Chúng tôi gặp họ khi Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Thanh đi vào hoạt động đón khách. Họ ngồi thành từng tốp, dựa vào bóng mát của những thân dừa dọc đường, mắt ngóng theo từng bước chân khách xuống biển.
Mưu sinh trên bãi biển. Ảnh: LÊ QUÂN |
Họ - những người đàn bà nón lá trên đầu đã bị gió biển làm bạc mòn, cả đời sinh sống và nghe mùi biển, vẫn không chịu dời đi khi kế sinh nhai từ biển đã bị cắt xén rất nhiều lần.
Những người đàn bà chạy biển
Và họ đúng nghĩa chạy biển, khi sáng sớm tinh mơ đã ra bãi tắm, chiều tối mịt mới về lại nhà. Và chẳng bao giờ chân bước được khoan thai. Lúc nào cũng chân này líu ríu chân kia, cho kịp dắt giúp khách chiếc xe, chỉ cho khách hàng quán, chỗ ngồi do mình “quản”. Hơn 20 năm trôi, kể từ ngày bãi tắm Tam Thanh bắt đầu có khách tìm đến, cái bản năng sinh tồn của con người, nhất là những phụ nữ làng biển, lại trỗi dậy mạnh mẽ. Ban đầu chỉ là vài mẹt hải sản đi rảo quanh bờ biển. Buôn thúng bán bưng được từng nào hay từng ấy. Rồi dần dà chuyện buôn bán tịnh tiến hơn, khi họ bắt đầu sắm bàn ghế, sắm dù bạt và phân chia công việc cho từng người trong gia đình. Rằng đàn ông sau những ngày đi bạn về sẽ phụ vợ dựng lều, bưng bê, những đứa con nghỉ hè thì chạy đi làm “tiếp tân” cho hàng quán của mẹ… Hơn 20 năm, họ sinh tồn và bám biển góp thêm kế sinh nhai cho cả gia đình.
Những ngày nắng gắt, khi chuyện biển đảo nóng ran, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, những người đàn bà xóm biển vẫn không thể ngồi yên ở nhà. Họ nhấp nhổm ngoài bãi biển, đợi… để biết đâu có khách tìm đến biển nghỉ ngơi. Và những người đàn bà trong những ngôi làng ven biển có cách phân chia công việc rất rạch ròi. Một nửa chạy chợ đầu mối, mang hải sản về chợ Hạ Thanh 1 buôn lại lấy lời. Còn hơn 50 người phụ nữ của thôn Hạ Thanh 1, của 50 hộ gia đình, trong đó có hơn một nửa có chồng đi biển khơi xa, số ít hơn chồng ở nhà vì mất sức lao động, hoặc chồng chết trong những cơn bão biển, thì bằng cách bám bãi biển này mà nuôi sống gia đình. Khác với những người đàn bà ở biển Bình Minh (Thăng Bình), chỉ có thể dựa vào tàu thuyền khơi xa đổ về và sống bằng cách buôn bán cá tôm, những người đàn bà ở biển Tam Thanh bám biển theo một cách khác. Và cách “bám” của họ, thì mỗi ngày mỗi linh hoạt, để thích nghi với nhịp sống ven bờ ngày một văn minh. Câu chuyện chạy biển vì thế mà cũng phải khéo léo hơn, phải “ma mãnh” hơn.
Những phụ nữ ở bãi Tam Thanh ngồi thành tốp chờ khách để mời về lều quán của mình. Ảnh: LÊ QUÂN |
Nếu đôi phần người xứ Quảng thường hay so sánh câu chuyện làm du lịch giữa Hội An và Tam Kỳ, thì bản thân những người phụ nữ làng biển sống ở những ngôi làng của vùng ven biển Tam Kỳ, vẫn thường hằng mang đời sống của mình ra so với đời sống cư dân ven biển phố Hội. Và dĩ nhiên, họ nói, không thể bì với một nơi đã làm du lịch chuyên nghiệp. Nhưng họ đã cố để thu nhập từ du lịch cải thiện đời sống của mình, và cố để hình ảnh bãi biển của mình lịch duyệt hơn trong lòng người tìm đến. “Nếu có cực thì cũng chỉ là việc dang nắng, nhưng dân biển tụi tui sợ chi cái nắng biển ni nữa. Cứ thế mà làm, ngày thưa khách ít chi cũng kiếm được gần 100 nghìn đồng về đi chợ. Mấy bữa cuối tuần mà hên hên gặp được khách cho thêm tiền thì khỏi nói” - Châu, tên người đàn bà đã hơn 20 năm “chạy biển” chia sẻ. Nhưng đó đã là câu chuyện của những mùa hè từ năm trước. Bây giờ, sinh kế từ biển đã bị cắt xén thành nhiều phần, cho thêm nhiều cá nhân từ nơi khác đến.
Đổ dồn về cuối bãi
Từ mùa hè này, hàng quán của 50 hộ gia đình thôn Hạ Thanh, đã hơn 20 năm cắm tại đây, dồn về phía cuối bãi tắm, để nhường không gian bãi cát đẹp nhất cho khu resort vừa đưa vào khai thác ngay bãi biển công cộng Hạ Thanh. Tôi đọc đâu đó ý tứ của một nhà báo lão luyện, rằng, “con dân ngư phủ quen nghề “đi bạn”, rành theo con cá con tôm, nói năng như sóng vỗ; còn con gái lại thô như hộ pháp thì làm gì có cửa để mà vào làm việc ở những khu du lịch xa hoa, mượt mà, “văn minh” đấy… Resort là thực thể không gian xa lạ, là “thế giới mới”; với dân chài nó là “người khách” trên bờ biển... nhưng rồi phải gồng mình chấp nhận chung sống”. Và trong cái thế giới xa hoa ấy, người dân chỉ đứng ngoài rào giậu nhìn vào, ao ước. Chỉ khi nghe chính từ miệng những người đàn bà chạy biển nói, mới thấm thía cái câu, người nghèo luôn đi chậm hơn kẻ giàu, bởi như họ nói, đất của cha ông mình, mà đến bây giờ tới cái bóng mát của cây phải đi xin mới được cho ngồi, tới cái bãi biển tưởng đâu của công cộng, giờ phải chạy đuổi và giành giật mới đủ để kiếm miếng cơm.
Nguồn thu nhập trong gia đình rơi vào túng quẫn. Năm ngoái, 50 người đàn bà đã thuê một chiếc xe đưa các chị lên tận UBND TP.Tam Kỳ để kiến nghị về việc buôn bán của mình, khi khu du lịch chỉ mới đang trong quá trình xây dựng. Kết quả, khu buôn bán của các chị, các bà vẫn được hoạt động nhưng phải dời lên phía bên trái Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Thanh. Và bây giờ, thì 14 lều bạt dựng san sát phía cuối bãi, những ngày hè oi ả vẫn vắng hoe. Ở phía trung tâm bãi tắm, những chòi lá của khu resort uy nghiêm án ngữ, dành cho khách du lịch “hạng xịn” ngồi nghỉ sau buổi tắm biển. Khu vực buôn bán được chính quyền phân chia, những tưởng mọi việc sẽ lại trôi về chuỗi ngày “mua may bán đắt” như trước đây, nhưng ngược lại, còn đong đưa hơn trước. Bà Mùi, tròm trèm tuổi 80, nói như van lơn, “làm răng để về lại bãi cũ, kiếm ngày ít đồng”.
Trên con đường dẫn xuống bãi tắm, từng tốp đàn bà ngồi tụm vào nhau, chỉ để đợi một cái gật đầu của khách chịu xuống ngồi ở lều bạt của mình, vậy thì ít ra cũng đã được 10 nghìn đồng, tính luôn vốn. Mười nghìn đồng của một chai nước giải khát, hay thuê một cái áo phao bơi.
Ngày hôm qua, bà Mùi nói, từ sáng tới chiều bà kiếm được 20 nghìn đồng từ việc cho thuê 2 cái áo phao bơi. Vì vị trí không đẹp, xa bãi tắm chính, thức ăn không được bán đa dạng như trước, nên người bình dân đi tắm cũng đợi tới chiều muộn mới bắt đầu xuống biển. Tắm xong rồi lên, chẳng mấy ai ngồi khề khà nghe sóng ngắm trăng biển như trước. Và chắc, cũng chẳng mấy ai để tâm đến những người đàn bà chia thành từng tốp theo chân khách, mỏi mòn nói như một kiểu van lơn, rằng làm ơn, xuống chỗ hàng quán tôi ngồi…
LÊ QUÂN - PHAN VINH