Song hành với nông dân

MINH ĐỨC 17/04/2013 08:32

Nhiều người từng biết đến Nguyễn Thanh Tuấn (thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, Núi Thành) như một gương điển hình vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều thành công với mô hình trang trại chăn nuôi trên cát. “Ông chủ nông dân” ấy giờ đây đã trở thành giám đốc của “doanh nghiệp chăn nuôi” và quyết tâm theo đuổi mục tiêu góp phần phát triển kinh tế cộng đồng.

  • Tuấn "bò sát"
Nguyễn Thanh Tuấn triển khai thành công nhiều giống nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu Quảng Nam. Ảnh: M.ĐỨC
Nguyễn Thanh Tuấn triển khai thành công nhiều giống nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu Quảng Nam. Ảnh: M.ĐỨC

Không như trước đây, trang trại của Tuấn đang rợp bóng cây ăn quả, sum sê hoa trái - những loại cây mà vài năm trước anh cho biết chỉ trồng để thử nghiệm độ thích nghi trên vùng đất cằn cỗi này. Trang trại cũng là trụ sở chính của Công ty TNHH một thành viên Ân Cát mà Tuấn làm giám đốc, chỉ có điều ông chủ vẫn như ngày nào, lăn lộn với từng đụn cát, mình mẩy lấm lem bùn đất… Tuấn cho biết đang triển khai thêm mô hình nuôi rắn mối nên suốt ngày bận rộn. Trong trang trại rộng khoảng 1.600m2 với nhiều mô hình nuôi kỳ nhông, kỳ đà, ba ba… Trong đó, Tuấn đang dành 500m2 nuôi khoảng 10.000 con rắn mối, rùa phân nửa là nuôi phát triển con giống để cung cấp cho nông dân. Theo anh, nuôi rắn mối đang là mô hình cho thu nhập cao. Hiện mỗi con giống có giá 16 nghìn đồng, giá bán thương phẩm 280 nghìn đồng/kg; nếu thả nuôi khoảng 1.000 con, sau 4 tháng, trừ chi phí nông dân có thể lãi lòng từ 5 – 6 triệu đồng.

Trang trại của anh Tuấn lâu nay cung cấp rất nhiều loại con giống cho nông dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, trong đó có nhiều loại giống nuôi giúp nông dân phát huy điều kiện sản xuất hiện có, cải thiện thu nhập như mô hình nuôi nhông trên cát, kỳ đà, kỳ tôm, bồ câu... Đặc biệt, Tuấn thành công trong việc lai tạo được nhông Bình Thuận với nhông cát trắng Tam Hiệp cho ra con giống có năng suất cao, đáp ứng yêu cầu nuôi của các địa phương có khí hậu khắc nghiệt. Hiện nay, trang trại của anh đang thả nuôi 11.000 con nhông bố mẹ trên diện tích 300m2. Mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường hơn 30.000 con giống và hàng trăm ký nhông thương phẩm. “Tôi luôn tìm tòi các loại giống nuôi phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao để nuôi thử nghiệm, sau đó triển khai kỹ thuật cho nông dân mở rộng mô hình và mình trở thành người bao tiêu sản phẩm. Cái chính là phải đa dạng hóa các loại hình chăn nuôi để góp phần phát triển kinh tế cho nông dân và tất nhiên qua đó mình cũng thu được lợi nhuận” – anh chia sẻ.

Công ty của “ông chủ nông dân” Nguyễn Thanh Tuấn đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi, trồng trọt và được các bộ, ngành trung ương vinh danh là doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế cộng đồng cũng bởi anh luôn tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Anh cho biết, đây là mục tiêu cần phải đạt được và luôn phát huy, mở rộng thị trường, tạo chỗ dựa cho nông dân bởi lâu nay sản phẩm của họ làm ra, đặc biệt là con vật nuôi thương phẩm luôn có đầu ra bấp bênh. “Quy trình” phát triển chăn nuôi của Tuấn là tìm giống nuôi phù hợp, tìm kiếm, mở rộng thị trường, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân, ký cam kết hỗ trợ con giống, bao tiêu sản phẩm… Anh nói: “Mình cũng là nông dân, gắn kết với nhà nông nhưng phải “đứng mũi chịu sào” chứ không thể để người chăn nuôi bị thiệt. Mình “bảo hành” từ khâu chuyển giao con giống đến tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả của các mô hình chăn nuôi mà nông dân thực hiện tương đối ổn định”.

Từ thành công trong việc triển khai các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện trên địa bàn tỉnh, những năm qua Tuấn luôn “đắt sô” trong việc phối hợp với các hội đoàn thể triển khai kỹ thuật chăn nuôi cho nhà nông. Anh thường xuyên liên kết với các trường trung cấp nghề và hội nông dân các tỉnh trong khu vực chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn với mong muốn luôn song hành với người dân trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp.

MINH ĐỨC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Song hành với nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO