Sóng gió quan hệ thương mại giữa Nga và phương Tây

QUỐC HƯNG 07/08/2014 17:43

 (QNO) - Quan hệ thương mại giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), Mỹ đang trong giai đoạn sóng gió khi các bên, vốn là các đối tác thương mại rất quan trọng của nhau vừa luân phiên đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau.

Nhiều loại trái cây và rau quả từ EU sẽ không còn xuất hiện trên thị trường Nga trong vòng một năm tới.
Nhiều loại trái cây và rau quả từ EU sẽ không còn xuất hiện trên thị trường Nga trong vòng một năm tới.

Theo hãng tin Itar-tass (Nga), Tổng thống Nga Putin ngày 6.8 đã ký một sắc lệnh cấm hoặc hạn chế giao dịch thương mại nhập khẩu vào Nga trong vòng một năm đối với sản phẩm nông nghiệp có xuất xứ từ các quốc gia đã ban hành hay ủng hộ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow cũng như cá nhân và nhiều công ty Nga “nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia của Liên bang Nga”. Tổng thống Putin đã giao cho chính phủ nhiệm vụ biên soạn danh sách chi tiết sản phẩm sẽ bị cấm nhập khẩu, đồng thời yêu cầu chính phủ thông qua các biện pháp phối hợp với nhà sản xuất và mạng lưới bán lẻ trong nước nhằm nâng cao thị phần sản phẩm nội địa, ngăn chặn nguy cơ giá thực phẩm sẽ tăng cao. Một quan chức của Cục kiểm dịch động thực vật Nga cho biết, toàn bộ thực phẩm đang được sản xuất tại Mỹ và cung cấp cho thị trường Nga như gà hay mặt hàng nông sản khác sẽ bị cấm trong khi trái cây và rau quả từ EU bị cấm hoàn toàn. Trước đó, Nga đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với sản phẩm sữa và pho mát từ nhiều nước EU.

Sắc lệnh kinh tế của Tổng thống Nga được đưa ra ngay sau khi các thành viên EU thống nhất tiến hành lệnh trừng phạt kinh tế Nga nhằm vào các lĩnh vực tài chính, thương mại và năng lượng, có hiệu lực từ ngày 1.8. Cụ thể, các đối tác EU không được phép sử dụng, tiến hành giao dịch về cổ phần hoặc công trái do các cơ sở của Nga phát hành. EU cấm bán vũ khí cho Nga, thậm chí ngừng mọi trợ giúp, kể cả về kỹ thuật. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ được áp dụng đối với các hợp đồng sẽ ký với Nga. Trong lĩnh vực năng lượng, EU “ra tay” với Nga nhưng chỉ giới hạn trong ngành dầu lửa, bởi vì một số thành viên EU phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt của Nga.

Các chuyên gia phân tích nhận định, biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa Nga và EU, Mỹ bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, kéo dài từ đầu năm 2014 đến nay. Hiện EU là đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Nga, hàng xuất khẩu của EU lại chủ yếu máy móc, sản phẩm hóa học, y tế và nông nghiệp. Trong khi đó, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU, sau Mỹ và Trung Quốc và là nhà cung cấp năng lượng chính cho EU. Tổng kim ngạch giao dịch hàng hóa giữa Nga - EU đạt kỷ lục 336 tỷ euro (462 tỷ USD) năm 2012. Nếu tính cả dịch vụ, con số này còn lên tới 520 tỷ USD.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ, EU và Nga “tăng nhiệt” với các lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau khiến một cuộc chiến thương mại giữa Nga và phương Tây có nguy cơ bùng nổ. Khi đó, nền kinh tế tất cả các bên đều chịu tổn hại nặng và có khả năng tác động đến nền kinh tế thế giới.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sóng gió quan hệ thương mại giữa Nga và phương Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO