Sông Hoài

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 28/01/2018 12:01

Chữ Hoài trong Hán văn có nghĩa là nhớ. Mấy trăm năm trước, khi người ta tụ hội về đây lập nên làng Minh Hương, không biết một con người lãng mạn nào đó đã đặt tên cho nhánh sông Thu từ Hội An đổ về cửa Đại Chiêm là sông Hoài. Sông về đến đây gặp dòng nước của cửa biển nên chảy chậm lại; sóng lặng lờ, dùng dằng như không muốn ra đi. Hễ ra tới biển là số phận của sóng sẽ qua một cuộc đời khác.

Sông Hoài - Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Sông Hoài - Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Sông Hoài chỉ một đoạn sông ngắn mà phải chịu bao nhiêu tác động của thiên nhiên khắc nghiệt. Năm nào cũng bão lụt. Địa hình các làng mạc hai bên bờ sông cứ vậy mà thay đổi; nguồn nước sông khi đục khi trong. Chỉ có những lũy tre bao quanh làng là tồn tại lâu bởi rễ chúng bám chặt vào lòng đất và bởi chúng tàn thì những mụt măng mới sẽ mọc lên. Mùa xuân, dòng nước sông trong xanh; càng gần cửa biển nước càng trong xanh.

Người lái đò mở dây cột chiếc đò dọc, nổ máy. Mùi khói tỏa ra khét lẹt, tiếng chân vịt quẫy rào rào trong dòng nước. Hôm nay, có hai người khách đi chơi sông Hoài cùng xuống đó một lượt, mỗi người trả một nửa tiền đò. Họ nói với người lái đò như vậy.

Cô gái mặc chiếc áo muslin màu đỏ ngồi bó gối trong lòng đò dọc, đôi mắt mơ màng nhìn ra phía trước. Vạt dương liễu xanh ôm lấy vùng tam giác châu bồi lên giữa lòng sông là một hình ảnh lạ với cô. Mùa xuân, thành phố Hội An tràn ngập hoa cúc đại đóa vàng. Màu hoa bâng khuâng, gợi nhớ đến không tả nổi. Cô đã đi bộ qua những đường phố, chọn một con đò dọc để dạo chơi một lần cho biết nhánh sông Hoài chảy qua phố Hội An.

Màu áo đỏ tươi ánh hồng lên đôi gò má. Hai lọn tóc hai bên úp vào nhau, ôm lấy khuôn mặt. Đôi mắt cô lãng mạn nhìn ra phía trước, nơi có sóng nước long lanh, trời xanh và mây trắng. Cô sinh ra ở miền Bắc nên giữa sông Hoài miền Trung, hình ảnh nào cũng mới lạ đối với cô. Cô lên dò dọc đi chơi như một khách nhàn du, tìm hiểu thêm một chút về một vùng đất mà cô chỉ được nghe kể chứ chưa bao giờ đến.

Cô hỏi:

- Tại sao người Quảng Nam gọi nhánh sông này là sông Hoài, thưa ông?

Người đàn ông ngồi trước mũi thuyền không trả lời vội. Ông nhìn quang cảnh làng quê, lắng nghe tiếng máy nổ, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền. Ông thật sự cảm khái bởi mấy chục năm mới trở về, qua dòng sông này. Ngày xưa từ làng quê qua đây, ông chỉ là một cậu bé; năm mươi năm sau trở về, ông đã là người già.

Khác hơn cô gái trẻ, ông đi trên dòng sông như một cách trở về tìm lại quê nhà mình, tuổi thơ mình - hai cái mà ông đã đánh mất từ lâu.

Ông không nhàn du như cô.

- Tôi không biết rõ, cô à. Người ngoài này thường gọi tên sông, tên bến, tên phố chỉ bằng một chữ. Thí dụ sông Thu, phố Hội, cửa Đại. Ngay đến họ tên của người đàn ông ở đất này ngày trước cũng... nghèo đến nỗi chỉ có hai âm tiết. Có lẽ sông Hoài cũng nằm trong cách gọi ngắn gọn đó.

- Ông sinh ra ở thành phố này?

- Dạ không. Quê nhà tôi ở bờ bên kia, cách đây khoảng năm cây số. Nó được gọi là đất Duy Xuyên.

Câu chuyện tạm dừng ở đó giữa hai người khách cùng thuyền. Những chiếc rớ cá hiện ra ngay giữa dòng chảy của sông. Tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền lớn hơn; con sóng mạnh hơn. Người lái đò nói trống không:

- Ra tới cửa biển rồi đó.

Rồi người lái đò giảm tốc độ máy, đẩy bánh lái nghiêng hẳn qua bên tay phải, quay đầu thuyền lại.

Lúc mới ra đi, thuyền xuôi sóng; lúc quay về, thuyền ngược sóng. Dòng đời vẫn xuôi ngược như thế; dòng sông vẫn xuôi ngược như thế; ta suy nghĩ làm chi cho bận tâm. Với cô gái, cái gì cũng mới; cô thích thú tự cho phép mình đi tìm cái mới. Với người đàn ông đứng tuổi, cái gì cũng cũ; ông tự cho phép mình đi tìm niềm xúc động trong những cái cũ. Ở hai thời điểm ra đời khác nhau, được thụ hưởng hai nền văn hóa khác nhau, họ có cái nhìn riêng về cuộc sống khác nhau cũng là chuyện bình thường.

Họ chỉ tình cờ gặp nhau, đi chung một thời gian ngắn ngủi trên con thuyền này, giữa cuộc đời này. Mỗi người đi với một tâm trạng khác nhau, mục đích khác nhau. Cô gái nghĩ cô còn một đời thật dài để sống, sẽ có ngày cô về lại thành phố này với một người nào đó, thăm dòng sông đẹp chảy ra biển để có thêm niềm vui trong những niềm vui tận hưởng cuộc sống. Người đàn ông lớn tuổi nghĩ có thể đây là lần cuối ông trở về bến sông này bởi không biết ngày mai, ông sẽ ra sao. Họ đi chung một con thuyền nhưng mỗi người là một số phận biệt lập.

- Ông ạ, hình như bên Trung Quốc cũng có sông Hoài?

Cô gái hỏi.

- Dạ đúng. Nó được gọi là Hoài Thủy. Cô hỏi làm tôi nhớ đến nhân vật Hoài Âm hầu Hàn Tín luồn trôn giữa chợ.

- Chuyện ra làm sao, thưa ông?

- Thuở hàn vi, Hàn Tín nghèo đến nỗi không có cơm ăn, phải xin cơm thừa của người giặt lụa bên sông mà sống. Có một tay anh chị trong chợ Hoài Âm đến dọa Hàn Tín, buộc Tín phải chui qua háng mình. Hàn Tín nhịn nhục, chui qua háng của anh ta trong tiếng chê cười, phỉ báng của người ngoài chợ. Mười năm sau, Tín trở thành đại nguyên soái của nhà Hán, trở về thăm chợ Hoài Âm xưa, gọi tên anh chị đó đến ban thưởng tiền bạc.

- Ông ta không trả thù?

- Không. Có việc gì mà phải trả thù và trả thù nhau mà làm gì? Ở thời điểm đó, Hàn Tín phải nhịn nhục luồn trôn. Bài học luồn trôn đó giúp Hàn Tín trở thành nguyên soái. Ông ta sống theo triết lý phải biết cúi xuống để tự nâng mình lên. Thế thôi.

Nói đến đây, người đàn ông giật mình. Cuộc đời ông cũng đã từng trải qua những tủi nhục, may mà chưa đến nỗi phải luồn trôn thiên hạ như tay Hàn Tín giữa chợ Hoài Âm. Thế nhưng, bản chất của đời sống con người cũng đã là một cái “trôn” khó chịu rồi.

Người đàn ông đã nhiều lần gặp phải những điều nhục nhã trong đời. Vấn đề là người ta phải biết ứng xử ra sao để thoát qua những điều nhục nhã ấy. Ngay trong tình yêu cũng thế, muốn yêu người ta cũng phải luồn trôn. Gần như ai cũng đã từng bị ép phải luồn trôn để sống.

- Thưa ông, chữ Hoài có nghĩa là sao ạ?

- Nghĩa là nhớ, cô à. Cái gì thật sự xảy ra cũng tàn theo thời gian; chỉ có nỗi nhớ là còn mãi trong tâm hồn người ta như một giá trị vĩnh cửu.

Chiếc đò trở về bến đậu của nó. Hai người bước lên bờ. Mỗi người đi một hướng. Mùa xuân đã trôi qua như thế.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông Hoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO