Quảng Nam - Đà Nẵng là vùng đất có nhiều núi non. Chính điều kiện tự nhiên như vậy đã tạo cho nơi này vị trí địa lý đặc biệt ở nhiều phương diện: đời sống thường nhật, giao lưu bạn nguồn, hoạt động cách mạng. Ở góc độ phong thủy học, núi non là những tiền án, hậu chẩm, thanh long, bạch hổ, tạo nên địa khí cho vùng đất, cho nên người ta mới hay nói “địa linh sinh nhân kiệt” là vậy. Và những minh chứng về lịch sử, văn hóa, nhân vật của vùng đất xứ Quảng đã cho chúng ta thấy điều đó.
Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà - biểu tượng của Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đăng Đệ |
Núi sông xứ Quảng đã được ghi chép nhiều trong các bộ thư tịch từ triều Nguyễn về trước. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có nói ngắn gọn hơn 60 ngọn núi của Quảng Nam (Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay). Sách “Đồng Khánh địa dư chí” cũng viết: “Trong tỉnh có nhiều núi, nêu những núi có tên thì huyện Hòa Vang có núi Hải Vân, núi Định Hải, núi Thạch Lĩnh, núi Ngự Đảo. Huyện Diên Phước có núi Ngũ Hành, núi Trà Sơn. Huyện Duy Xuyên, huyện Quế Sơn có núi Tào Sơn. Huyện Hà Đông có núi Chủ Sơn”. Danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu ngày trước đã dựa vào những dãy núi phía tây xứ Quảng để hành quân, làm cơ sở cho đường mòn Hồ Chí Minh sau này. Thời cách mạng, Huỳnh Ngọc Huệ cùng Tố Hữu vượt ngục Kon Tum, ẩn lánh ở vùng núi Đại Lộc mà được an toàn. Núi sông cũng trở thành nội dung chuyển tải trong văn học dân gian: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên” là nói về quan hệ giao thương vùng xuôi với miền ngược…
Trà Sơn trong thư tịch
Núi Sơn Trà từ lâu được chép trong thư tịch cổ như sau: “Ở cách huyện Diên Phước 32 dặm về phía đông, hình thế chót vót cao chục tầng mây, mây mù tự đấy mà ra, cây cối um tùm, hươu nai thành đàn, mùa thu mùa đông nếu cầu vồng hiện ở trước núi thì lụt; nếu mây đặc phủ trên đỉnh núi thì mưa, người địa phương thường trông thấy mà chiêm nghiệm. Phía đông liền biển, phía đông nam có một hòn núi tiếp liền trông xa như hình sư tử, tục gọi là hòn Nghê. Tương truyền trên núi có ngọc, đêm đến thường chiếu sáng xuống biển. Phía tây có hòn Mỏ Diều, có pháo đài Phòng Hải ở đây, phía bắc là núi Cổ Ngựa, đối nhau với hòn Ngự Hải đứng sững ở cửa biển. Phía tây cửa biển là vũng Trà Sơn (Đại Nam nhất thống chí). “Núi Trà Sơn ở địa phận các xã Mân Quan, Nam Thọ, Tân An. Núi mọc giữa vùng đất bằng, cao lớn nguy nga, mây mưa nổi lên ở đây, là ngọn núi trấn giữ phía ngoài cửa biển Đà Nẵng, các nước đều biết tiếng” (Đồng Khánh địa dư chí).
Do đặc điểm địa hình của Sơn Trà có nét đặc trưng, nên thường được các lái tàu ghi nhớ, nhận dạng để xác định phương hướng, nơi chốn. Điều này được ghi lại trong “Vè các lái”, trong đó có những câu: “Ngó lên lên núi Ải rất cao/ Ta sẽ lần vào Bãi Chuối, Hang Dơi/ Anh em củi nước thảnh thơi/ Hòn Hành nằm đó là nơi cửa Hàn/ Cửa Hàn còn ở trong xa/ Trước mũi Sơn Trà sau có con Nghê/ Vũng Nồm, bãi Bấc dựa kề/ Mỹ Khê, làng Mới làm nghề lưới đăng/ Ngó về Non Nước thẳng băng/ Có chùa thờ Phật, Phật hằng linh thiêng” (Bãi Chuối, Hang Dơi là hai eo núi trong đèo Hải Vân; Vũng Nồm là vịnh nhỏ ở phía nam của mũi Nghê; Bãi Bấc là bãi phía bắc Sơn Trà). Sơn Trà còn gắn liền với những tri thức kinh nghiệm dân gian: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sóng xô Cửa Đại trời đà chuyển mưa”, giống với nội dung được ghi trong bộ sử tịch triều Nguyễn nói ở trên.
Các thương nhân người Hoa hay những người Minh Hương lánh nạn chính trị sang Việt Nam theo đường biển cũng có một sự tri nhận về Sơn Trà. Từ ngoài biển khơi, họ nhìn thấy ngọn núi Sơn Trà có hình dáng giống con hến, nên gọi Đà Nẵng (rộng hơn ra là Quảng Nam) là “Hiện Cảng” (Cảng biển có (ngọn núi) giống con hến). Tên gọi này được ghi nhiều trên những bài vị trong các hội quán của người Hoa ở Hội An. Sau này, một bộ phận người Hoa khác đổi mặt chữ Hán khác đi, nhưng vẫn đồng âm là “Hiện” (Cảng biển có núi - chỉ Sơn Trà). Xét về mặt phong thủy, Sơn Trà có giá trị quan trọng, như sử tịch trên đề cập và theo quan niệm của người Hoa.
Tâm sự của người xưa
Sơn Trà nằm ở vị trí đặc biệt, người ngồi thuyền, kẻ đi bộ ra vào kinh đô Huế ngày xưa hay đến thăm viếng Ngũ Hành, lui tới cửa Hàn, phố Hội buôn bán đều có thể nhìn thấy rõ ngọn Sơn Trà giữa biển xanh. Do vậy, nó được nhiều người ghi chép lại khi có dịp ngang qua, nhất là những quan nhân hay làm thơ dưới triều Nguyễn. Có thể kể đến những tác giả như Phan Thanh Giản, Tùng Thiện Vương, Phạm Phú Thứ, Phạm Văn Nghị, Phạm Vũ Khải, Hà Đình Nguyễn Thuật…
Cảnh Sơn Trà hiện lên trong thơ người xưa là một non nước hữu tình, thơ mộng, vừa hiện thực vừa hư ảo, pha lẫn trầm mặc miền tâm linh sâu thẳm, như tâm sự của đại thần Phan Thanh Giản trên đường kinh lý ngang qua nơi này: “Đà Nẵng loan đầu lục tự đài/ Trà Sơn yên ái hợp Tam Thai/ Ngư lang xao mãn hàn đàm nguyệt/ Tăng quản xuy đoàn dã tự mai” (Biển Đà Nẵng xanh rêu/ Trà Sơn mây vẫn thuận chiều Tam Thai/Đầm trăng lộn bóng vó chài/Gốc mơ, sư dạo thổi chơi sáo chùa). Hay lời tâm tình của người con xứ Quảng Hà Đình Nguyễn Thuật vào cuối thế kỷ 19: “Hải thiên vạn khoảnh vọng man nhiên/ Thập trượng bồ phàm tán mộ yên/ Phong cấp như đăng quang bất định/ Sơn không nguyệt ảnh chiếu vô biên” (Chân trời vạn khoảnh ngó mút tăm/ Bãi sông mười trượng, buồm tan khói chiều/Gió vù vù đèn chài chao lắc lư/ Núi vắng trăng sáng mênh mông).
Cũng chính vì Sơn Trà có vị trí đặc biệt như vậy, nên đã bị thực dân Pháp nổ súng tấn công đầu tiên. Vừa dứt trận súng này, Phạm Phú Thứ đã dâng sớ xin nhà vua cho các quan người Quảng Nam đang tại triều về quê chống giặc. Tinh thần này được khắc ghi bia đá lưu truyền muôn đời. Một trận mạc đau thương và kiên dũng: “Đất Quảng Nam nay là nơi chiến trường/ Không còn đồng màu mỡ như ngày trước/ Cẩm Lệ phải dời chợ vào nơi sâu/ Trà Sơn bao lần tập hợp người để vây giặc”, như lời thơ của Tùng Thiện Vương. Phạm Văn Nghị cũng hết sức “căm giận nhìn về Trà Sơn, (nơi) lũ giặc thối tha kéo đến” và ông được mọi người khích lệ lên đường diệt Tây bằng một ngôn ngữ văn chương: “Vân, Trà non nọ ghi công lớn/ Há chỉ bia đề Văn miếu đâu”.
Song cuộc chiến với Pháp dưới thời Nguyễn đã thất bại. Trần Quý Cáp thể hiện nỗi niềm trong bài thơ “Đà Nẵng hoài cảm”. Nỗi ưu buồn đó phải chìm dưới đáy sông sâu. Cho nên vụng biển Sơn Trà còn thể hiện những di hận của những chí sĩ Quảng Nam chưa toại nguyện tinh thần ái quốc, như câu đối của Vũ Duy Thanh thương khóc Trần Quý Cáp: “Cửu nguyên di hận Trà Sơn úc/ Vạn lý quy hồn Dục Thúy sơn” (Chín suối, biển Trà mang mối hận/ Muôn trùng, núi Thúy vẫn vương hồn).
Sơn Trà không chỉ là rừng xanh của TP.Đà Nẵng mà còn là căn cứ quân sự cực kỳ quan trọng như lịch sử đã cho thấy, nghĩa địa lính viễn chinh phương Tây còn kia. Thư tịch ghi chép về nó rất nhiều. Tâm tình người xưa gửi gắm vào đó cũng vô kể. Nói không ngoa, giữ gìn Sơn Trà là giữ gìn sự tồn vong của dân tộc.
NGUYỄN DỊ CỔ