Sông Cổ Cò - khơi dòng khát vọng

ĐINH VĂN MÃNH 22/09/2020 09:23

Ai đặt tên cho sông là Cổ Cò đến nay chưa rõ. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi danh Cổ Cò theo chữ Hán là Lộ Cảnh giang. Nhà sư Thích Đại Sán đã có chuyến thăm tới Đàng Trong năm 1695, mô tả Cổ Cò trong “Hải ngoại ký sự” như một dòng sông mênh mang với làng mạc trù phú hai bên bờ. Giờ đây, Cổ Cò đang được khơi thông để nối Đà Nẵng với Hội An, nhằm phục hồi tuyến thủy lộ trên dải đô thị, du lịch sinh thái ven sông bên biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Sông Cổ Cò đoạn qua TP.Hội An. Ảnh: Q.TUẤN
Sông Cổ Cò đoạn qua TP.Hội An. Ảnh: Q.TUẤN

Sông Cổ Cò là đường thủy nội địa nối Đà Nẵng và Hội An từ lâu, sầm uất nhất là trong thế kỷ XVIII-XIX. Nhưng do bồi lấp, con sông này đã bị tắc dòng lưu thông cả thế kỷ, chỉ còn lại từng đoạn lưu thủy khúc và mang những tên gọi khác nhau. Như từ điểm gặp nhau giữa sông Cẩm Lệ với sông Hàn ngoặc qua Non Nước xuôi về hướng đông nam giáp Điện Ngọc (Điện Bàn) gọi là Cổ Cò. Đoạn về  chợ Cầu, làng Hà Lộc (Điện Dương - Điện Bàn) gọi là sông Hà Sấu, qua làng Hà My đến dưới đập ba-ra rồi xuôi về Cửa Đại, Hội An thì gọi là Đế Võng.

Lưu dấu ký ức

Việc triển khai nạo vét sông Cổ Cò thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương và lãnh đạo tỉnh đã quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, dịch vụ du lịch. Dự án khơi thông sông Cổ Cò, nối cửa Hàn (Đà Nẵng) tới cửa Đại (Hội An) dài 28km nhằm hình thành tuyến giao thương, du lịch đường thủy để phát triển kinh tế - xã hội”.

(Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh)

Nhiều tư liệu cũ cho biết, sau khi tàu lớn tấp nập vào các hải cảng Đại Chiêm, hay cửa Hàn, thì thương lái dùng thuyền nhỏ hơn đi theo Lộ Cảnh giang phân phối đi các nơi. Do vậy, từng có nhiều thương điếm hình thành hai bên bờ sông Cổ Cò. Một trong những điểm mà người mua kẻ bán đông đúc tấp nập nhất vẫn còn lưu lại trong ký ức của nhiều người cao tuổi khắp vùng có lẽ là chợ Cầu, nằm sát bên sông thuộc làng Hà Lộc cũ (nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn).

Chợ Cầu hiện lên trong câu ca dao quen thuộc: “Bồng con mà bỏ vô nôi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Vĩnh Điện, mua trầu Hội An”. Chợ và cầu như hình với bóng. Chợ mang tên Cầu còn cầu mang tên chợ. Bởi trên một đoạn sông hẹp và chỉ dài chừng một cây số có đến hai chiếc cầu gỗ bắc qua sông. Cầu phía trên gọi là “Cầu Chợ” (còn gọi là cầu ông Nghè). Xuôi dòng sông phía dưới có thêm cầu ông Tú. Đây là hai người con của họ Lê Tấn, làng Hà Lộc là Lê Tấn Luận và Lê Tấn Yết, cùng đỗ tú tài Hán học, có công lớn trong việc xây dựng cầu. Cả hai ông tú đều là học trò của cử nhân Lê Tấn Toán - người thầy khả kính của  hai nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng: Nguyễn Duy Hiệu và Châu Thượng Văn. Ở vùng đất học này vẫn còn lưu truyền một vế đối chữ Nôm: “Qua chợ Cầu, đến cầu Chợ, chờ Cậu” đang còn bỏ ngỏ vì câu thách đối chơi chữ khá hiểm hóc của cụ đồ mà đến nay vẫn chưa ai đối chỉnh!

Một dự án đang triển khai ven sông Cổ Cò đoạn qua thị xã Điện Bàn. Ảnh: Q.TUẤN
Một dự án đang triển khai ven sông Cổ Cò đoạn qua thị xã Điện Bàn. Ảnh: Q.TUẤN

Và, rồi trong cuộc biến thiên dâu bể, kể từ cuối thế kỷ XIX, sông Cổ Cò bị bồi lấp dần. Tiếp nữa xảy ra hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ khốc liệt. Các cánh rừng nguyên sinh ven sông Hà Gia, Hà My... bị tàn phá. Hàng ngàn héc ta rừng dương liễu kéo dài từ vùng cát ven biển Hòa Hải đến Cẩm An chắn gió và giữ cát cũng bị chặt trụi! Các khu rừng dừa nước ngập mặn xác xơ héo úa vì bom đạn.

Sau mùa xuân thống nhất năm 1975, khi hòa bình trở lại, cả một vùng mênh mông cát và cát, những cây còn sót lại cao không quá đầu gối chân người. Sông Cổ Cò càng bị bồi lấp nặng, có nơi chỉ còn là con lạch nhỏ, nhiều đoạn bị mất dòng chỉ còn là bãi lầy hoang, ngập tràn cỏ dại, lục bình phủ kín.

Khơi dòng khát vọng

Những điểm nhấn cảnh quan sông Cổ Cò

- Vào ngày 24.8.2020, UBND tỉnh Quảng Nam có thông báo đề nghị ngành chức năng của tỉnh và TP.Đà Nẵng rà soát và lập thiết kế cảnh quan ven sông Cổ Cò và khu vực ven biển từ thị xã Điện Bàn đến TP.Hội An. Theo đó, lưu ý thiết kế hệ thống cây xanh cảnh quan hai bên bờ sông, xác định loại cây trồng chủ đạo để các địa phương và các dự án lân cận triển khai đầu tư bảo đảm tính thống nhất; phối hợp hai địa phương để xác lập chiều cao thông thủy của các cầu qua sông, kết nối thông tin về điều chỉnh nắn tuyến dòng sông; yêu cầu tính toán phương án làm đường tàu điện chạy theo sông Cổ Cò…

- Theo quy hoạch, hai bên bờ sông Cổ Cò sẽ có các bến thuyền du lịch, kết hợp các công viên sinh thái, hình thành chuỗi đô thị du lịch dịch vụ ven sông Hội An - Điện Bàn - Đà Nẵng. Hiện trên toàn tuyến sông Cổ Cò có hàng chục dự án đô thị sinh thái đã và đang triển khai. Điển hình như dự án khu đô thị Green City ven sông Cổ Cò thuộc khu vực ranh giới Đà Nẵng - Quảng Nam có diện tích quy hoạch hơn 15ha, được thiết kế với phong cách dự án đô thị theo hình mẫu Singapore. Ngoài Green City có thêm dự án Coco Riverside City cũng triển khai ven sông Cổ Cò thuộc khu vực Quảng Nam. Về phía đoạn tuyến sông Cổ Cò tại Đà Nẵng đã hình thành khu đô thị và tổ hợp văn phòng công nghệ cao FPT City Đà Nẵng…

Từ năm 2003, lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng thống nhất chủ trương phối hợp khảo sát lập dự án khơi thông sông Cổ Cò với sự tham gia của các nhà khoa học thủy lợi, quy hoạch, kiến trúc... nhằm kết nối giữa Đà Nẵng và Hội An. Gần 20 năm qua, trong tổng chiều dài 28km, đoạn sông Cổ Cò trên địa phận Đà Nẵng cơ bản đã được nạo vét khơi dòng chảy giữa các khu đô thị mới Nam Việt Á, sân golf Montgomerie Links, sân golf Vinacapital, khu đô thị công nghệ FPT, khu đô thị Phú Mỹ An..., phần còn lại là việc xây dựng các cây cầu qua sông. Xuôi dòng Cổ Cò trên đất Quảng Nam với chiều dài 21km, đoạn từ Cửa Đại vào đến đập ba-ra Hà My cơ bản đã khơi thông, còn từ phía thượng lưu đập ngược lên sông Hà Sấu, qua chợ Cầu cũ, nhiều đoạn sông vẫn ngập đầy lục bình, nước đọng vũng tù cùng với hàng chục héc ta đồng ruộng hoang hóa, những đầm lầy ô nhiễm.

Dự án khơi thông sông Cổ Cò khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực rộng lớn có hàng trăm nghìn dân, kéo theo sự phát triển giao thông, môi trường, bất động sản, du lịch. Đặc biệt là sự kết nối du lịch hai địa phương qua liên kết vùng, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Định hướng đã rõ, công việc tiếp theo là của các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư thiết kế tâm huyết, tài năng để không gian dự án Cổ Cò trong tương lai đạt mục tiêu văn hóa - văn minh - thơ mộng.

Theo ước vọng của nhiều người dân bản địa, nên chăng cần giữ và nhân rộng rừng dừa nước - loài cây “đặc hữu” thích hợp sông nước lại để chắn sóng, tạo cảnh quan, vừa gìn giữ di tích kháng chiến. Dọc hai bờ, tại các khu công viên điểm xuyết những rặng mù u - một loại cây mọc nhiều dọc hai bờ sông Cổ Cò xưa.

Thời điểm thông dòng mà hai địa phương từng hạn định là vào tháng 9.2020, nay đã trễ rồi vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên do đình trệ thi công vì đại dịch Covid-19. Đã vào những tháng cuối năm 2020 vào mùa mưa lũ, trên chiều dài gần chục cây số của dự án sông Cổ Cò qua thị xã Điện Bàn, công cuộc nạo vét vẫn còn dang dở. Nếu trước đây dự án gặp khó khăn về nguồn vốn, thì nay hai địa phương đã được Trung ương hỗ trợ từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm tạo tuyến thoát lũ, đồng thời cải tạo cảnh quan, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho dân cư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là khơi dậy tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Hội An.

Đại dịch Covid -19 đang được khống chế, rồi cũng sẽ qua. Cuộc sống sẽ tiếp tục tiến lên phía trước. Mong dự án khơi thông sông Cổ Cò lại tiếp tục được xúc tiến mạnh mẽ để hoàn thành.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông Cổ Cò - khơi dòng khát vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO