Ngôn ngữ, chữ nghĩa được con người sáng tạo ra, thành phương tiện để biểu đạt tư duy và tình cảm. Nhưng rồi đến lượt mình, ngôn ngữ, chữ nghĩa phái sinh, phát triển mà nếu không tiếp tục nghiên cứu học nói, học viết người ta cũng khó làm chủ công cụ ấy trong giao tiếp xã hội.
Đọc lại lịch sử hành trạng và nhiều trước tác nghiên cứu ngôn ngữ, chữ nghĩa của Phan Khôi - một người Quảng “lý sự” bực nhất, thấy ông học cách sử dụng từ ngữ hết sức cần mẫn từ thời trẻ đến già.
Học chữ Hán – Nôm rồi qua quốc ngữ, tiếng Pháp để viết báo, viết văn, làm thơ, dịch thuật, biên khảo, nghiên cứu cổ kim Đông –Tây. Trong trường văn trận bút, ông từng châm ngòi cho nhiều cuộc bút chiến đầy sóng gió về chữ nghĩa văn chương, văn hóa vang dội cả nước.
Tiếng tăm bút chiến, “lý sự quá Phan Khôi” vậy nhưng ông luôn tâm niệm học ngôn ngữ, chữ nghĩa hàng ngày. Ông học từ thầy, từ sách vở, tự điển, cả thực hành nói và viết.
Vào tù, đi tránh truy nã vẫn học, viết thư, viết báo bằng tiếng Pháp nhờ người giỏi xem giúp. Học và chú trọng “lời nói” (chữ nghĩa - NV) nên ông chủ trương khi tranh luận học thuật nên “lấy lời nói làm cái đối tượng cho sự biện luận” chứ không nên lấy con người (tức tình cảm - NV) làm đối tượng. Xem thế để thấy muốn trở thành người Quảng “hay cãi” nổi tiếng đâu dễ.
Và qua các cuộc bút chiến của Phan Khôi cũng thấy không riêng người Quảng biết cãi mà các học giả ở nhiều vùng cũng thế, từ Nam chí Bắc, do ngôn ngữ, chữ nghĩa tiếng Việt “phong ba bão táp” quá chăng?
Những cuộc tranh luận về ngôn ngữ, chữ nghĩa trên báo chí giờ đây có vẻ ít sôi nổi như thời Phan Khôi, nhưng trên mạng xã hội thì thường thấy sóng gió nhiều hơn. Như chung quanh cuộc ra mắt sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” (Andrea Hoa Pham, Nxb Đà Nẵng, 2022) mới đây tại Đà Nẵng, đã làm dậy lên nhiều suy tư về ngôn ngữ, về giọng nói rất đặc trưng của người Quảng, tràn lên Facebook nhiều người.
Từ cuốn sách này lại xới lên góc nhìn về một cuốn sách khác - “Có 500 năm như thế” của Hồ Trung Tú. Xem ra cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết với các giả thuyết giọng nói của người Quảng ảnh hưởng từ bà mẹ Chăm nói tiếng Việt, hay là mang gốc gác từ làng xã nào đó ở Thanh - Nghệ.
Nhìn theo hướng tích cực, sóng gió tranh luận về ngôn ngữ, chữ nghĩa, giọng nói chỉ riêng vùng Quảng Nam chưa ngớt lao xao tâm tưởng của người quê mình, yêu da diết miền đất mà cũng đầy trăn trở nên “hay cãi”.
Trở lại thực nghiệm nghiên cứu ngôn ngữ của Phan Khôi, nhiều điều thiển nghĩ còn có giá trị cho ngày nay khi ứng xử với tình huống sóng gió trong tranh luận về chữ nghĩa. Chẳng hạn viết văn cần giữ ba điều Tín – Đạt – Mỹ.
Tín, nghĩa là văn phải cho tin, kể chuyện thì phải cho thật, nói lý thì phải cho đúng. Đạt, nghĩa là văn cho thông. Cái ý mình nghĩ trong óc thế nào thì viết ra trên giấy cũng thế ấy, làm cho người xem văn mình hiểu đúng như ý mình, mà khỏi hiểu ra đường khác hay là không hiểu chi cả; ấy là thông đó. Mỹ, nghĩa là văn phải cho đẹp. Tín và thông cũng đã gọi là đủ dùng trong sự viết văn, viết báo rồi; song nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái mỹ (cái đẹp).
Phan Khôi hầu như cả đời trăn trở với ngôn ngữ, dù lắm khi trả giá với sóng gió vì chữ nghĩa. Ngay cả khi đi kháng chiến 9 năm chống Pháp, ông cũng dành thời gian nghiên cứu tiếng Việt và cho ra đời công trình “Việt ngữ nghiên cứu” vào năm 1955.
Phan Khôi có lần bày tỏ mong muốn “các nhà giáo, nhà văn chúng ta có trách nhiệm làm cho tiếng Việt nước ta tiến lên một bậc hoàn mỹ. Tiếng nói có hoàn mỹ thì mới đẩy văn học, khoa học tiến lên được, mới phục vụ cho nhân dân, cho quốc gia, dân tộc đi nhanh trên con đường tiến hóa của hiện đại…”.