhất là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn in năm 1776 có nhắc đến núi này: “Ở ngoài cửa biển Đà Nẵng có núi tên gọi là Hòn Trà (茶)”. Sách Đại Nam nhất thống chí thì chép: “Núi Trà (茶) Sơn, ở cách huyện Diên Phúc 32 dặm về phía đông, hình thế chót vót cao chục tầng mây, mây mù từ đấy mà ra... Phía đông nam có một hòn núi tiếp liền trông xa như hình sư tử, tục gọi là Hòn Nghê. Phía tây có hòn Mỏ Diều, có pháo đài Phòng Hải ở đây”. Và chúng tôi thấy các tài liệu như bản đồ hoặc văn bản thời Pháp đến Mỹ cũng đều dừng chữ Trà (quốc ngữ) để chỉ hòn núi này. Đặc biệt tấm bản đồ chiến sự Đà Nẵng 1858 do chính một người Việt vẽ lại địa thế và bố phòng quân sự của cả hai bên địch ta trong cuộc chiến giữa liên quân Pháp và Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẵng năm 1858, thì địa điểm núi này cũng được ghi bằng chữ Hán là  Sơn Trà (chứ không phải là Trà Sơn như các sách bác học khác), sau đó người Pháp chú thích bằng chữ quốc ngữ là Trà Sơn.

3. Như vậy là từ các văn bản bác học cho đến bình dân, bằng chữ Hán cho đến chữ quốc ngữ cho đến nay đều thấy là chữ Trà. Hơn nữa, ở Quảng Nam và cả Quảng Ngãi, Bình Định ta đều thấy rất nhiều địa danh có chữ Trà như: Trà Nhiêu, Trà Quế, Trà Kiệu, Trà My, Trà Bồng, Trà Nô... chưa kể họ Trà là một họ Chăm lớn có ở nhiều nơi. Với người Quảng Nam thì Trà là một âm địa danh rất quen thuộc. Vì lý do đó, cảm nhận ban đầu của chúng tôi là âm Trà phải có trước và âm Chà có sau do sự biến âm nào đó.
Xét thấy giai đoạn sau 1954 vùng chân núi thuộc phường Thọ Quang có nhiều người Bắc di cư vào định cư ở đây. Liệu chăng chính họ đã phát âm Trà thành Chà và ghi lên những chiếc xe đò, xe lam chạy khắp nơi; rồi mọi người cứ thế mà theo, thời gian đủ để thành quen? Dĩ nhiên đó là một giả thuyết, thế nhưng cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa tìm thấy một văn bản nào trước 1954 có dùng chữ Chà. Hỏi các vị cao niên hơn 80 tuổi ở Thọ Quang, Mân Thái chúng tôi đều được nghe nói rằng âm Chà được dùng từ xưa; thường thì người có học, có chữ thì dùng âm Trà, người bình dân thì dùng âm Chà. Giống như trường hợp văn bản bác học thì dùng Man còn bình dân thì dùng Mọi để chỉ những nhóm người thiểu số ngày xưa vậy.

Bản đồ thời Mỹ.
Bản đồ thời Mỹ.

Một giả thuyết nữa rất khó tin nhưng về bằng chứng thì không thể cãi được đó là ghi chép của J.Barrow khi ghé Đà Nẵng vào năm 1793. Barrow mô tả nhiều thứ, như đàn ông ở đây vẫn mặc váy (tức sà rông, kama) và đầu đội khăn turban, đều là trang phục của người Chăm chứ không phải người Việt. Đặc biệt trong phần mô tả ngôn ngữ của người Đà Nẵng lúc đó (chỉ cách nay 200 năm), ta thấy họ không phát âm được phụ âm tr như ta nói hiện nay, như: Trứng – Tè lứng; Trái – Blai; Trăm – Klang; Trăng - Blang... như phần lớn các mô tả của Alexandre de Rhodes trong tự điển Việt - Bồ - La Tinh khi đất này còn nhiều người Chàm ở. Hiện nay, ở đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận vẫn còn tàn dư lại cách phát âm này. Ví dụ: chữ Trời, họ sẽ nói là tờ-rời, Trâu là tờ-râu.

Liệu chăng, ở vùng bán đảo Sơn Trà người Chăm vẫn còn bảo lưu cách nói của họ rất muộn, đến giai đoạn nhà Nguyễn, rồi sau Minh Mạng với những thiết chế về ngôn ngữ và trang phục mạnh mẽ họ mới chịu chuyển hẳn sang nói tiếng Việt, và Sơn Trà được nói thành Sơn Chà như quy luật ngữ âm thường thấy? Rõ ràng đây vẫn là một giả thuyết vì ta không thấy trường hợp biến âm nào tương tự tr - ch ở vùng này.

Tóm lại, trên là tất cả tài liệu cho đến nay và cả những giả thiết về tên gọi núi Sơn Trà hay núi Sơn Chà. Vẫn chưa có một cơ sở chắc chắn nào để có thể kết luận tên gọi nào đúng. Một số người cho là nguyên thủy nó là Chà và chữ Trà chỉ xuất hiện sau 1975, thậm chí là 1997, khi thành lập quận Sơn Trà, là rất cực đoan và thiếu cơ sở.

HỒ TRUNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sơn Trà hay Sơn Chà?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO