Xác định không thể duy trì mục tiêu “Zero Covid”, việc sống chung và thích ứng với dịch bệnh từng bước được đặt ra. Các giải pháp ứng phó và nỗ lực phục hồi nền kinh tế sẽ phải tính toán cụ thể trên cơ sở dữ liệu cập nhật hằng ngày, từ độ bao phủ vắc xin, số ca mắc cho đến năng lực tiếp nhận và điều trị... Những kế hoạch cụ thể với từng lĩnh vực đang được triển khai...
LÁ CHẮN PHÒNG NGỰ
Y tế được xem là trụ cột đầu tiên của lớp phòng ngự với dịch bệnh. Xác định chống dịch phải là sự tích hợp giữa xét nghiệm, vắc xin và điều trị, từng bước một những kế hoạch cụ thể được đưa ra...
Tăng độ phủ vắc xin
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh xác định, vắc xin phải là yếu tố đầu tiên để đưa cuộc sống vào trạng thái bình thường mới theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tính đến ngày 9.11, Quảng Nam có hơn 992 nghìn người đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19, chiếm 79,3% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thông tin, hiện tỷ lệ phủ vắc xin ở Điện Bàn đạt hơn 72%, Điện Bàn đang sẵn sàng kế hoạch xây dựng trạm y tế lưu động, phân bổ oxy khi có hướng dẫn của Sở Y tế. Địa phương cũng tích cực hỗ trợ tăng cường năng lực của Phòng khám đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, bên cạnh đó cũng phối hợp chuẩn bị khoa điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam.
Ông Cường cho biết, trong tháng 11 chủ yếu là tiêm mũi 2 nên buộc phải triển khai tiêm rộng rãi (trừ những trường hợp cần phải tiêm tại trung tâm y tế các huyện).
“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về việc triển khai tiêm vắc xin. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lựa chọn vắc xin, làm tốt công tác tuyên truyền “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất” - ông Cường nói.
Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) cho biết, theo báo cáo đánh giá tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của ngành y tế, trong thời gian qua một số địa phương chưa tập trung huy động lực lượng cho công tác tiêm chủng nên tiến độ tiêm còn chậm so với yêu cầu.
“Dự kiến trong thời gian đến, Quảng Nam sẽ tiếp nhận số lượng lớn vắc xin phòng Covid-19. Do vậy, các địa phương khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc xin, trong đó tăng nhanh độ bao phủ mũi 1 và thực hiện tiêm trả mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1” - ông Quang nói.
Ngành y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng phải ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong triển khai tiêm chủng, thực hiện cập nhật thường xuyên số liệu tiêm chủng trên ứng dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 với tinh thần “tiêm đến đâu nhập đến đó”.
Quảng Nam đã triển khai 15 đợt tiêm chủng tại 18 địa phương, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã đạt hơn 90% như Nam Trà My, Phước Sơn, Nông Sơn.
“Dự kiến trong tháng 12 sẽ triển khai tiêm cho đối tượng trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đủ mũi 1. Chuẩn bị nguồn vắc xin để tiêm mũi 3 cho các đối tượng bắt đầu từ quý I vào năm 2022” - ông Quang nói.
Vẫn đang ở “vùng vàng” theo quy định về cấp độ dịch của Bộ Y tế do chưa đủ tỷ lệ bao phủ vắc xin trong cộng đồng, nỗ lực để thành “vùng xanh” đang được các địa phương “chạy đua”.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, địa phương này đã huy động cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn phối hợp các lực lượng y tế của thành phố triển khai nhanh việc tiêm vắc xin cho từng địa bàn cụ thể.
Trong tháng 11 này, Tam Kỳ phấn đấu hoàn thành tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt người từ 60 tuổi trở lên. Hơn 86% dân số trên 18 tuổi của Tam Kỳ đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu trong 2 tháng cuối năm này, Sở Y tế và các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Sở Y tế theo dõi, có phương án tăng cường lực lượng cho các địa phương có tiến độ tiêm vắc xin chậm và xem xét, điều chuyển vắc xin từ những địa phương có tiến độ tiêm chậm sang những địa phương có tiến độ tiêm nhanh để đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin đạt cao, tích cực tiêm hết lượng vắc xin được phân bổ, không để vắc xin hết hạn” - ông Thanh yêu cầu.
Điều trị tại chỗ
Thay đổi phương thức điều trị Covid-19 là điều được vạch ra trong kế hoạch sống chung với dịch của Quảng Nam. Nhìn nhận phải cải thiện năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, nhiều ý kiến cho rằng ngoài bao phủ vắc xin trong cộng đồng phải tăng năng lực xét nghiệm.
Năng lực xét nghiệm được nhìn nhận không chỉ máy xét nghiệm mà còn con người, quy trình, kit xét nghiệm và năng lực truy vết khi dịch vẫn còn trong khả năng kiểm soát, hoặc sau này tiêm vắc xin bao phủ thì vẫn truy vết được.
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết, hiện nay, năng lực xét nghiệm tại đơn vị đạt 6 nghìn mẫu đơn/ngày, nếu gộp mẫu (gộp 10) có thể xét nghiệm từ 60 nghìn mẫu/ngày, với 7 cơ sở được xét nghiệm RT-PCR.
Sau loạt ca mắc tại các địa phương miền núi như Phước Sơn, Nam Trà My, Nam Giang trong tình hình thiên tai, buộc phải có cách nhìn nhận khác về công tác điều trị Covid-19.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu ngành y tế phải xây dựng kế hoạch triển khai công tác điều trị Covid-19 nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó các huyện, thị xã, thành phố thành lập ngay các khu cách ly tập trung làm cơ sở điều trị Covid-19 để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại địa phương phụ trách.
“Chúng tôi sẽ tổ chức hướng dẫn việc thiết lập, củng cố các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 phù hợp với điều kiện thực tế và dự báo tình hình dịch tại địa phương. Mục tiêu vẫn là nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng tại chỗ, phù hợp, hiệu quả theo cấp độ dịch tại địa phương, để cách ly, quản lý, điều trị Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp diễn biến nặng và tử vong.
Căn cứ dự báo mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh tại địa phương để xây dựng các phương án thiết lập Bệnh viện dã chiến/Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tương ứng với các trạng thái dịch bệnh tại địa phương ở các cấp độ dịch.
Bệnh viện dã chiến/Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được thành lập trên cơ sở giao trách nhiệm cho một cơ sở y tế hiện có trên địa bàn để phụ trách về chuyên môn và hoạt động dưới sự điều hành của Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức triển khai hoạt động, trong đó cơ quan y tế chịu trách nhiệm về chuyên môn” - ông Mười nói.
Ngoài ra, tăng cường năng lực thông qua tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực điều trị Covid-19 cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng trên toàn tỉnh, trong đó chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hồi sức cấp cứu cơ bản, khẩn trương cử đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng đi học tập tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng về xử lý ca bệnh nặng, nguy kịch, hồi sức cấp cứu chuyên sâu... là những phần việc cần làm để thích ứng với tình hình mới.
“Về lâu dài, các bệnh viện công lập và tư nhân đều phải có khoa điều trị Covid-19” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu.
DUY TRÌ, PHỤC HỒI “MẠCH MÁU” SẢN XUẤT, GIAO THƯƠNG
Qua nhiều đợt “tập dượt” trực tiếp với dịch, nhiều địa phương, nhất là cửa ngõ phía bắc Quảng Nam cơ bản đã định hình được cách thức sống chung với dịch và luôn trong trạng thái phòng bị cao, sẵn sàng nguồn lực để chuyển trạng thái, khống chế dịch khi cần thiết.
Các địa phương phía bắc của tỉnh đều đang ở cấp độ 2 của dịch. Nguy cơ luôn tiềm ẩn, thực tế cũng đã rải rác phát sinh ca mắc mới nhưng chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng khu vực này tìm cách thích nghi với tâm thế mới, với tinh thần là mở cửa và cẩn trọng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 10.2021 tăng 11,8% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 đạt gần 3.700 tỷ đồng (tăng 10,6% so với tháng 9). Đến cuối tháng 10, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 16.247 tỷ đồng (đạt 84% dự toán và tăng 38% so với cùng kỳ).
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết luôn chủ động các phương án bởi đã trải qua nhiều đợt kích hoạt phòng chống dịch. Vừa rồi thị xã cũng ghi nhận lác đác một vài trường hợp F0 tuy nhiên phạm vi khoanh vùng rất nhỏ, các hoạt động thương mại - dịch vụ hầu như không bị gián đoạn.
Địa phương đang khẩn trương rà soát để ban hành cấp độ dịch theo từng thôn, khối phố tạo thuận lợi nhất cho việc duy trì các hoạt động một khi có sự cố dịch bệnh phát sinh.
Đối với vùng xanh (cấp 1), tất cả hoạt động được phép diễn ra bình thường. Người lao động ở cơ sở sản xuất kinh doanh, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, bán hàng rong, vé số dạo, thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi… phải tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng gần đây.
Đối với vùng vàng (cấp 2), người lao động tại các cơ sở kinh doanh sản xuất, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh.
Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp luôn được duy trì kể cả trong thời điểm dịch bệnh bùng phát là một trụ đỡ để gồng gánh nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, tinh thần của địa phương là tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn bởi dịch bệnh.
“Với công ty phế liệu xuất hiện 7 F0 ở xã Duy Trinh, do quy mô nhỏ chỉ vài chục người tiếp xúc trực tiếp với nhau nên chúng tôi đã tạm thời khoanh vùng, đóng cửa.
Còn với một doanh nghiệp có gần 500 lao động ở cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung), cơ quan chức năng đã tách F0, F1, làm sạch các khu vực nguy cơ theo quy định, đồng thời vẫn tiếp tục duy trì sản xuất bình thường ở các phân xưởng độc lập khác của công ty.
Đó cũng là kịch bản chung cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn vận hành để thích nghi trong bối dịch bệnh hiện nay” - ông Nguyễn Thế Đức nói.
Quy định tạm thời một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 đã giúp các hoạt động dịch vụ - giải trí bước đầu gượng dậy. Nhận thức chỉ có an toàn mới có thể mở cửa bền vững, chính các đơn vị kinh doanh cũng có nhiều thay đổi để thích nghi dần.
Lottle Cinema Hội An đã mở cửa trở lại từ ngày 5.11, giờ mở cửa được giới hạn đến 21 giờ hàng ngày. Khách hàng được khuyến cáo thực hiện tốt 5K, tranh thủ khai báo y tế trên app PC-Covid quốc gia tại nhà để thuận tiện khi check-in tại rạp.
Đơn vị này còn khuyến khích khách hàng sử dụng app trực tuyến để đặt vé online, nhận quà khuyến mãi để giảm thiểu rủi ro khi tiếp xúc trực tiếp quá nhiều như trước đây. Nhiều cơ sở cung ứng dịch vụ thời trang - giải trí - ẩm thực… cũng xây dựng kế hoạch bán hàng, trong đó tạo hàng loạt tiện ích, ưu đãi để khách hàng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ số.
Không dừng hoạt động sản xuất ở cả 4 cấp độ dịch
UBND tỉnh đã ban hành Quy định tạm thời về “thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong 9 danh mục được yêu cầu, việc sản xuất kinh doanh đều không ngừng trệ ở cả 4 cấp độ dịch.
Người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được hoạt động, thi công các dự án, công trình giao thông xây dựng, thủy lợi khi tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh và phải đảm bảo thêm các yêu cầu về phòng chống dịch được quy định cụ thể.
CHUYỂN MÌNH THÍCH ỨNG DU LỊCH AN TOÀN
Sau nhiều tháng “đóng băng”, du lịch đã rục rịch khởi động. Đứng trước muôn vàn khó khăn, cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch đang cố gắng thích ứng, lập trình các chuyến du lịch an toàn cho du khách một cách tối đa có thể.
Ngày 15.11, dự tính Hội An chính thức mở cửa trở lại với khách nội địa. Bên cạnh các chính sách giảm giá vé tham quan, gói khuyến mãi lưu trú, giải trí, trải nghiệm, thì địa phương cũng đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu trong thời gian đầu tái mở cửa này.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An cho hay đã lên kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn du lịch trong tình hình mới. Thực hiện đúng các yêu cầu của “Bộ tiêu chí an toàn du lịch” trên địa bàn thành phố và cũng là hướng đến mục tiêu du lịch xanh.
Sau thời gian ấp ủ, Ban xúc tiến du lịch Mỹ Sơn cũng đã ra mắt chương trình thuyết minh trực tiếp khu đền tháp Mỹ Sơn, với 4 phần gồm Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn những thông tin cần thiết nhất; tham quan bảo tàng Mỹ Sơn; theo dòng lịch sử hình thành và phát triển khu đền tháp; lịch sử hình thành khu đền tháp A, quá trình trước và sau khi trùng tu của các chuyên gia Ấn Độ.
Diễn ra từ ngày 6 đến 21.11, chương trình mang lại cảm xúc cho cả du khách đã hoặc chưa từng đến với di sản này theo phong cách hoàn toàn mới mẻ, thích ứng với thời dịch bệnh. Đây cũng là một trong những phương cách trao truyền thông điệp “Du lịch Mỹ Sơn an toàn - ấn tượng”.
Nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu đón khách nội tỉnh và một số địa phương lân cận trở lại. Tuân thủ các quy định đón khách từ cơ quan y tế địa phương, nhận khách với công suất kiểm soát, kiểm tra mã QR của khách khi check-in là những điều tuân thủ bắt buộc để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Bà Ngô Thị Bích Vân - Giám đốc nhân sự khu vực Anantara Hội An chia sẻ: “Chúng tôi luôn quán triệt nhân viên duy trì khoảng cách với khách, sát khuẩn sau khi tiếp xúc tại khu vực lễ tân, nhà hàng. Chúng tôi cũng có máy khử trùng các phòng sau khi khách “check-out”. Khách sạn cũng đang lên kế hoạch test nhanh cho nhân viên định kỳ 2 - 3 tuần/lần tùy theo tình hình khách và dịch tễ bên ngoài”.
Dự thảo hướng dẫn tạm thời để thích ứng với dịch đối với hoạt động du lịch cũng đã được Sở VH-TT&DL xây dựng, chỉ không đón khách du lịch nội địa từ “vùng đỏ”, dừng hoàn toàn hoạt động tham quan, sự kiện tập trung trong nhà hơn 20 người và các chương trình du lịch trong địa bàn, đi và đến địa bàn khi địa phương ở cấp độ 4 của dịch bệnh.
Theo đại diện công ty du lịch Vietravel, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn trang thiết bị y tế, nhất là kit test nhanh, kiến thức xử lý y tế để nhân viên y tế có thể dễ dàng test cho du khách khi cần thiết. Ngoài ra, thiết lập mã QR quốc gia theo hệ thống ngành du lịch để các điểm đến, đơn vị du lịch và du khách tra cứu nhanh, chính xác diễn biến của dịch bệnh và khai báo lịch trình kịp thời là một vấn đề cần được đẩy nhanh hiện nay.