Những tờ lịch cuối cùng rơi xuống để năm 2023 giã từ với quá nhiều ưu tư, lo toan, gian khó của Quảng Nam.
Như một khúc quanh của dòng chảy đời sống, việc phục hồi kinh tế - xã hội sau những thiên tai, hoạn nạn, dịch bệnh, trở nên nhọc nhằn hơn bao giờ hết, và hậu quả là thu ngân sách không đạt dự toán, giảm sâu tốc độ tăng trưởng GRDP.
Còn người, hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những khuyết điểm, sai phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19, quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, giá đất, khoáng sản…
Bầu không khí chùng hẳn, nỗi buồn dai dẳng đeo bám cho đến cuộc họp báo cuối năm của UBND tỉnh còn thông tin thêm nhiều hạn chế khác như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt; công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phục hồi, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn; quản lý hiện trạng đất đai, quy hoạch còn lỏng lẻo; việc xử lý các tồn đọng, vướng mắc liên quan các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, khu dân cư, đô thị… còn kéo dài.
Phải thức nhận rằng, có những khuyết điểm là do bối cảnh mới, nhưng phần lớn hạn chế đã tích tụ nhiều năm, đến khúc này bục ra sau khi rà soát, thanh tra, kiểm tra. Cũng có những khó khăn do khách quan, như chuyện kinh tế suy giảm là vì ảnh hưởng cả từ vĩ mô quốc gia quốc tế, khi những biến động thị trường, đầu tư, giảm năng lực sản xuất và tiêu thụ…
Nhưng chủ quan có phần từ vận hành của hệ thống không theo kịp sự biến đổi và ít nhiều ảnh hưởng từ tâm lý ngại làm vì sợ sai, ngại chịu trách nhiệm, ngại đột phá, đổi mới, sáng tạo; một bộ phận cán bộ đùn đẩy công việc, chậm giải quyết, gây ách tắc, lúng túng khi xử lý những chồng chéo trong chính sách và thực thi công vụ.
Các mặt hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đã được nghiêm túc nhìn nhận, nhưng quan trọng hơn là giải pháp tháo gỡ. Có những việc, dù của năm 2023 nhưng sẽ còn vắt qua đầu năm 2024 để giải quyết, như chuyện xử lý biến động trong công tác cán bộ, làm sao để xốc lại đội ngũ, vận hành bộ máy cho trôi chảy thì các vấn đề vướng mắc trong quản lý mới được đả thông.
Từ đó, thực thi cho được 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2024, trong đó có việc khắc phục các hạn chế khuyết điểm và tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội.
Không thể nói gì hơn với câu quen thuộc ấy, rằng “sông có khúc, người có lúc”, quy luật vận động và phát triển của đời sống không khi nào đi lên bằng biểu đồ thẳng đứng mà nhiều khúc, nhiều lúc quanh co, khúc khuỷu, phải không ngừng giải quyết mâu thuẫn, chuyển hóa năng lượng, phá cái tiêu cực, xây cái tích cực.
Vấn đề ở chỗ là niềm tin và hy vọng hướng đến những đích tốt, hướng thiện, hướng cho cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn. Nếu nhìn về gian khó, hạn chế, khuyết điểm, thậm chí sai phạm cũ với tâm thế ấy, ắt sẽ tìm được cách hóa giải, tìm lối đi mới cho năm mới.
Vậy cái mới sẽ là gì? Có thể đơn cử điểm nhấn như Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ mở ra lộ trình phát triển bền vững hơn.
Những mũi đột phá hạ tầng kết nối liên vùng tiếp tục được xúc tiến đầu tư, tạo lực đẩy cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế… Song hành với phát triển kinh tế là chăm lo an sinh, trong đó có việc tỉnh phát động chương trình đến năm 2025 xóa 15.735 nhà tạm, nhà dột nát được xem là một chủ trương, đề án đầy tính nhân văn.
Trăn trở qua những khúc quanh co rồi chào đón năm 2024, mong đất và người xứ Quảng sẽ khơi dậy được tiềm năng và nội lực để bứt phá vượt qua chông gai mà đi tới!