(QNO) - Đã nhiều ngày qua, người dân ở các xã vùng ven của huyện Đại Lộc vẫn “sống chung” với lũ, khó khăn bộn bề.
Nhiều vùng của huyện Đại Lộc vẫn còn ngập lụt. |
Đến chiều tối 4.10, nhiều vùng ven của huyện Đại Lộc như Đại Lãnh, Đại Hưng, thị trấn Ái Nghĩa… vẫn còn bị nước lũ cô lập. Nhiều khu vực người dân không thể đi lại, phải di chuyển bằng ghe.
Tại khu 3 (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc), nước lũ vẫn còn tràn qua tuyến đường từ khu vực này đi về trung tâm huyện với độ sâu hơn 0,3m. Tuy nhiên, do không có biển báo nên người dân địa phương vẫn bất chấp nguy hiểm cho các phương tiện xe cộ lưu thông. Anh Trung, một người dân địa phương cho hay, nước lũ gây ngập hoa màu, nhà cửa người dân từ nhiều ngày qua khiến cuộc sống bị đảo lộn. “Khổ lắm, nhưng biết phải làm sao”, anh Trung nói.
Bến đò tự phát trung chuyển người dân qua vùng ngập lụt. |
Từ cầu Hà Nha, chúng tôi ngược dòng Vu Gia để đến vùng “rốn lũ” Đại Lãnh. Tại bờ sông cách cầu khoảng vài trăm mét, những chiếc thuyền máy chờ sẵn, đón khách qua lại. Phí thu mỗi chuyến đi (khoảng 10 phút) cho một vị khách cùng xe máy có giá 40 nghìn đồng, nhưng không có áo phao an toàn. Một người dân địa phương cho hay, do khu vực trọng điểm nên mỗi ngày có đến hàng trăm khách qua lại; nước sông lớn, rất nguy hiểm.
Các nhà dân ở thôn Tân An (xã Đại Lãnh) bị ngập sâu. |
Khu vực thôn Tân An (xã Đại Lãnh) có đến hàng chục nhà dân bị ngập lũ. Nhiều ngôi nhà vẫn còn ngập đến mái, kể từ hôm thủy điện xả lũ (2.10) vừa rồi. Theo bà Nguyễn Thị Bích Sơn (60 tuổi, ở thôn Tân An), đỉnh điểm của đợt lũ dâng xảy ra bất ngờ lúc đầu giờ chiều 2.10 khiến người dân không kịp trở tay. “Lũ lên nhanh, tui vừa ăn cơm xong là tranh thủ dọn hết mấy thứ đồ đạc trong nhà đưa lên tầng trên. Thông tin thủy điện trên núi bị vỡ đập càng làm cho người dân hoảng loạn”, bà Sơn kể. Ông Trà Quốc Hùng (62 tuổi, trú khu vực chợ Hà Tân) cho biết, trước khi xảy ra đợt xả lũ, người dân địa phương không hề nắm được thông tin. Thấy lũ lên nhanh, dân cuống cuồng mà bỏ chạy, tìm nơi ẩn náu an toàn.
Chị Đỗ Thị Ngọc Bé đang lau dội nhà khi nước vừa rút. |
Người dân ở thôn Tân An cho biết, hôm qua (3.10) khi nước rút dần, họ cùng nhau dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Vừa dọn xong, mưa lớn vào cuối giờ chiều đã khiến nước lũ tiếp tục dâng cao. Chị Đỗ Thị Ngọc Bé vừa dội nước lau nền nhà, cho biết: “Mấy ngày qua, cả nhà đều tá túc trên gác. Lo vì nước lũ tiếp tục dâng cao nên có ngủ được đâu”. Vết bùn đất, mực nước của ngày hôm qua vẫn còn bám trên vách nhà chị Bé như một dấu tích của đợt lũ năm nay.
Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, đã phối hợp chỉ đạo kiểm tra tình hình ngập lụt tại các địa phương toàn huyện để sớm có phương án khắc phục, đảm bảo cuộc sống của người dân. Ông Tính cũng cho biết thêm, hiện mực nước lũ tại các vùng ven sông Vu Gia, Thu Bồn do các đợt xả lũ của Thủy điện Đăk Mi 4, A Vương và Sông Bung 4A trước đó vẫn gây ngập tại một số vùng khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê của UBND huyện Đại Lộc về tình hình thiệt hại do mưa lụt (tính đến ngày 3.10), toàn huyện có 90 ngôi nhà cùng 285 ha diện tích đất sản xuất, hoa màu bị ngập úng gây hư hại; ước tổng thiệt hại trên 8 tỷ đồng.
Ông Tính lo ngại, nếu tình hình thời tiết đúng như dự báo (sẽ tiếp tục có mưa lớn vào các ngày tới) thì tình trạng người dân vùng hạ lưu sông Vu Gia sẽ còn gây nhiều thiệt hại. “Để chủ động trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chúng tôi đã triển khai công tác sơ tán hơn 416 hộ dân/1.602 nhân khẩu có nguy cơ sạt lở cao; vùng thấp trũng trước nơi an toàn”, ông Tính nói.
LĂNG A CÚI