Sống cùng Triêm Tây

VĨNH LỘC 02/07/2015 08:48

Một trải nghiệm đầy cảm xúc vừa được Tổ chức tình nguyện quốc tế Việt Nam, thành viên của mạng lưới tình nguyện phát triển châu Á - Thái Bình Dương triển khai tại Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) nhằm mang lại cho người dân những giá trị đích thực của cuộc sống.

Các tình nguyện viên tham gia hoạt động tại làng Triêm Tây. Ảnh: V.LỘC
Các tình nguyện viên tham gia hoạt động tại làng Triêm Tây. Ảnh: V.LỘC

“Humans of Triem Tay”

Trong khoảng thời gian 2 tuần cuối tháng 6 vừa qua, hơn 50 bạn trẻ tình nguyện là thanh niên, sinh viên đến từ 20 tỉnh, thành phố của Việt Nam và quốc tế như Pháp, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản đã phối hợp cùng người dân Triêm Tây tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng như trồng lác, dọn dẹp vệ sinh, mở đường, quét vôi, làm mái nhà, tổ chức chương trình văn nghệ quảng bá du lịch cho làng… Đặc biệt, nhóm tổ chức triển lãm ảnh về đời sống người dân Triêm Tây với chủ đề “Humans of Triem Tay” với 30 bức ảnh được trưng bày. Đây là những tác phẩm lựa chọn từ hàng nghìn bức ảnh do các tình nguyện viên ghi lại trong quá trình sinh hoạt, làm việc cùng người dân, tái hiện cuộc sống phong phú, bình yên của người dân làng Triêm Tây dưới cái nắng mùa hè tháng 6. Theo bạn Triệu Thùy Giang - tình nguyện viên đến từ Hà Nội, triển lãm “Humans of Triem Tay” là hành trình của những người trẻ khám phá cuộc sống làng quê, lao động như một nông dân thực thụ. Đó cũng là câu chuyện về những con người đã sống trên mảnh đất Triêm Tây từ nhiều đời, họ đã giữ làng, giữ nghề trước thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên và cuộc sống. Bộ ảnh cũng là ước mơ, trăn trở của người dân trong việc bảo tồn những giá trị truyền thống, phát triển du lịch sinh thái nhằm giữ làng mãi là một vùng xanh mát bên bờ sông Thu Bồn. “Ngay khi đặt chân đến đây tôi đã cảm nhận được sự ôn hòa của con người, còn cảnh vật thì quá đẹp. Hàng ngày chúng tôi đã cùng người dân làm các công việc rất ý nghĩa để gìn giữ cảnh quan, quảng bá hình ảnh làng Triêm Tây. Qua những hoạt động này, tôi đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống, điều mà tôi chưa bắt gặp trong quá trình làm công việc kinh doanh bấy lâu nay” - Triệu Thùy Giang chia sẻ.

Ông Nguyễn Yên - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp làng Triêm Tây chia sẻ, việc các tình nguyện viên về Triêm Tây giúp dân làng làm đẹp cảnh quan là việc làm rất ý nghĩa, góp phần mang đến cho làng một hình ảnh mới mẻ. “Dù những việc các bạn làm chưa phải là lớn lao nhưng ý nghĩa thật đặc biệt. Qua đó giúp người dân có cái nhìn tích cực hơn về du lịch cộng đồng cũng như biết cách giữ gìn hình ảnh làng quê trong mắt du khách” - ông Yên nói.

Mở tour Triêm Tây

Theo bà Cao Huyền Diệu Hương -  cán bộ điều phối chương trình SJ Việt Nam, chương trình tình nguyện Triêm Tây được SJ Việt Nam ký kết với UNESCO  Pháp nhằm triển khai hoạt động cộng đồng tại các quốc gia có di sản. Tại Quảng Nam, SJ Việt Nam tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức tại những vùng miền bên ngoài di sản Hội An. Thông qua hoạt động của mình như dạy ngoại ngữ, dọn dẹp vệ sinh tạo cảnh quan mới hay nghiên cứu, điều tra khảo sát… sẽ giúp tìm ra những giải pháp đúng đắn trong phát triển du lịch cộng đồng địa phương. “Chúng tôi lựa chọn Triêm Tây vì UNESCO Việt Nam là nhánh của UNESCO Pháp và họ đang có một dự án ở tỉnh Quảng Nam về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại làng Triêm Tây. Đây là vùng phụ cận của di sản nên việc triển khai hoạt động du lịch sẽ giúp giảm tải lượng khách đến Hội An nhằm bảo tồn Hội An cũng như  tạo sự phong phú và đa dạng điểm đến ở Quảng Nam” - bà Hương nói.

Trong 2 tuần tại Triêm Tây, ngoài các hoạt động như cải tạo cảnh quan cộng đồng, mở con đường du lịch ra bến đò sang Thanh Hà (Hội An) hay trồng gần 22.000m2 cỏ tại Triêm Tây và Cẩm Kim để chống sạt lở..., nhóm còn thực hiện một nghiên cứu về mức độ sẵn sàng của cư dân Triêm Tây về việc đón nhận khách du lịch cũng như cách chuẩn bị thế nào cho mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng ở làng. Để thực hiện yêu cầu này, chương trình đã chia các tình nguyện viên thành nhiều nhóm như nhóm chụp ảnh, nhóm nghiên cứu di sản, nhóm bảo tồn làng nghề truyền thống, nhóm nghiên cứu du lịch… Trong đó, nhóm nghiên cứu du lịch phải dậy từ 5 giờ sáng để theo người dân đi cắt lác cũng như trải nghiệm các công đoạn từ dệt chiếu đến nhuộm màu, phơi chiếu, thành phẩm… giống như một du khách thực thụ. “Các bạn muốn đóng vai như những người khách du lịch tìm kiếm trải nghiệm thật sự để có thể đồng ý chi tiền sử dụng dịch vụ của làng không, sau đó chúng tôi sẽ làm báo cáo ngắn đề xuất làng tạo ra một tour mà người dân không phải đầu tư nhiều” - bà Hương cho biết. Cũng theo bà Hương, việc phát triển du lịch làng Triêm Tây cũng cần tuân thủ những tiết chế nhất định. Vì nếu làm du lịch không đúng cách hoặc phát triển quá đại trà sẽ làm biến mất làng. Do đó, tour du lịch làng Triêm Tây kéo dài chỉ khoảng một ngày rưỡi là vừa. Đối tượng hướng tới là du khách trẻ đi phượt, khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa. Họ sẽ tham gia các hoạt động như gặt lác, cói, làm chiếu, nhuộm chiếu, câu cá và ăn ở, sống chung với gia đình người dân. Điểm thuận lợi ở đây là người dân không cần phải đầu tư nhiều mà cứ sống như cuộc sống bình thường hàng ngày của họ vì có những điều tưởng đơn giản với mình nhưng lại rất hấp dẫn với khách.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống cùng Triêm Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO