Sống chung với nguồn nước nhiễm vôi

VĨNH LỘC 24/07/2020 09:14

Hàng chục năm nay, nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn 2 thôn Đồng Râm và thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) phải sử dụng nguồn nước nhiễm vôi để sinh hoạt.

Nhiều hộ dân 2 thôn Đồng Râm và thôn Hoa phải mua nước bình sử dụng do nước giếng và nước tự chảy nhiễm vôi. Ảnh: V.LỘC
Nhiều hộ dân 2 thôn Đồng Râm và thôn Hoa phải mua nước bình sử dụng do nước giếng và nước tự chảy nhiễm vôi. Ảnh: V.LỘC

Nước nhiễm vôi

Hơn 3 tháng trước, gia đình bà Ngô Thị Thoan (tổ 2, thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ) đầu tư hơn 32 triệu đồng thuê thợ về khoan giếng. Sau nhiều lần thăm dò bà cũng tìm được mạch nước ở độ sâu 65m, nhưng khi nước bơm lên thì không thể nấu ăn, uống được do bị nhiễm vôi. 

“Nước ngầm ở đây hầu hết nhiễm vôi nên chủ yếu dùng cho tắm giặt, chứ gội đầu cũng không dám vì vôi bám trên tóc khô cứng” - bà Thoan cho biết.

Trước kia, để có nước sinh hoạt, gia đình bà Thoan phải trữ nước mưa và nước tự chảy, nhưng từ khi nhà máy xi măng Xuân Thành được xây dựng trên địa bàn (năm 2010), nước mưa hứng trên mái nhà cũng bị nhiễm bụi không sử dụng được. Bây giờ, để có nước ăn uống, bà Thoan phải đi mua nước bình về dùng. Còn gia đình bà Hoàng Thúy Nga (nhà kế bên bà Thoan) cũng thuê thợ về khoan nhiều chỗ nhưng vẫn không tìm được nguồn nước. Gần 10 năm nay bà phải mua nước lọc về dùng.

Nhiều hộ dân tại thôn Hoa và thôn Đồng Râm cho biết, giếng đào lên đa phần bị nhiễm vôi hoặc có mùi hôi tanh. Theo bà Lăng Thị Nhọt (tổ 3, thôn Đồng Râm), nhiều năm nay nước trở thành nỗi lo của các hộ dân nơi đây. Tháng 6 vừa qua bà phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng thuê thợ về khoan giếng. Sau khi khoan xuống sâu 25m thì gặp mạch nước nhiễm bùn đỏ quánh; khoan chỗ khác có nước khá trong nhưng chỉ sau một ngày hút lên bồn, mặt nước nổi bợn, còn dưới đáy lắng lớp cặn trắng đục khá dày. Cũng như những hộ dân khác, bà Nhọt phải mua nước bình 20 lít về nấu ăn.

Thôn Đồng Râm có hơn 100 hộ dân sinh sống, nhiều năm nay phần lớn sử dụng nước sinh hoạt từ giếng hoặc hệ thống nước tự chảy trên núi về. Bà Riah Nhông - Trưởng thôn Đồng Râm khẳng định, hầu hết nguồn nước này không đảm bảo chất lượng vì bị ô nhiễm. Thậm chí, một số gia đình có nhiều người bị sỏi thận. Mới đây, nhà máy nước Thạnh Mỹ thông báo sẽ kéo nước về thôn, khoảng 35 hộ dân đăng ký nhưng cũng chưa thấy động tĩnh gì.

Nan giải nước sạch

Báo cáo của Phòng TN-MT huyện Nam Giang cho thấy, hiện tại ngoại trừ thị trấn Thạnh Mỹ với 1.060/2.088 hộ dân được sử dụng nước sạch, thì 11 xã trên địa bàn huyện đối diện nguy cơ thiếu nước hoặc không sử dụng được nước sạch. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Nam Giang, muốn xác định chất lượng nguồn nước có đảm bảo hay không cần phải có nghiên cứu nhưng việc này lại thuộc trách nhiệm của ngành y tế. Dù vậy, ông Tín cũng thừa nhận chất lượng nguồn nước trên địa bàn, nhất là thị trấn Thạnh Mỹ khá thấp do bị nhiễm đá vôi, nhưng cũng chỉ nhiễm ở một số vùng chứ không phải tất cả.

Ông A Viết Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, hiện nay việc đầu tư nước sạch trên địa bàn huyện là hết sức bức thiết. Do vậy, trong các dự án giai đoạn trung hạn 2021 – 2025, bên cạnh các dự án như giao thông, môi trường, huyện cũng sẽ tập trung xúc tiến đầu tư hệ thống nước sạch.

“Các thôn thiếu nước sinh hoạt không phải do huyện không đầu tư mà do thời tiết hạn hán kéo dài nên một số hệ thống nước tự chảy không đảm bảo, về lâu dài huyện sẽ từng bước giải quyết” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, sở dĩ thôn Hoa, thôn Đồng Râm không có nước sạch dù nằm gần nhà máy nước bởi vướng cơ chế, vì nhà máy là doanh nghiệp kinh doanh có thu, do đó việc công ty chưa kéo ống nước đến một số thôn vì những nơi này không đáp ứng được doanh thu cho đơn vị; trong khi ngân sách huyện thì không có để hợp đồng với nhà máy kéo nước về. Phương án sắp tới của huyện cũng chỉ tính toán đến hệ thống nước tự chảy để đưa về các thôn, nhưng việc này cũng liên quan đến nguồn vốn của Nhà nước nên chưa biết tính sao.

“Huyện Nam Giang ở đâu cũng có đá vôi nên ngoại trừ nhà máy nước có điều kiện lọc thì ở các địa phương khác hiện nay chủ yếu nước tự chảy chứ không xử lý nước đá vôi được. Riêng nước bình thật ra là nước tự chảy qua hệ thống xử lý lọc vào bình, mà nước này cũng nằm trên địa bàn huyện Nam Giang nên nó có vôi hay không cũng chưa đánh giá được. Tất nhiên, để giải quyết bài toán nước sạch là rất khó cho một địa phương, nhưng trước mắt chúng tôi cũng sẽ cố gắng cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân, còn về lâu dài sẽ tính toán làm từng bước” - ông Sơn chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống chung với nguồn nước nhiễm vôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO