Ba nghệ sĩ với những thiên hướng khác nhau, nhưng chung quy đều muốn thể hiện cái nhìn nghệ thuật trước một Việt Nam truyền thống. Họ đã chọn về Hội An. Không phải sống tạm, mà là sống hẳn, chậm rãi…
Hạnh ngộ
Síu Phạm, Jean Luc - Mello hay Jean Cabane, trong cuộc hẹn với người viết, gọi sự gặp gỡ của họ ở Hội An là một “hạnh ngộ ngẫu hứng”. Síu Phạm và Jean, gần như cả một thời trẻ tuổi sống tại Thụy Sĩ. Anh chàng họa sĩ lãng tử Cabane với dòng máu Pháp hào hoa chảy trong người. Vậy mà ngẫu nhiên, họ tìm về Hội An, từ những cơ duyên nghe có vẻ đơn sơ, cũ mòn. “Chỉ vì con người thôi, đầu tiên từ những người thân yêu”, Jean Cabane nói. Vợ Cabane là một phụ nữ nhỏ bé của Hội An, một người đàn bà hát nhạc Trịnh như muốn chảy tan lòng người nghe, bán buôn một quán cơm chay đạm bạc, dành cho sinh viên, và đã có một đời chồng. Vậy mà níu được anh họa sĩ lãng tử Cabane, về ở hẳn Hội An. Chọn dừng chân ở Hội An sau gần 40 năm sống ở Pháp, Jean Cabane nói, “đó còn là sự trả nghĩa cho một người bạn đã khuất, họa sĩ Từ Duy”. Khi họa sĩ Từ Duy mất, Cabane viết những vần thơ xúc động để tiễn biệt người bạn vẽ của mình - cũng là người đầu tiên đưa bước chân Cabane về phố cổ. “Ngày mưa - Mùa khô - Bạn tôi đi lạc trong con hẻm nào…”.
Jean Cabane. |
Cũng như Cabane, bước chân của Jean – Luc Mello lịu địu theo những dự án của Síu Phạm – người vợ gốc Việt của ông. Năm 1980, Síu Phạm sang Thụy Sĩ định cư và sáng tác. Síu cũng là một họa sĩ đã có những cuộc triển lãm tại các thành phố lớn trên thế giới: Paris, Bern, Washington, D.C. hay Genève… Thế nhưng, chừng như hội họa vẫn chưa đủ để Síu thể hiện những giác quan cũng như ý thức về cuộc đời của mình. Bà tiếp tục dấn thân vào phim ảnh, sáng lập hẳn một đoàn kịch và trở thành đạo diễn kịch hình thể. Đây cũng chính là cơ duyên để Jean và Síu đến với nhau, ngay trên quê hương Thụy Sĩ của Jean. Sự đồng điệu giữa phim ảnh, hội họa và múa đương đại, với những phối ngẫu từ các nghệ sĩ tài năng, tạo nên mối đồng cảm từ Síu và Jean. Năm 2009, khi trở về Việt Nam hỗ trợ, tư vấn về phục trang cho bộ phim Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh), với bối cảnh quay khá nhiều tại Hội An, Síu Phạm nói, “tôi ngồi ngay trong một ngôi nhà cổ, với mặt tiền nhà hướng ra phía sông Hoài - mà sau nay là bối cảnh chính của bộ phim Đó... hay đây của mình”. Bộ phim này, do Jean - Luc Mello viết kịch bản và cũng là diễn viên chính. “Đó… hay đây”, với bối cảnh văn hóa của một ngôi làng duyên hải miền Trung, cùng những va chạm với cuộc sống người dân lao động tại đây, một ông Tây lớn tuổi, dợm chân để hiểu nhiều triết lý của Đông phương.
Jean - Luc Mello và Síu Phạm tại phim trường.Ảnh: SONG ANH |
Đất lành
Cuộc gặp gỡ giữa Cabane, Jean và Síu, giữa Hội An, như thể một cuộc trở về với những vốn quý văn hóa cổ truyền – điều cần thiết nhất trong nghệ thuật của họ. Jean – Luc Mello nói ông yêu những sinh hoạt truyền thống của người Hội An, và chọn ở đây vì sự tĩnh tại của nó. “Đà Nẵng thì ồn ào. Sài Gòn thì tấp nập quá! Ở Hội An thì nhẹ nhàng” - Jean nói. Còn Cabane bảo rằng, mỗi buổi sáng sớm ra đường, thấy người dân vẫy tay với ông, không hiểu sao thấy ngày thư thái lắm! Síu thì nói, nơi nào của Việt Nam, nhất là những làng quê truyền thống, cũng níu bước chân chị.
Jean Cabane, từ bao năm nay mê đắm tìm hiểu lịch sử, khám phá văn hóa Việt. Anh đã cùng con gái của nhà dân tộc học Condominas lang thang hàng tháng trời trong các buôn làng Tây Nguyên để nghiên cứu về văn hóa M’Nông Ga, hay về nền văn minh Champa cổ. Phong cảnh, cuộc sống và những cảm nhận trực tiếp về con người Việt Nam đã thúc giục con người hội họa của Jean Cabane. Điều lạ kỳ, tất cả bức vẽ của Jean đều thể hiện trên giấy dó. Bằng họa pháp ấn tượng của mình, cùng với giấy dó, tranh của Jean vẽ một thứ phong cảnh “thấp thoáng nhân hình” và thay đổi muôn hình vạn trạng. Phong cảnh, theo Jean, không phải là thứ nhìn vào thấy ngay, mà là cái hội tụ của cảm nhận, sự biểu trưng của cảnh sắc và suy tư của tác giả. “Phong cảnh hình thành nên từ sự nắm bắt ở giao điểm của sự cảm nhận, cái biểu trưng và điều khả dĩ thể hiện. Giấy dó của người Việt, mỏng manh nhưng tạo ra nhiều cảm xúc, khi những sắc màu trên đó xuất phát từ tấm lòng người vẽ” - Jean nói. Cũng như vậy, Jean - Luc Mello chọn chất liệu giấy dó, giấy xuyến chỉ, giấy cứng với mực tàu và sữa tươi… để làm nên những bức tranh lạ, từ chủ đề đến cách thể hiện.
Hiện tại, Jean Cabane còn hoạt động từ thiện với vai trò đại diện của Hiệp hội nhân đạo phi chính phủ tại Pháp mang tên Giọt nước, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cùng góp sức xoa dịu nỗi đau của nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam và người nghèo tại Việt Nam. Còn Síu Phạm và Jean - Luc Mello thì luôn đồng hành trong mỗi dự án nghệ thuật, với tiêu chí đề cao những nền tảng truyền thống… Họ, bây giờ, gần như một công dân phố cổ, với nếp sống chậm rãi…
SONG ANH